Một số đánh giá ban đầu sau gần hai năm triển khai các giải pháp thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối với liên kết Vùng.
>>>Công bố Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL năm 2023
LTS: Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 3 do Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) thực hiện. Chủ đề của Báo cáo năm nay là “Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng”. VCCI thực hiện xây dựng và công bố báo cáo này theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 về các nhiệm vụ giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế xã hội. Nghị quyết 57 có nêu rõ trách nhiệm của VCCI “chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, đánh giá độc lập và có báo cáo định kỳ về tính tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội các vùng, về hiệu quả hoạt động phối hợp, liên kết vùng của từng địa phương”.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu nội dung tóm tắt báo cáo thường niên, ấn phẩm có giá trị quan trọng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá các cơ hội, thách thức lớn tác động đến kinh tế của vùng, giúp cho các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu và xây dựng chương trình hành động để thích ứng, cùng thúc đẩy vùng đồng bằng này phát triển ổn định và bền vững.
Cụ thể, phần này sẽ xem xét 3 nhóm vấn đề sau đây: (1) Triển khai thực hiện quy hoạch, xây dựng, hoàn hiện cơ chế, chính sách liên kết vùng; (2) Huy động nguồn lực đầu tư cho vùng; (3) Triển khai thực hiện các giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tại Phụ lục số II, giao UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong năm 2023 hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kết quả là đến tháng 7/2023, đã có 13/13 tỉnh, thành phố trong Vùng tổ chức lập quy hoạch và có văn bản trình Hội đồng thẩm định. Đến 30.11.2023, có 7/13 tỉnh là Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, An Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Ngoài ra, dự kiến Hậu Giang cũng sẽ được Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch để kịp công bố vào dịp Festival lúa gạo 12/12/2023 sắp tới.
Một số nhiệm vụ, đề án cụ thể thuộc Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL có mốc thời gian hoàn thành trong năm 2023, tính đến tháng 6/2023 chưa hoàn thành, gồm: Quyết định về hoàn thiện khung pháp lý cho liên kết vùng giai đoạn 2026 - 2030; Báo cáo hoạt động của Hội đồng điều phối vùng giai đoạn 2020 - 2025; Báo cáo điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công - tư (PPP) gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương; Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; Đề án tổng kết thực hiện Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ và khu vực bị sạt lở; … Đến ngày 19/8/2023 mới có Quyết định số 974/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và hơn một tháng sau, đến ngày 27/9/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL đầu tiên.
Từ góc nhìn thể chế, thì thể chế liên kết vùng cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chủ trương, chính sách về liên kết vùng thời gian qua tổ chức thực thi chậm, chưa đạt yêu cầu; vai trò của các chủ thể tham gia liên kết vùng, đặc biệt là các bộ, ban, ngành Trung ương còn mờ nhạt. Kết quả thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu lực và hiệu quả cao nhất. Các thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp thực chất; các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; các địa phương trong vùng chú trọng phát triển liên kết với những thành phố lớn, đóng vai trò đầu tàu như TP.HCM, thành phố Cần Thơ.
Một phần nguyên nhân của tình trạng trên do Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch cấp vùng lần đầu tiên trong cả nước được phê duyệt. Việc tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt các quy hoạch tỉnh đòi hỏi phải phối hợp nhiều ngành, nhiều địa phương, tiến hành rà soát, đối chiếu với nhiều quy hoạch cấp quốc gia, ngành và cấp tỉnh, trong đó có nhiều bản quy hoạch chưa được ban hành mới. Toàn vùng có khoảng 2.500 bản quy hoạch khác nhau, chồng chéo nhau cần được rà soát.
Những hạn chế nêu trên làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng. Trong thực tế, vẫn chưa có nhiều liên kết vùng thực sự hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành; các nội dung liên kết vùng quan trọng (như liên kết trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch; liên kết đầu tư phát triển; liên kết trong việc đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng...) chưa được triển khai một cách đầy đủ.
