Nhiều nền kinh tế tại châu Á sắp đối diện với “thuế quan qua lại” từ Mỹ, dự báo sẽ có cuộc sắp xếp lại trật tự trên quy mô lớn.
Câu chuyện thuế quan xuất khẩu vào thị trường Mỹ ngày càng “nóng” lên, sau Mexico, Canada và Trung Quốc bị chính quyền Trump áp thuế. Ngày 10/2 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh áp thuế quan 25% lên tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.
“Thuế quan qua lại” sớm được công bố và hiệu lực ngay lập tức. Nhà trắng chưa nêu rõ quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng nhưng cho biết đó sẽ là nỗ lực chung nhằm giúp xóa bỏ thâm hụt thương mại.
Dự báo sắp tới là châu Âu bị ông Trump đưa vào tầm ngắm; đồng thời mối lo ngại đã lan sang châu Á. Một số nền kinh tế châu Á đang hưởng thặng dư thương mại đáng kể với Washington có thể tranh thủ để đàm phán các giải pháp.
Mặc dù các chi tiết vẫn chưa rõ ràng, nhưng một nhóm các nhà phân tích tại Barclays cho biết rằng, có khả năng thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ tăng đối với hầu hết các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, ngoại trừ Singapore và Hồng Kông, những nơi không hưởng thặng dư thương mại với Mỹ.
Dựa trên ước tính của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tính đến năm 2023, hầu hết các nền kinh tế ở châu Á áp dụng mức thuế trung bình cao hơn đối với hàng nhập khẩu so với Mỹ.
Theo Cục Thống kê Mỹ, năm ngoái, Trung Quốc đứng đầu về thặng dư thương mại với nước này, ở mức 295,4 tỷ USD, tiếp theo là Việt Nam với 123,5 tỷ USD, Đài Loan với 74 tỷ USD, Nhật Bản với 68,5 tỷ USD và Hàn Quốc với 66 tỷ USD.
Stefan Angrick, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics, nói rằng “các nền kinh tế chưa bị Mỹ áp thuế quan, không có nghĩa là mọi thứ đã qua đi”, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của chính quyền Trump có thể thay đổi, và thuế quan vẫn có thể được áp dụng bất cứ lúc nào”.
Nhà kinh tế của Moody's Analytics khuyến cáo, Việt Nam chắc chắn là một trong những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trước nguy cơ trở thành mục tiêu của các hạn chế thương mại từ chính quyền Trump, do có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và các khoản đầu tư đáng kể của Trung Quốc.
Việt Nam là nước hưởng lợi lớn từ các rào cản thương mại mà ông Trump áp đặt lên Bắc Kinh trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, thúc đẩy các nhà sản xuất chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Do đó, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất.
Michael Wan, nhà phân tích tiền tệ cấp cao tại MUFG Bank cho biết Washington có thể tăng gấp đôi thuế quan đối với Việt Nam lên 8% nếu nước này thực thi “thuế quan qua lại” đầy đủ.
Tại châu Á, Ấn Độ dẫn đầu với mức thuế trung bình là 17%, so với Mỹ chỉ đánh thuế 3,3%. Ông Michael Wan ước tính thuế quan của Mỹ đối với Ấn Độ có thể tăng lên trên 15% từ mức 3% hiện tại.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được cho là đã chuẩn bị thảo luận về việc cắt giảm thuế quan đối với hàng chục lĩnh vực và mua thêm thiết bị năng lượng và quốc phòng từ Mỹ trong cuộc gặp với Tổng thống Trump vào cuối tuần này.