Kinh tế

FDI vào Việt Nam - dấu ấn từ các tập đoàn Mỹ và EU

Hằng Thy 11/05/2025 04:04

Một trong những điểm nhấn trong xu hướng tăng trưởng FDI gần đây là sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn từ Mỹ và EU.

Theo báo cáo mới nhất về tình hình thu hút FDI trong bốn tháng đầu năm 2025 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong bốn tháng đầu năm 2025 đạt gần 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 5,59 tỷ USD, giảm 23,8% do thiếu vắng các dự án quy mô lớn.

Tuy nhiên, đáng chú ý là vốn đầu tư tăng thêm và đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần lại tăng mạnh. Cụ thể, vốn đầu tư tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng gần 3,9 lần so với cùng kỳ, trong khi góp vốn, mua cổ phần đạt 1,83 tỷ USD, tăng gấp 2,1 lần.

fdi.jpg
Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Không chỉ dừng lại ở mức vốn, số lượng các dự án đăng ký mới, điều chỉnh vốn và các giao dịch góp vốn, mua cổ phần cũng tăng nhanh. Điều này cho thấy sự tự tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Họ không chỉ đến để đầu tư mới mà còn mở rộng quy mô hoạt động, khẳng định sự ổn định và tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, một trong những điểm nhấn trong xu hướng tăng trưởng FDI gần đây là sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn từ Mỹ và EU.

Theo đó, sự kiện Qualcomm mua lại công ty phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của VinAI là một minh chứng rõ nét cho xu hướng này. Với tham vọng xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn thứ ba thế giới tại Việt Nam, Qualcomm đang đặt niềm tin lớn vào năng lực công nghệ cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia.

Việc mua lại công ty AI của VinAI không chỉ giúp Qualcomm tận dụng tài nguyên chất xám của Việt Nam mà còn biến quốc gia này thành một trung tâm R&D trọng điểm. Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển các trung tâm công nghệ từ những quốc gia phát triển sang các thị trường mới nổi có tiềm năng về nguồn nhân lực và chi phí thấp hơn. Đồng thời, với trung tâm R&D lớn thứ ba toàn cầu, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến nhất, mở ra triển vọng phát triển trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, học máy và công nghệ viễn thông.

Không chỉ lĩnh vực nghiên cứu, Việt Nam còn nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghệ cao với sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia. Minh chứng rõ rệt là việc tập đoàn LEGO (Đan Mạch) khánh thành nhà máy trị giá 1,3 tỷ USD tại Việt Nam. Đây là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất trong ngành công nghiệp đồ chơi tại quốc gia này, phản ánh niềm tin của LEGO vào môi trường đầu tư ổn định và tiềm năng phát triển bền vững. Nhà máy này không chỉ tạo ra hàng ngàn việc làm mà còn sử dụng công nghệ tiên tiến, giảm thiểu phát thải, góp phần vào chiến lược phát triển xanh của Việt Nam.

Bên cạnh công nghệ, Việt Nam cũng thu hút đầu tư lớn trong lĩnh vực dệt may, với sự góp mặt của tập đoàn SYRE (Thụy Điển). Dự án trung tâm dệt may toàn cầu tại Bình Định, trị giá 1 tỷ USD, hướng tới sử dụng năng lượng xanh và các công nghệ sản xuất hiện đại. Đây là một bước tiến lớn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm dệt may Việt Nam, giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường cao cấp như Mỹ và EU. Theo bà Susanna Campbell, Chủ tịch SYRE, việc lựa chọn Việt Nam làm điểm đầu tư chiến lược chủ yếu dựa trên lợi thế về năng lượng xanh và hệ sinh thái công nghiệp dệt may phát triển mạnh.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, Apple đã đẩy mạnh dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng và giảm thiểu rủi ro từ các bất ổn kinh tế - chính trị. Các đối tác sản xuất của Apple như Foxconn, Luxshare và Goertek đã liên tục mở rộng quy mô nhà máy tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Nghệ An, tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ. Điều này không chỉ giúp Apple đảm bảo tính ổn định trong sản xuất mà còn tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Việc Apple tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam mang lại nhiều cơ hội để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tiếp cận với công nghệ hiện đại và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là tiền đề để Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực Đông Nam Á, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và khẳng định thương hiệu quốc gia trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

CEO Tim Cook khẳng định, “gần như tất cả” các sản phẩm của Apple bán tại Mỹ trong quý này đều được sản xuất tại Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam không chỉ là điểm đến sản xuất linh kiện đơn thuần mà đang dần trở thành trung tâm sản xuất thiết bị công nghệ cao toàn cầu.

Thời gian qua, song hành sự quyết liệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, Việt Nam đã cải cách mạnh mẽ hành chính cùng quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng bộ máy nhà nước tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Những thành tựu thu được chẳng những giúp Việt Nam ổn định về chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh vững chắc, mà còn tạo môi trường kinh doanh lành mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao. Chỉ

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn do căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn từ đại dịch, việc các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới chọn Việt Nam làm nơi mở rộng sản xuất cho thấy vị trí chiến lược của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những tín hiệu khả quan trong quý I và đầu quý II năm 2025 đang cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tận dụng tốt các cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm. Đáng chú ý, dòng vốn FDI đang thể hiện vai trò quan trọng, trở thành một trong những động lực chủ chốt giúp kinh tế Việt Nam duy trì sự ổn định và phát triển.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam không chỉ tập trung thu hút vốn mà còn chú trọng vào chất lượng và hiệu quả của các dự án FDI. Cách tiếp cận có chọn lọc này đã giúp dòng vốn không chỉ tăng về mặt số lượng mà còn góp phần tạo ra một nền kinh tế hiện đại, cạnh tranh và hội nhập sâu rộng. Những dự án công nghệ cao, năng lượng tái tạo và sản xuất tiên tiến từ các tập đoàn lớn đã mang lại nhiều cơ hội việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Dù FDI tăng trưởng mạnh, nhưng Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Các yếu tố như lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát và quá trình hoàn thiện thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc. Do đó, để duy trì dòng vốn FDI ổn định và bền vững, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính minh bạch và nhất quán trong chính sách.

Trong dài hạn, việc gia tăng các dự án công nghệ cao, sử dụng năng lượng xanh là hướng đi đúng đắn, không chỉ giúp Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng mà còn giúp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Đặc biệt, việc các tập đoàn lớn của Mỹ và EU đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trong thời đại chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
FDI vào Việt Nam - dấu ấn từ các tập đoàn Mỹ và EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO