Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng: Thể chế quản lý năng lượng ở vùng ĐBSCL

Nhóm chuyên gia Kinh tế - Chính sách (VCCI-FSPPM) 18/02/2024 12:30

Với sự liên kết vùng giữa các địa phương, ĐBSCL có thể tận dụng lợi thế của vùng, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp - NLTT, đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng, và phát triển điện sinh khối.

>>>Gỡ “nút thắt” năng lượng tái tạo

LTS:  Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 3 do Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) thực hiện. Chủ đề của Báo cáo năm nay là “Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng”. VCCI thực hiện xây dựng và công bố báo cáo này theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 về các nhiệm vụ giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế xã hội. Nghị quyết 57 có nêu rõ trách nhiệm của VCCI “chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, đánh giá độc lập và có báo cáo định kỳ về tính tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội các vùng, về hiệu quả hoạt động phối hợp, liên kết vùng của từng địa phương”.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu nội dung tóm tắt báo cáo thường niên, ấn phẩm có giá trị quan trọng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá các cơ hội, thách thức lớn tác động đến kinh tế của vùng, giúp cho các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu và xây dựng chương trình hành động để thích ứng, cùng thúc đẩy vùng đồng bằng này phát triển ổn định và bền vững.

Với sự liên kết vùng giữa các địa phương, ĐBSCL có thể tận dụng lợi thế của vùng, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp - NLTT, đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng, và phát triển điện sinh khối.

Với sự liên kết vùng giữa các địa phương, ĐBSCL có thể tận dụng lợi thế của vùng, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp - NLTT, đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng, và phát triển điện sinh khối.

Thể chế quản lý và thiết lập quy hoạch năng lượng cấp vùng

Đến nay, ĐBSCL chưa có tuyên bố chính thức nào về mục tiêu phát triển năng lượng của toàn vùng, bao gồm mục tiêu tổng quát cho toàn ngành năng lượng và mục tiêu cụ thể cho ngành điện, hay tỷ lệ về năng lượng tái tạo (NLTT) trong cơ cấu nguồn điện. Việc xác định mục tiêu năng lượng cấp vùng thay vì theo từng tỉnh riêng lẻ sẽ cho phép các tỉnh linh hoạt hơn trong việc tận dụng tối đa tiềm năng tự nhiên của mình.

Mỗi tỉnh không nhất thiết phải đạt được tỷ lệ NLTT cao theo yêu cầu chung của quy hoạch quốc gia. Các tỉnh có nhiều tiềm năng NLTT như điện gió tại Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, và điện mặt trời tại Long An, An Giang, Đồng Tháp có thể trở thành nguồn cung năng lượng chính cho vùng.

Trong khi đó, các tỉnh thuận tiện hơn về logistics và cơ sở hạ tầng công nghiệp như Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, An Giang có thể tận dụng lợi thế phát triển các cụm ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp thâm dụng điện năng như công nghiệp chế biến, hóa chất, và phân bón dựa trên nguồn điện được truyền tải nội vùng.

Việc thiết lập các mục tiêu phát triển NLTT cũng liên quan đến một loạt các thỏa thuận giữa các bên tham gia thị trường khác nhau (nhà đầu tư phát triển dự án NLTT, doanh nghiệp sử dụng điện, cơ quan ban hành chính sách, …) và gắn với các công cụ chính sách cụ thể.

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, đối với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án ĐTXD nhóm A có tổng mức đầu tư dưới mức Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dưới 5.000 tỷ) phải được chính quyền địa phương nơi đặt trụ sở của đơn vị thực hiện dự án hoặc nơi có dự án lưới điện truyền tải đi qua quyết định chủ trương đầu tư.

Quy định này sẽ khó khăn đối với việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đường dây truyền tải điện đi qua nhiều tỉnh, do một tỉnh không thể tự quyết định. Hơn nữa, mức độ phối hợp của các tỉnh trong công tác triển khai các dự án này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành dự án và khả năng đảm bảo hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư.

Thực tế có trường hợp các tỉnh trước đây đã ủng hộ dự án, sau lại thay đổi khiến quy hoạch điện bị phá vỡ. Để tránh tình trạng này và gia tăng mức độ tin cậy khi thu hút vốn đầu tư tư nhân, các tỉnh ĐBSCL cần phối hợp cùng xây dựng quy hoạch năng lượng kết hợp quy hoạch sử dụng đất cấp vùng để tối đa hóa lợi ích kinh tế - xã hội toàn vùng.