Các dự án đầu tư giao thông kết nối vùng là kết quả nổi bật đáng ghi nhận từ sau khi phê duyệt Quy hoạch tổng thể vùng. Sau khi Quy hoạch tổng thể vùng được công bố, đã khởi công các tuyến giao thông huyết mạch như cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 109,5km, tổng vốn đầu tư hơn 27,2 ngàn tỉ đồng; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đài 188 km, tổng vốn đầu tư hơn 44,7 ngàn tỉ đồng; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài 27 km, tổng vốn đầu tư 5.880 tỉ đồng… Các tuyến cao tốc và công trình giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tháo các điểm nghẽn, mở ra không gian phát triển mới, tạo xung lực mới, không gian phát triển mới.
Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân (các định chế tài chính quốc tế hoặc qua hình thức PPP) để phát triển các dự án liên kết vùng đến thời điểm này hầu như chưa có gì hiện hữu. Tương tự như vậy, việc thí điểm cơ chế tài chính sáng tạo để đầu tư các chương trình, dự án liên kết vùng với quy định trung ương hỗ trợ mức vốn tối thiểu 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương trong vùng cho đến nay vẫn chưa đi vào thực tiễn.
Tương tự như hai nhóm giải pháp trên, nhóm các giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển đô thị và nông thôn, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch cho đến thời điểm này cũng chủ yếu tồn tại trên văn bản. Chẳng hạn như trong nhóm các giải pháp về môi trường, định hướng việc quản lý và xử lý tập trung theo vùng đối với chất thải y tế và chất thải nguy hại là chính sách hợp lý để tận dụng lợi thế về quy mô, nhờ đó cải thiện hiệu quả của hoạt động quản lý và xử lý chất thải. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính sách này vẫn chưa được thực hiện do tính chất chia cắt theo địa giới hành chính cố hữu giữa các địa phương.
Tương tự như vậy đối với nhóm chính sách khoa học công nghệ. Cho đến nay, vùng ĐBSCL vẫn là vùng trũng về khoa học - công nghệ của cả nước. Ngân sách dành cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tỉnh - thành trong Vùng rất thấp, thậm chí không đủ đáp ứng nhu cầu của từng địa phương, và vì vậy càng không thể đảm đương được các nhiệm vụ khoa học công nghệ có tính liên vùng với quy mô lớn. Bên cạnh đó, mức độ liên kết giữa nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ với khu vực doanh nghiệp còn rất hạn chế do thị trường, doanh nghiệp, và nguồn nhân lực khoa học công nghệ chưa theo kịp với sự phát triển của Vùng.
Một nội dung hết sức quan trọng, được đề cập nhiều lần nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được triển khai là việc hoàn thiện và vận hành hệ thống thông tin vùng, cơ sở dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường, tình hình biến đổi khí hậu và các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng và các địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, ngành khoa học - công nghệ của ĐBSCL chưa xây dựng được hệ thống đo đạc, giám sát tự động các thông số về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn… để chủ động cập nhật thông tin, dự báo, và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.
Tóm tại, Quy hoạch vùng ĐBSCL sau gần hai năm triển khai vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Như đã phân tích trong Báo cáo thường niên 2022, để có thể triển khai những định hướng mới của Quy hoạch tích hợp, đòi hỏi nhiều điều kiện có tính tiền đề, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi cơ bản về tư duy và tầm nhìn phát triển; phải xây dựng được thể chế quản trị và liên kết vùng thực chất, có hiệu lực; phải xác định rõ chủ thể của quy hoạch tích hợp vùng; phải tạo ra được sự tương thích về khuyến khích và động cơ với các tác nhân hữu quan; phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và đo lường kết quả cho toàn vùng; phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành và địa phương; xác định rõ nguồn lực và cách tiếp cận thực tế cho những mục tiêu đặt ra; phải khắc phục được các vấn đề kỹ thuật chắc chắn sẽ phát sinh trong quá trình triển khai; và phải được điều chỉnh định kỳ để cập nhật các nhân tố và diễn biến mới.
(còn tiếp)
Có thể bạn quan tâm
Công bố Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL năm 2023
17:05, 13/12/2023
Doanh nghiệp tăng cường liên kết phát triển logistics vùng ĐBSCL
02:00, 03/12/2023
Cơ chế thu hút doanh nghiệp vào logistics vùng ĐBSCL
14:00, 01/12/2023
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023: Logistics và chuyển đổi số cho ĐBSCL
17:32, 23/11/2023
Hai dự án lớn của T&T Group tại ĐBSCL khánh thành giai đoạn 1
13:31, 04/11/2023