Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng: Câu chuyện phát triển doanh nghiệp

Nhóm chuyên gia Kinh tế - Chính sách (VCCI-FSPPM) 13/02/2024 04:30

Nhìn chung, cơ cấu doanh nghiệp của vùng ĐBSCL không có nhiều khác biệt so với cả nước. Nhóm ngành dịch vụ và công nghiệp vẫn chiếm trên 80% tổng số doanh nghiệp của vùng.

>>>Công bố Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL năm 2023

LTS:  Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 3 do Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) thực hiện. Chủ đề của Báo cáo năm nay là “Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng”. VCCI thực hiện xây dựng và công bố báo cáo này theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 về các nhiệm vụ giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế xã hội. Nghị quyết 57 có nêu rõ trách nhiệm của VCCI “chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, đánh giá độc lập và có báo cáo định kỳ về tính tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội các vùng, về hiệu quả hoạt động phối hợp, liên kết vùng của từng địa phương”.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu nội dung tóm tắt báo cáo thường niên, ấn phẩm có giá trị quan trọng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá các cơ hội, thách thức lớn tác động đến kinh tế của vùng, giúp cho các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu và xây dựng chương trình hành động để thích ứng, cùng thúc đẩy vùng đồng bằng này phát triển ổn định và bền vững.

Nhóm ngành dịch vụ và công nghiệp vẫn chiếm trên 80% tổng số doanh nghiệp của vùng.

Nhóm ngành dịch vụ và công nghiệp ở ĐBSCL vẫn chiếm trên 80% tổng số doanh nghiệp của vùng.

Tổng quan doanh nghiệp ĐBSCL

Khi đi sâu vào các ngành thế mạnh như nông nghiệp, chế biến nông sản thì Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL )cho thấy một số khác biệt đáng kể. Đối với ngành nông, lâm, thủy sản, ĐBSCL có số lượng doanh nghiệp cao hơn hẳn so với cả nước. Chế biến nông sản cũng là một trong những ngành trọng điểm nhưng theo số liệu công bố của các tỉnh, tỷ trọng doanh nghiệp của nhóm ngành này thấp hơn rất nhiều so với đóng góp của chúng cho GRDP. Điều này cho thấy, một mặt ngành nông nghiệp vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng mặt khác cũng còn tồn đọng nhiều nút thắt khiến ngành chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.

Một ngành cần lưu ý nữa là vận tải, kho bãi (logistics). Đây là ngành quan trọng và có nhiều tiềm năng phát triển do khối lượng hàng hóa vận chuyển lớn, đồng thời chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí xuất khẩu hàng hóa của vùng. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh nghiệp thuộc ngành vận tải, kho bãi của ĐBSCL lại thấp hơn đáng kể so với cả nước. Như Báo cáo 2022 chỉ rõ, ngành logistics của ĐBSCL còn kém phát triển và đang là một nút thắt phát triển của vùng. Sự kém phát triển về cơ sở hạ tầng nội vùng là một nguyên nhân quan trọng khiến ngành logistics chưa thật sự hấp dẫn với doanh nghiệp.

Trong năm 2022, số doanh nghiệp trên 1.000 dân của ĐBSCL gần như thấp nhất cả nước, chỉ cao hơn vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (TD&MNPB) và thấp hơn cả Tây Nguyên. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển doanh nghiệp thấp nhất nước, sự tương quan về số lượng doanh nghiệp của ĐBSCL so với các vùng khác cũng sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể trong giai đoạn tới.

Lao động bình quân trên doanh nghiệp cũng cho thấy xu hướng tương tự khi ĐBSCL gần như thấp nhất cả nước. Sau giai đoạn 2019-2021 tăng trưởng tốt thì chỉ tiêu này của các tỉnh trong vùng đều cho thấy dấu hiệu chựng lại ở 2022. Ở thời điểm hiện tại, việc lao động bình quân còn thấp cho thấy quy mô doanh nghiệp của ĐBSCL chủ yếu ở mức siêu nhỏ.

Về tổng quan, trong giai đoạn 2018-2022, ĐBSCL chưa cho thấy sự phát triển rõ rệt về số lượng lẫn quy mô doanh nghiệp. Nếu không tính vùng TD&MNPB vốn là vùng đặc biệt khó khăn của cả nước thì các chỉ tiêu về doanh nghiệp của ĐBSCL đều xếp cuối so với các vùng khác. Dù có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng và chưa tận dụng được hiệu ứng lan tỏa từ vùng ĐNB.