Việc liên kết giữa các tỉnh để lập quy hoạch chung (quy hoạch năng lượng cấp vùng) một mặt giúp tránh được tình trạng các tỉnh chạy đua xin quy hoạch dự án điện, gây chậm trễ cho việc thông qua quy hoạch điện cấp tỉnh và kéo lùi thời gian triển khai các dự án phát triển nguồn điện tại địa phương.

Mặt khác, thống nhất quy hoạch năng lượng cấp vùng sẽ giúp tập trung nguồn lực của các tỉnh và phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô trong đầu tư xây dựng và khai thác cơ sở hạ tầng cần thiết cho vận chuyển máy móc thiết bị phục vụ các dự án NLTT, đường dây truyền tải và các trạm biến áp, cũng như các phương tiện tích năng ngắn hạn (pin) và dài hạn (hydro/ammoniac) đảm bảo an ninh năng lượng toàn vùng.

Về mặt cơ chế, Việt Nam hiện đang trong quá trình xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, Luật Điện lực sửa đổi, khung chính sách NLTT - đặc biệt là khung chính sách điện gió ngoài khơi, chiến lược hydro xanh, cơ chế đấu giá điện (đấu thầu dự án đầu tư sản xuất điện), và khả năng cho phép tư nhân đầu tư đường dây truyền tải điện 220kV trở lên. Các tỉnh ĐBSCL cần cùng nhau thảo luận và tham gia góp ý xây dựng các khung chính sách mới cho phù hợp với đặc điểm của vùng, tạo điều kiện để nhanh chóng triển khai các dự án NLTT và năng lượng mới trong Vùng trong thời gian tới.

Về mặt tài chính, nguồn vốn cần thiết cho đầu tư phát triển NLTT tại ĐBSCL là rất lớn, tuy nhiên chưa có sự liên kết chặt chẽ trong vùng để giúp các dự án tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Thông thường, các mức lãi suất từ các ngân hàng trong nước cao hơn chi phí vốn từ các thị trường vốn quốc tế, khiến cho các nhà phát triển dự án NLTT trong nước mất đi lợi thế cạnh tranh.

Phát triển cụm ngành NLTT và các khu công nghiệp xanh

Thực tế, chuyển dịch năng lượng đang diễn ra tích cực tại các tỉnh ĐBSCL. Với tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời và năng lượng gió, việc đầu tư phát triển NLTT sẽ là một động lực quan trọng giúp ĐBSCL thu hút vốn đầu tư, cả trong nước lẫn nước ngoài. Cơ chế bán lẻ cạnh tranh dần hình thành sẽ cho phép các khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp sản xuất lớn ký hợp đồng mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện NLTT, giúp tiết giảm chi phí sản xuất. Điều này sẽ giúp ĐBSCL thu hút tốt hơn vốn đầu tư, đặc biệt là từ các doanh nghiệp cần chứng chỉ xanh để xuất khẩu sản phẩm đến châu Âu và trong bối cảnh nguồn điện có chi phí cao và không ổn định ở vùng Bắc Bộ. Đây là tiền đề để ĐBSCL xây dựng các khu công nghiệp xanh, đồng bộ với chiến lược phát triển nông nghiệp phát thải thấp và ngành du lịch sinh thái của vùng.

Từ góc nhìn dài hạn, để tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng và phổ biến công nghệ NLTT và năng lượng mới (pin lưu trữ, hydro, các thiết bị vật liệu sản xuất NLTT), ĐBSCL có thể phối hợp với vùng Đông Nam Bộ phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ NLTT liên vùng theo định hướng trong QHĐ8. Các tỉnh sẽ cần liên kết với nhau để phân tích đặc điểm thị trường của chuỗi cung ứng NLTT hiện tại, khả năng đáp ứng của địa phương, và thống nhất các mục tiêu về hàm lượng nội địa hóa với tỷ lệ tăng dần theo thời gian, buộc các nhà phát triển dự án phải mua một tỷ lệ nhất định trang thiết bị NLTT trong nước.

Từ đó, xây dựng chính sách chung của vùng hướng đến thúc đẩy nội địa hóa chuỗi giá trị NLTT như đào tạo nhân lực tại chỗ, chính sách ưu đãi đầu tư đối với các đơn vị nội địa cung ứng thiết bị và thi công các công trình NLTT. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong vùng vừa học vừa làm, nâng cao kỹ năng lao động, mở rộng quy mô sản xuất - thi công, và tăng cường khả năng tự chủ đầu tư sản xuất NLTT trong tương lai. Việc các tỉnh trong vùng cùng thống nhất quy định về hàm lượng nội địa hóa tối thiểu sẽ giúp tránh tình trạng cạnh tranh lôi kéo đầu tư giữa các tỉnh mà hy sinh cơ hội nội địa hóa ngành NLTT.

