Một số quốc gia đã đưa ra phản ứng vô cùng nhanh chóng, một số đến bây giờ mới có những động thái đầu tiên trong khi số ít còn lại đang bận bịu dồn sức cho mảng y tế trước.
Trong số các nước sở hữu nền công nghiệp ô tô đứng đầu thế giới, đáng ngạc nhiên là Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc mới đưa ra động thái trợ giúp đầu tiên. Vào giữa tháng 2/2020, một lực lượng đặc nhiệm đã được thành lập với nhiệm vụ trợ giúp các hãng xe và cả phía nhà cung ứng tìm phương án đưa dây chuyền sản xuất trở lại bình thường nhanh nhất có thể.
Đơn vị này, sau khi thu thập thông tin từ bên chính phủ, sẽ chia sẻ những gì họ biết tới các hãng xe Nhật đồng thời hỗ trợ tài chính trong trường hợp cấp thiết. Ngoài ra, họ cũng đóng vai trò cầu nối kết nối chuỗi cung ứng với nhau với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo lượng linh kiện cần thiết để các hãng xe duy trì sản xuất trong tâm dịch.
Các chính sách kích cầu là vô cùng cần thiết khi các hãng xe khẳng định mối quan ngại lớn nhất của họ là duy trì sản xuất trong giai đoạn khó khăn nhưng lại không có khách hàng.
Ra tay sau Nhật Bản… 1 tháng là Hàn Quốc khi nước này xác nhận sẽ đẩy nhanh tốc độ thông quan, sắp xếp vận chuyển hàng hóa/linh kiện và hỗ trợ thanh khoản cho nền công nghiệp ô tô nước nhà – động thái được nhiều chuyên gia cho là hợp lý và bắt buộc khi mảng này chiếm khoảng 12% lực lượng lao động Hàn Quốc.
Tạm thời Hàn Quốc chưa xác nhận hỗ trợ thanh khoản bao nhiêu và dưới hình thức nào, chỉ biết rằng đây là một phần của gói hỗ trợ khẩn cấp lên tới 50 nghìn tỉ won (39 tỉ USD) để hỗ trợ nền kinh tế.
Trung Quốc - nơi COVID-19 bùng phát đầu tiên lại có thái độ dửng dưng tới kỳ lạ với nền công nghiệp ô tô nước này. Cho dù đỉnh dịch đã trôi qua và các hãng xe đang nỗ lực hồi phục nhanh nhất có thể, chính phủ hoàn toàn không có một động thái trợ giúp nào để kích cầu hay hỗ trợ tài chính trực tiếp vì họ đã chi tiêu quá nhiều cho nỗ lực chống dịch vừa qua trong khi vẫn giữ nguyên các chương trình hỗ trợ toàn dân quy mô khủng như quỹ xóa nghèo tiêu tốn 16 tỉ USD/năm.
Mỹ - cường quốc kinh tế số 1 thế giới ngoài những lời nói suông của tổng thống Donald Trump cho tới giờ chưa có một động thái cụ thể chính thức nào để trợ giúp làng xe. Ford và GM vẫn đang tất bật tìm nguồn tín dụng ngoài nhằm hỗ trợ họ đối mặt giai đoạn "đóng băng" có thể kéo dài tới tận hết tháng 4.
Gói giải cứu kinh tế 2.000 tỉ USD được trình lên Thượng viện Mỹ hôm thứ 4 vừa qua, nếu được thông qua, sẽ bao gồm một phần nỗ lực giải cứu nền công nghiệp ô tô nước này lần thứ 2 chỉ trong vừa hơn 1 thập kỷ.
Thực tế, 3 tập đoàn Detroit là Ford, GM và FCA cũng lo sợ viễn cảnh phải nhờ đến chính phủ bơm tiền sau giai đoạn tái cơ cấu hồi 2009 nên chưa lên tiếng yêu cầu bất cứ trợ giúp tài chính trực tiếp nào, thay vào đó họ kêu gọi một yếu tố chung chung hơn là trợ giúp thanh khoản dễ dàng cho cả nền kinh tế.
GM hơn ai hết hiểu rõ tác động tiêu cực nếu phải nhờ đến chính phủ Mỹ giải cứu khi tập đoàn này từng bị gọi là "Government Motors" sau khi được bơm 50 tỉ USD hồi 2009, đồng thời doanh số tụt giảm thê thảm trong giai đoạn sau đó khiến họ mất vị trí số 1 toàn cầu mà có lẽ không bao giờ lấy lại được.
Trong khi đó tại châu Âu nơi hiện được coi là "tâm dịch" COVID-19 mới, hầu hết chính phủ các nước vẫn đang bận rộn đối phó với tốc độ lây lan dịch bệnh và chưa có động thái cụ thể nào hỗ trợ các hãng xe của mình.
Có thể bạn quan tâm
09:12, 27/03/2020
10:27, 25/03/2020
19:34, 24/03/2020
17:00, 24/03/2020
Đức – quốc gia sở hữu 3 thương hiệu xe sang đứng đầu thế giới cũng như tập đoàn cạnh tranh vị trí số 1 toàn cầu làng xe với Toyota là Volkswagen mới chỉ tuyên bố rằng sẽ làm mọi cách có thể để trợ giúp nền công nghiệp ô tô nước nhà (nếu các hãng yêu cầu), tương tự là Pháp với thông điệp y hệt nhưng cứng rắn hơn khi sẵn sàng quốc hữu hóa bất cứ đơn vị nào phá sản.
Mercedes hồi giữa tuần xác nhận chưa cần trợ giúp từ bên ngoài, Renault từ Pháp thì cho biết sẵn sàng nhận trợ giúp nhưng sẽ tránh cảnh được chính phủ mua lại (Renault được Pháp quốc hữu hóa trong giai đoạn hậu thế chiến 2 và chỉ tư nhân hóa trở lại vào 1996 với chính phủ giữ 15% cổ phần). Trong tháng trước Renault vừa công bố khoản lỗ đầu tiên trong một thập kỷ ở mức 153 triệu USD.
Phần chung các hãng xe châu Âu đều có chung một nhận định rằng Liên minh châu Âu có thể trợ giúp họ gián tiếp vượt qua thời kỳ khó khăn bằng cách tạm thời nới lỏng các quy định khí thải cũng như mức phạt tương ứng (siết chặt dần theo từng năm).