Phát triển về số lượng doanh nghiệp

Tính đến cuối năm 2022, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 65.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gần 4% so với 2021. So với các vùng kinh tế khác, ĐBSCL hiện có mức tăng trưởng doanh nghiệp thấp nhất cả nước, khiến cho tỷ trọng doanh nghiệp ĐBSCL so với cả nước liên tục giảm trong các năm gần đây. Từ mức tỷ trọng 7,4% (2018) xuống còn 7% (2022), đây là mức giảm lớn thứ nhì so với các vùng kinh tế khác, chỉ sau Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (BTB&DHMT) (-0,5%).

Có thể nhận thấy số lượng doanh nghiệp tăng thêm hàng năm của ĐBSCL (2.362 DN) hiện đang ở mức thấp so với các vùng khác và gần như bị bắt kịp bởi Tây Nguyên (1.989 DN) và TD&MNPB (2.098 DN).

Trong năm 2022, “tỷ lệ tử vong” của doanh nghiệp ĐBSCL vẫn cao nhất cả nước, ở mức 84% (trung bình cả nước là 73%). Trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình doanh nghiệp tại các vùng có những chuyển biến tiêu cực hơn so với cùng kỳ. Tỷ lệ tử vong của doanh nghiệp đã tăng cao ở tất cả các vùng kinh tế. Đáng lưu ý, ĐBSCL và BTB&DHMT là hai vùng duy nhất có tăng trưởng âm về số lượng doanh nghiệp.

Về vốn đăng ký mới, ĐBSCL có sự tăng trưởng tốt khi dẫn đầu cả nước với mức 11% ở năm 2022. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp ĐBSCL có mức tăng trưởng dương về vốn đăng ký mới. Ngoài các doanh nghiệp nội địa, FDI cũng góp phần không nhỏ vào mức tăng trưởng này. Trong năm 2022, một số dự án FDI nổi bật có thể kể đến như khu công nghiệp VSIP tại Cần Thơ (160 triệu USD), nhà máy CocaCola tại Long An (136 triệu USD), dự án SLP Park Nam Thuận tại Long An (98 triệu USD), nhà máy Acecook tại Vĩnh Long (83 triệu USD)… Trong giai đoạn 2018-2022, tổng vốn đăng ký FDI mới của ĐBSCL đã tăng trưởng 27%.

Tuy nhiên, tình hình vốn đăng ký mới đã đảo chiều trong 9 tháng đầu năm 2023. Vốn đăng ký mới ở ĐBSCL chỉ đạt 58% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với các vùng khác (trung bình 82%). Nếu trong quý 4 không có những thay đổi vượt bậc thì vốn đăng ký mới của ĐBSCL có nguy cơ đạt mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.

Bên cạnh số lượng thành lập, vốn đăng ký mới, số lượng việc làm tăng thêm hàng năm cũng là một yếu tố quan trọng phản ánh sự phát triển của doanh nghiệp. Sau khi giảm mạnh ở 2 năm dịch bệnh (2020, 2021), trong năm 2022, việc làm tại các vùng kinh tế đã quay trở lại xu hướng tăng. Trong đó, ĐBSCL đã phá vỡ chuỗi giảm trong 4 năm liên tiếp và đạt mức tăng trưởng 29%, gần trở lại mốc cũ ở giai đoạn trước dịch bệnh (2019). Dù vậy, xét cả giai đoạn 2018-2022, ĐBSCL vẫn giảm 13% về tăng trưởng số việc làm mới.

Sang 9 tháng đầu năm 2023, số việc làm mới ở vùng ĐBSCL chưa cho thấy dấu hiệu khả quan khi chỉ đạt 64% so với cùng kỳ. Ở các vùng khác, ĐBSH, TD&MNPB và ĐNB đều cho thấy những tín hiệu tích cực khi số việc làm mới đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 - một phần nhờ xuất phát điểm thấp của 2 năm đại dịch - thì doanh nghiệp đang dần đuối sức. Trong năm 2023, trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn về tài chính, tín dụng cùng với tình trạng đơn hàng chưa có dấu hiệu được cải thiện thì những khó khăn tồn đọng từ giai đoạn đại dịch quay lại, khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí phải dừng hoạt động hoặc đóng cửa.