Liên kết các địa phương phát triển điện sinh khối

Năng lượng sinh khối được xem là năng lượng sạch vì dù trong quá trình đốt năng lượng sinh khối phát điện có tạo ra khí CO2, một lượng lớn khí CO2 đã được chính các loại sinh khối này trước đó hấp thụ thông qua quá trình quang hợp. Bên cạnh đó, điện sinh khối giúp tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp thay vì bị vứt bỏ và tạo ra khí metan trong quá trình phân hủy tự nhiên.

ĐBSCL được xem là khu vực có tiềm năng lớn nhất cả nước trong sản xuất điện sinh khối, đặc biệt là từ rơm rạ và trấu, tuy nhiên thực tế chưa phát triển đáng kể. Hiện tại, ĐBSCL chỉ mới chính thức được đưa vào vận hành 31 MW điện sinh khối, gồm nhà máy mía đường Sóc Trăng (6 MW) và nhà máy điện trấu Sóc Trăng (25 MW). Trong khi đó, khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có tổng tiềm năng kỹ thuật tương đương ĐBSCL nhưng đã đưa vào vận hành 216 MW điện sinh khối, chủ yếu sử dụng bã mía (Bộ Công Thương, 2023).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kém phát triển của điện sinh khối so với tiềm năng kỹ thuật tại ĐBSCL. Một phần nguyên nhân nằm ở việc giá FiT (feed-in tariff) cho điện sinh khối vẫn còn thấp, mặc dù đã được điều chỉnh tăng lên 7,03 UScents/ kWh cho công nghệ đồng phát nhiệt - điện và 8,47 UScents/kWh cho công nghệ không đồng phát nhiệt điện vào năm 2020.

Khi so sánh với giá FiT đã được ban hành cho điện gió và điện mặt trời - những loại hình NLTT có chi phí nguyên liệu đầu vào gần bằng 0 - giá FiT cho điện sinh khối vốn phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào cao và biến động trở nên kém hấp dẫn hơn. Việc thu mua nguyên liệu từ các hộ nhỏ lẻ cũng tăng thêm chi phí đầu vào cho nhà máy điện sinh khối. Hơn nữa, nguyên liệu sinh khối tại ĐBSCL thực chất không hoàn toàn bị vứt bỏ, mà vẫn đang được người dân thu gom và bán cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, lò sấy lúa, hoặc làm nấm rơm.

Vì vậy, ĐBSCL có thể định hướng phát triển điện sinh khối như một phương án để xử lý nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp dư thừa hoặc nếu có thể phát triển các loại cỏ có lượng sinh khối lớn trên đất nhiễm mặn. Kinh nghiệm từ các nhà máy mía đường cho thấy doanh nghiệp tận dụng khối lượng lớn phụ phẩm từ chính quá trình sản xuất của họ sẽ phát triển điện sinh khối hiệu quả. Để đảm bảo hiệu quả tài chính của các dự án điện sinh khối, thay vì mỗi tỉnh xây dựng một nhà máy thì vùng ĐBSCL nên phối hợp xây dựng một số nhà máy điện sinh khối công suất lớn, tập trung vào những nguồn nguyên liệu trữ lượng lớn và cải thiện quy trình thu gom nguyên liệu sinh khối.

Có thể bạn quan tâm

  • Đông Nam Á thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi sang năng lượng sạch

    Đông Nam Á thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi sang năng lượng sạch

    04:00, 09/02/2024

  • Gỡ “nút thắt” năng lượng tái tạo

    Gỡ “nút thắt” năng lượng tái tạo

    03:30, 08/02/2024

  • Trung Quốc sẽ hỗ trợ thúc đẩy năng lượng tái tạo của ASEAN?

    Trung Quốc sẽ hỗ trợ thúc đẩy năng lượng tái tạo của ASEAN?

    03:00, 03/02/2024

  • “Nóng bỏng” cuộc chiến năng lượng sạch Mỹ - Trung

    “Nóng bỏng” cuộc chiến năng lượng sạch Mỹ - Trung

    04:00, 29/01/2024

  • Năng lượng sạch - trụ cột kinh tế mới của Trung Quốc

    Năng lượng sạch - trụ cột kinh tế mới của Trung Quốc

    03:00, 26/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng: Thể chế quản lý năng lượng ở vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO