Trước nỗi lo lây lan dịch COVID-19, nhiều người dân hạn chế ra đường, đến những nơi đông người, thì đây chính là cơ hội cho những ứng dụng online, bao gồm cả giáo dục và y tế trực tuyến.
Không dễ để xoay chuyển tình hình để đối phó với COVID-19. Nhưng với lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe thì các ứng dụng trực tuyến gần như chắc chắn sẽ trở thành một dấu mốc quan trọng, mang lại lợi ích cho rất nhiều người.
Giáo dục từ xa lên ngôi
Vào ngày 5/3 vừa qua, theo số liệu thống kê của UNESCO, trên toàn thế giới đã có gần 300 triệu trẻ em đã nghỉ học - và con số này có khả năng sẽ tiếp tục tăng lên khi nhiều quốc gia tại châu Âu vừa quyết định đóng cửa một loạt trường học vì lo ngại dịch bệnh.
Hàng ngàn trường cao đẳng và đại học cũng bị ảnh hưởng, với một làn sóng các trường tên tuổi như Harvard và Stanford hủy các buổi giảng trực tiếp và thay thế bằng các cuộc họp ảo bằng cách sử dụng các nền tảng video như Google Classroom hay Skype.
Anh James Crabtree – giáo viên Học viện Hành chính công Lý Quang Diệu thuộc Trường Đại học Singapore chia sẻ, một học viên trong lớp của anh trở về từ Italy và đã học viên này đã được yêu cầu tự cách ly theo quy định của trường.
Trong bối cảnh dịch bệnh đe doạ an toàn của cộng đồng, các lớp học của anh Crabtree được chuyển sang hình thức trực tuyến. Anh Crabtree sẽ ngồi trước máy quay trong một phòng học trống, hướng dẫn các cuộc thảo luận với 30 sinh viên, tất cả đều sử dụng ứng dụng hội nghị online Zoom.
Có thể bạn quan tâm
21:17, 22/03/2020
20:21, 22/03/2020
20:10, 22/03/2020
Đây là lần đầu tiên anh Crabtree cũng như hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới sử dụng các ứng dụng dạy và học trực tuyến.
Rất nhanh chóng cả Google và Microsoft đã cung cấp các công cụ hội nghị truyền hình miễn phí cho các tổ chức giáo dục, cũng như các doanh nghiệp nhằm giải quyết vấn đề làm việc tại nhà. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu của Zoom cũng như một số công ty cung cấp các ứng dụng đã tăng mạnh trong tháng trước.
Trung Quốc là quốc gia đi tiên phong trong giáo dục trực tuyến, với thị trường trị giá 381 tỷ nhân dân tệ (55 tỷ USD). Hàng triệu sinh viên Trung Quốc đang sử dụng các nền tảng như DingTalk của Alibaba hay Ketang của Tencent thay vì đến lớp như thường lệ.
Ở một khía cạnh nào đó, việc thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục trực tuyến có thể mang lại những lợi ích lâu dài cho sinh viên cũng như các tổ chức giáo dục.
Các chuyên gia từ lâu đã dự đoán rằng nền giáo dục truyền thống sẽ được hỗ trợ bởi công nghệ. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy truyền thống vốn được sử dụng từ thế kỷ 19 vẫn được hầu hết các trường học áp dụng.
Hay thậm chí ngay đến kỳ nghỉ hè dài, vốn được được thiết kế để phù hợp với vụ thu hoạch nông nghiệp, cũng vẫn được áp dụng tại hầu hết các trường học trên khắp thế giới.
Trước đây, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động dạy và học chỉ được áp dụng một phần nào đó với lý do công nghệ chưa đủ tốt. Tuy nhiên, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền tảng công nghệ hiện đang thay đổi và được cải thiện rất nhiều.
Người dùng có thể dễ dàng truy cập các nền tảng như Zoom nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều. Các ứng dụng này giúp người dùng dễ dàng thực hiện các bài giảng, bài học ảo liên quan đến hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm sinh viên.
Trước đó, trong một phóng sự của mình, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã tiết lộ thông tin về thị trường học trực tuyến trong nước trị giá 36 tỉ USD với 135 triệu người học có đăng ký và đang tiếp tục bùng nổ chỉ trong vài tháng.
Các công ty tham gia lĩnh vực này ở quốc gia tỉ dân bất ngờ có cơ hội "thử lửa" khi học sinh các bậc học và cả sinh viên buộc phải "đến trường trên mạng" vì dịch COVID-19.
Đầu tháng 2/2020, trước tình hình dịch viêm phổi COVID-19 bùng phát không thể kiểm soát, Bộ Giáo dục Trung Quốc ra thông báo khuyến khích các trường học trên toàn quốc tiến hành dạy và học thông qua các ứng dụng online.