Do đó, thay vì chỉ chú trọng vào số lượng doanh nghiệp thành lập mới, các tỉnh vùng ĐBSCL nên tập trung vào cải thiện “tỷ lệ sống” của doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ. Trong đó, những chính sách về thuế, bảo hiểm (giảm, giãn); tín dụng (giảm lãi suất, gia hạn, cơ cấu nợ,…) là những nhóm chính sách cấp thiết để cải thiện tình hình sức khỏe doanh nghiệp. Điển hình là Tây Nguyên và TD&MNPB có số lượng doanh nghiệp thành lập thấp hơn rất nhiều so với ĐBSCL nhưng về số doanh nghiệp tăng thêm lại không có chênh lệch lớn.

Những thách thức của doanh nghiệp ĐBSCL

Như đã đề cập ở các Báo cáo trước, doanh nghiệp vùng ĐBSCL hiện vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu (BĐKH), di dân, năng suất, chất lượng lao động… Bên cạnh đó, mặc dù đại dịch COVID-19 đã qua đi nhưng những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội vẫn còn dai dẳng. Ngoài ra, tuy thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng tình trạng đơn hàng của doanh nghiệp vẫn chưa có những chuyển biến tích cực. Ở góc độ rộng hơn, tình hình thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều biến động như chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, nợ công, lạm phát tăng cao…

doanh nghiệp vùng ĐBSCL hiện vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu (BĐKH), di dân, năng suất, chất lượng lao động…

Doanh nghiệp vùng ĐBSCL hiện vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu (BĐKH), di dân, năng suất, chất lượng lao động…

Do sự gần gũi về địa lý với vùng Đông Nam Bộ (ĐNB), tình hình doanh nghiệp của ĐBSCL cũng cho thấy có nhiều nét tương đồng. Sau sự phục hồi mạnh mẽ ở năm 2022 thì doanh nghiệp ở cả ĐNB và ĐBSCL bắt đầu cho thấy dấu hiệu đuối sức, một mặt do sức cầu trong nước và quốc tế yếu, mặt khác do những khó khăn tích lũy từ giai đoạn đại dịch.

Trong 5 năm qua, ĐBSCL chưa cho thấy sự phát triển rõ rệt về số lượng lẫn quy mô doanh nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, năng lực của doanh nghiệp ĐBSCL chỉ tương đương với TD&MNPB, vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất của cả nước. Dù có tiềm năng rất lớn nhưng sức khỏe doanh nghiệp của vùng lại đang ở mức báo động.

Ngoài những yếu tố nội tại của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh (MTKD) thông qua chỉ số PCI tại ĐBSCL cũng đang dần mất đi sức hút đối với nhà đầu tư. Xu hướng hội tụ khiến cho kết quả PCI của cả nước dần tốt lên và không còn nhiều sự cách biệt giữa các vùng. Điều này báo hiệu ĐBSCL đang dần mất đi lợi thế và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua về MTKD.

Trong giai đoạn mới với nhiều biến động cả trong và ngoài nước, cùng với sức chống chọi của doanh nghiệp tại ĐBSCL còn yếu thì sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền các cấp càng phải được chú trọng. Các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp cần được thay đổi theo hướng thực chất, chú trọng chất lượng để có thể giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn sắp tới. Trong ngắn hạn, những chính sách về thuế, bảo hiểm; tín dụng là những nhóm chính sách cấp thiết để cải thiện tình hình sức khỏe doanh nghiệp.

Cuối cùng, với sự phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL, các dự án cao tốc trọng điểm cùng các lợi thế tự nhiên sẵn có, ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển bền vững, hướng đến mục đích trở thành vùng kinh tế năng động, hiện đại. Để đạt được những mục đích đó, chính quyền địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội trong tương lai, mà môi trường kinh doanh là một yếu tố không thể thiếu.

(Còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

  • Công bố Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL năm 2023

    Công bố Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL năm 2023

    17:05, 13/12/2023

  • Doanh nghiệp tăng cường liên kết phát triển logistics vùng ĐBSCL

    Doanh nghiệp tăng cường liên kết phát triển logistics vùng ĐBSCL

    02:00, 03/12/2023

  • Cơ chế thu hút doanh nghiệp vào logistics vùng ĐBSCL

    Cơ chế thu hút doanh nghiệp vào logistics vùng ĐBSCL

    14:00, 01/12/2023

  • Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023: Logistics và chuyển đổi số cho ĐBSCL

    Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023: Logistics và chuyển đổi số cho ĐBSCL

    17:32, 23/11/2023

  • Hai dự án lớn của T&T Group tại ĐBSCL khánh thành giai đoạn 1

    Hai dự án lớn của T&T Group tại ĐBSCL khánh thành giai đoạn 1

    13:31, 04/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng: Câu chuyện phát triển doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO