Nếu có chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là về công nghệ.
Tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng thể chế.
“Bản chất cách mạng của nó ở chỗ, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số tạo ra mô hình mới, lực lượng lao động mới, nhanh chóng, bùng nổ… khiến khuôn khổ thể chế truyền thống không còn phù hợp, mà nếu duy trì sẽ kìm hãm phát triển. Do đó, yêu cầu phải thay đổi thể chế”, Trưởng Ban Kinh tế trung ương khẳng định.
Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, có các giải pháp đột phá, Việt Nam sẽ vượt lên. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những giải pháp tất yếu để Việt Nam tận dụng được cuộc cách mạng này.
Người đứng đầu ngành TTTT cho rằng nhắc đến chuyển đổi số nghĩa là môi trường số, môi trường không gian mạng. Con người đã quen thuộc các môi trường trên bộ, trên không, trên biển, vũ trụ, sóng điện từ… Do đó, môi trường số là thách thức mới và cơ hội mới, nhận thức mới và luật lệ mới, cách thức sản xuất mới và hạ tầng mới.
Việc chấp nhận cái mới phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Điều này là lợi thế của các nước đi sau, trong đó có Việt Nam, bởi chuyển đổi số không phụ thuộc vào cở sở vật chất mà một nước đang sở hữu. Các nước đi sau cũng ít gánh nặng quá khứ, kể cả hạ tầng vật chất, năng lực cạnh tranh của thời 2.0 và 3.0.
Những gánh nặng này lại là cản trở cho 4.0. Nguyên nhân bởi công nghiệp 4.0 cần hạ tầng mới, năng lực cạnh tranh mới, thể chế mới.
“Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội để vượt lên trở thành một nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là về công nghệ. Đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi có Đảng lãnh đạo, có thể đưa ra quyết sách lớn, nhanh và tập trung. Nghị quyết 52 là một ví dụ”, ông Hùng nói.
Có thể bạn quan tâm
06:45, 03/10/2019
16:22, 23/09/2019
10:07, 19/09/2019
Ở góc nhìn doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ TTTT cho rằng, trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, doanh nghiệp ICT Việt Nam sẽ là hạt nhân.
“Cần hàng trăm nghìn doanh nghiệp ICT trên khắp Việt Nam để đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy “make in Vietnam”, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từ đây để đi ra toàn cầu”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, nếu phải đến từng doanh nghiệp, người dân, tổ chức, cơ quan để giúp chuyển đổi số thì rất lâu. Ông cho rằng cách tiếp cận nhanh nhất chính là sử dụng các platform số. Các platform là để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ dân sử dụng. Khi sử dụng các platform số là lên môi trường số, là hoạt động trong môi trường số.
“Năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số”, ông nói.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong thời gian tới, một số yếu tố nền tảng giúp chuyển đổi số nhanh chóng sẽ được nhấn mạnh, đầu tư trước.
3 yếu tố nền tảng để xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam: Một là, đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Hai là, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối Internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu. Ba là, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới. Dự kiến Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai ba nhóm chính sách quan trọng, bao gồm: Thứ nhất, áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công: bao gồm xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước nhanh hơn, minh bạch hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, đem lại sự hài lòng cao hơn cho người dân và doanh nghiệp. Thứ hai, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp để tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực; phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn; cắt giảm chi phí; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng quản trị chuỗi cung ứng; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; nâng cao năng suất của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Thứ ba, cơ cấu lại và tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển, hướng tới làm chủ một số công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ thế hệ tiếp theo, vươn lên vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực công nghệ hiện đại, giúp cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cả trong ngắn hạn và dài hạn. |