Bộ này cũng khởi động một chương trình học bằng điện toán đám mây quy mô toàn quốc từ ngày 17/2 nhằm cung cấp đầy đủ tài liệu giảng dạy cho tất cả các môn học chính cũng như các khóa học dành cho học sinh tiểu học và trung học.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể là đợt thử nghiệm học online quy mô lớn nhất mà Trung Quốc từng ghi nhận. Thậm chí, Bộ Giáo dục Trung Quốc còn ban hành hướng dẫn các trường đại học tổ chức lớp học online, với 22 nền tảng trực tuyến cung cấp 24.000 khóa học cho sinh viên.
Ngoài ra, một kênh giáo dục trên truyền hình cũng bắt đầu phát các bài học từ ngày 17/2 để giúp học sinh, sinh viên ở các khu vực hẻo lánh - nơi tốc độ Internet không được cao - có thể học tại nhà.
Nhu cầu đổi mới như vậy sẽ trở nên quan trọng hơn trong những tuần tới khi các cơ quan y tế toàn cầu chuyển từ cố gắng ngăn chặn virus sang cố gắng quản lý và làm chậm sự lây lan của nó.
Có nhiều bằng chứng cho thấy việc đóng cửa trường học, bên cạnh việc hủy bỏ các sự kiện công cộng lớn giúp hạn chế lây nhiễm và đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải.
Cơ hội phát triển cho y tế từ xa (telemedicine)
Tương tự, ở một khía cạnh nào đó, việc đổi mới như vậy là cần thiết trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nhiều người bệnh đã băn khoăn rằng họ có nên đi gặp bác sĩ để được thăm khám hay không.
Nhưng thực tế rằng, các nhân viên y tế luôn trong trạng thái quá tải và người bệnh có khả năng lây nhiễm chéo Covid-19 hay các căn bệnh truyền nhiễm khác, thì các ứng dụng khám bệnh trực tuyến khác là sự lựa chọn tốt hơn cả.
Công ty Cyclica tại Toronto, Canada đang sử dụng một nền tảng về khám phá thuốc để lên chiến lược cho các lựa chọn tái sử dụng tiềm năng cho việc tìm giải pháp điều trị COVID-19. Cyclica đã hợp tác với những viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc cũng như các nhà nghiên cứu tại nước này trong nỗ lực sớm tìm ra giải pháp khả thi.
Parallel Profile (bang Florida, Mỹ) cũng đang hợp tác với các công ty công nghệ y tế khác nhằm khai thác cơ sở dữ liệu và các hồ sơ y tế điện tử (EMR). Mục đích của họ là tìm ra các loại thuốc có thể được lập tức tái sử dụng nhằm giúp bệnh nhân COVID-19 tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm phổi, làm chậm quá trình phát triển của virus và tăng cường trao đổi khí trong phổi.
Trong khi các chính phủ đang phải hợp tác với chính quyền địa phương và những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để theo dõi, ứng phó và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các chuyên gia y tế lại chuyển hướng chú ý sang các startup phân tích dữ liệu, AI và tùy biến chuyển tải thông tin truyền thông đại chúng.
Responsum Health (Washington D.C, Mỹ) đang làm việc với các bệnh nhân xơ phổi (loại bệnh mãn tính làm tăng nguy cơ mắc COVID-19) để cung cấp thông tin cập nhật về bệnh cũng như hướng dẫn cách đề phòng thông qua ứng dụng di động.
LifeWIRE (Virginia, Mỹ) nghiên cứu giải pháp có thể được ứng dụng tức thì, là giải pháp cho phép các tổ chức tạo một từ khóa động (dynamic keyword), ví dụ “covid19”, rồi gửi tin nhắn đến một số thuê bao cụ thể để thông tin về Covid-19.
Giải pháp không cần thông qua ứng dụng di động này cũng có thể được sử dụng trong các báo cáo hay như một công cụ để kiểm tra triệu chứng theo các khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Hay dịch vụ công cộng miễn phí Coronavirus Health Chats của Conversa (Oregon, Mỹ) giúp hỗ trợ các thông tin về virus, kiểm tra các triệu chứng, đăng ký nhận thông báo… theo thời gian thực khi người dùng gửi tin nhắn đến số tổng đài.
Tận dụng dữ liệu, công ty Beyond Lucid Technologies (California, Mỹ) phát triển một bộ công cụ phân tích dữ liệu liên quan đến việc theo dõi thời gian thực các ca nghi nhiễm COVID-19, bao gồm viêm phổi, bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD), nhiễm trùng phế quản…
HealthTalk A.I. (Virginia) thì tận dụng chức năng đàm thoại bằng AI để đánh giá mức độ cần chăm sóc của bệnh nhân, trong khi Mediktor (Barcelona, Tây Ban Nha và New York, Mỹ) tạo ra công cụ kiểm tra không chỉ triệu chứng bệnh mà còn cung cấp các chẩn đoán phân biệt và khuyến nghị thực tế cho người dùng.
Ý tưởng về y tế từ xa đã có từ nhiều thập niên trước nhưng tiến độ áp dụng đại trà vẫn còn chậm. Tuy nhiên đại dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu y tế từ xa vốn trước đó chỉ là tính năng cộng thêm đã trở nên thiết yếu.