Theo bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ khu vực Tiểu vùng sông Mekong và Đông Nam Á, các nền kinh tế GMS đang đi đúng hướng, giúp GMS vẫn là một trong những khu vực tăng trưởng hàng đầu trên thế giới.
“Triển vọng kinh tế dài hạn của khu vực là tươi sáng khi các quốc gia GMS đang có vị trí thuận lợi và sẵn sàng vươn lên hơn so với các nước châu Á khác”, bà Eugenia Victorino cho biết và nhấn mạnh, mặc dù có một số rủi ro Bangladesh hoặc Sri Lanka có thể chiếm lấy vài trò của GMS, nhưng hiện tại là thời cơ cho khu vực này.
Trong số các nước GMS, Việt Nam đang dẫn đầu và trở thành động lực cho các nền kinh tế khác của khu vực GMS phát triển. Vì vậy, bất chấp việc thương mại châu Á đang ở trong một cuộc suy thoái kéo dài, nhưng Mekong vẫn là một trong những khu vực tăng trưởng hàng đầu trên thế giới và dần dần leo lên trong chuỗi giá trị gia tăng thông qua áp dụng đa dạng hóa sản xuất.
"Việc đa dạng hoá sản xuất này chỉ có thể được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của FDI. Trong khi đó, Việt Nam thường được coi là một "thỏi nam châm" hút FDI. Điều đó đã làm thay đổi nhanh chóng năng lực sản xuất của Việt Nam như thế nào khi thu hút gần 90 tỷ USD trong vòng 15 năm qua”, bà Victorino nói.
ANZ cho rằng, đầu tư vào GMS sẽ bền vững về lâu dài, vì GMS có các hành lang vận tải và là tuyến đường bộ duy nhất kết nối các quốc gia giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này có nghĩa, thông qua việc duy trì sự kết nối từ Trung Quốc đến Myanmar, thông qua Campuchia đến các cảng của Việt Nam, các hành lang này sẽ tạo cơ hội để mở rộng sự phát triển.
"Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp hiện nay chưa hiểu hết vị trí chiến lược của phần lớn các đặc khu kinh tế. Tỷ lệ sử dụng các hành lang vận tải chưa có nhiều tín hiệu khả quan khi một số tuyến được sử dụng rộng rãi, còn một số thì không”, bà Victorino cho biết.
Ví dụ, trước đây các doanh nghiệp Nhật Bản vào Thái Lan và sản xuất toàn bộ chiếc xe ở đó. Nhưng ngày nay điều này không còn đúng nữa. Một số công ty đang đặt phần sản xuất sử dụng nhiều lao động ở Campuchia, phần sản xuất cần nhiều vốn ở Lào vì điện năng rẻ hơn, trong khi phần có giá trị gia tăng cao hơn vẫn tại Thái Lan. Sự đa dạng hóa này là cách GMS có thể đẩy mạnh phát triển trong chuỗi giá trị gia tăng khi logistics trong toàn khu vực trở nên dễ dàng hơn.
Dù Mỹ không là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng thỏa thuận này vẫn rất quan trọng với khu vực. Thỏa thuận này gia tăng tiêu chuẩn cho các quốc gia ký kết, và bên cạnh đó cũng có nhiều thỏa thuận khu vực bao trùm khác sẽ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế mới nổi. Đó là điều làm cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trở thành một giải pháp khả thi cho khu vực, vì thỏa thuận này cho phép Trung Quốc bước vào và lấp khoảng trống.
Mặc dù RCEP do Trung Quốc dẫn dắt, nhưng các chuyên gia nhận định, các nước như Campuchia, Myanmar và Lào có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn nhờ RCEP.