Hồi tháng 6, Unilever, Coca Cola, The North Face… và gần 200 thương hiệu lớn trên thế giới đồng lòng tẩy chay Facebook bằng cách rút quảng cáo.
Clorox và Unilever là hai trong số những thương hiệu lớn bắt đầu “làm lành” với Facebook sau phong trào tẩy chay mạng xã hội này kể từ tháng 6, khiến cho doanh thu quảng cáo của Facebook bị sụt giảm nhẹ.
Hồi tháng 6, Unilever, Coca Cola, The North Face… và gần 200 thương hiệu lớn trên thế giới đồng lòng tẩy chay Facebook bằng cách rút quảng cáo trên mạng xã hội này ít nhất là trong tháng 7/2020. Các thương hiệu cáo buộc Facebook lỏng tay cho lan truyền các nội dung thù hận. Việc tẩy chay để gây sức ép Facebook phải thay đổi.
Nhưng như nhiều nhà bình luận đã chỉ ra, các thương hiệu lớn chỉ chi tổng cộng 4,2 tỷ USD quảng cáo ở Facebook, chỉ chiếm có 6% tổng doanh thu quảng cáo của nền tảng này. Việc các thương hiệu lớn tẩy chay, ngừng quảng cáo cũng không ảnh hưởng quá lớn đối với Facebook.
Mặt khác, đối với những doanh nghiệp lớn và quá nổi tiếng như Unilever hay Coca Cola, tẩy chay Facebook một thời gian ngắn cũng không tác động nhiều tới việc kinh doanh bởi họ đã có nhiều kênh quảng cáo khác, và đã quá nổi tiếng trên toàn thế giới.
Thành thử, việc tẩy chay Facebook bản chất chỉ là một chiêu marketing của các thương hiệu lớn. Người tiêu dùng hiện đại đang ngày càng quan tâm và thiện cảm với những doanh nghiệp nào có nhiều trách nhiệm xã hội, đòi hỏi các thương hiệu lớn phải thể hiện rõ ràng quan điểm của mình về các vấn đề lớn trong xã hội, như bình đẳng giới, bảo vệ môi trường…
Chiến dịch rầm rộ của gần 200 thương hiệu thực chất là cơ hội thể hiện quan điểm trách nhiệm xã hội của các thương hiệu về hòa bình và bình đẳng, là cơ hội để góp tiếng nói chống thù hận, đứng về phe người tiêu dùng. Việc thể hiện trách nhiệm này sẽ gây thiện cảm và sẽ tác động tới quyết định mua hàng trong tương lai.
Vì thế, đến nay dường như gió đã đổi chiều khi Unilever công bố sẽ tái khởi động các hoạt động quảng cáo trên Facebook, quay trở về “mái nhà xưa” mà chẳng cần Facebook phải thay đổi gì nhiều để đáp ứng những yêu cầu gây ra cuộc tẩy chay ngày nào.
Với Clorox, sau thời gian “cai nghiện” Facebook, họ học được thêm cách thức làm marketing trên TikTok. Theo chia sẻ của giám đốc marketing Stacey Grier, công ty đã tìm hiểu TikTok một cách nhanh chóng và nhận ra cách suy nghĩ của họ về marketing đã thay đổi sau một thời gian hoạt động trên nền tảng này.
Nhưng dù thế nào, các nhãn hàng rồi cũng sẽ lần lượt quay về với Facebook - vốn vẫn là nền tảng quảng cáo hàng đầu. Bằng chứng là các số liệu thị trường cho thấy, doanh thu quảng cáo của Facebook lại bắt đầu tăng lên sau một thời gian rung lắc vì ảnh hưởng của cuộc tẩy chay.
Có thể bạn quan tâm