Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Ngay sau khi Thủ tướng đề nghị tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng diễn ra vào ngày 9/1, một số ngân hàng lớn đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, sáng nay (10/1), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ban hành chính sách lãi suất cho vay mới, áp dụng cho cả dư nợ cũ. Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm. Điều đặc biệt là trong lần này, Vietcombank giảm luôn cho dư nợ đang có, thuộc 5 đối tượng ưu tiên.
Đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất 6,5%/năm, Vietcombank sẽ đồng loạt giảm 0,5% về mức 6%/năm. Đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất trên 6%/năm cũng được điều chỉnh giảm về 6%/năm.
Các khoản giải ngân mới từ nay đến hết năm 2018 áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa là 6%/năm. Thời gian thực hiện ưu đãi lãi suất như trên được Vietcombank áp dụng từ 15/1/2018 đến 31/12/2018.
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa đề nghị hệ thống tính toán giảm lãi suất, giảm đồng loạt. Trong năm 2017, qua nghị quyết các phiên họp thường kỳ, Chính phủ thường xuyên đề cập đến định hướng phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Và năm qua ngành ngân hàng đã giảm thêm được khoảng 0,5%/năm.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị: "Các ngân hàng cần tính toán giảm lãi suất cho phù hợp, giảm đồng loạt chứ không chỉ ở một số ngân hàng".
Tại hội nghị, ông Trịnh Ngọc Khánh – Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, năm 2018 Agribank tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và bắt đầu từ ngày 10/1/2018, Agribank thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay cả ngắn hạn và trung hạn cho các đối tượng theo hướng dẫn của NHNN và các doanh nghiệp được xếp loại A.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng cho biết, dư nợ cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên mà ViettinBank đã thực hiện giảm lãi suất chiếm tới 59% trong tổng dư nợ của ngân hàng. Mặc dù vậy, trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, ngay sau Hội nghị này VietinBank sẽ có chương trình giảm lãi suất hết sức cụ thể để thông báo cho doanh nghiệp và người dân được biết.
Giảm lãi suất cho vay là một nội dung trọng tâm của 2018, theo nhấn mạnh của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành chiều 9/1. Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, ngay sau hội nghị toàn ngành, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Chỉ thị số 01 triển khai nhiệm vụ hoạt động ngành ngân hàng năm 2018.
"Trong đó, một trong những nội dung điều hành là chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét giảm cả lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện để giảm lãi suất cho vay" - Thống đốc nói.
Như vậy, một lần nữa người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đặt một nhiệm vụ trong tâm trong điều hành chính sách tiền tệ là phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Trong năm 2017, ông cũng từng nhấn mạnh đến điểm này, cũng như gợi mở việc sử dụng công cụ lãi suất trên thị trường mở.
Trước đó, từ ngày 10/7/2017, NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Sau đó, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm so với lãi suất trần cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên…
Tính chung từ năm 2011 đến nay, lãi suất cho vay đã giảm thêm được khoảng 11-14%/năm, cao hơn mức giảm từ 7-10%/năm của lãi suất huy động.