Chấp nhận vấn đề, đánh giá lại kế hoạch hoạt động, tự động hóa quy trình... là những chiến lược giúp startup trở lại trạng thái "bình thường mới".
Karan Mehandru là nhà đầu tư mạo hiểm và là đối tác của công ty Trinity Ventures, đơn vị hỗ trợ đầu tư giai đoạn đầu cho các doanh nghiệp phần mềm dịch vụ (SaaS) và điện toán đám mây. Trước đó, ông làm việc tại Scale Venture Partners sau khi dành hơn một thập kỷ làm việc trong vai trò điều hành, phát triển sản phẩm, tiếp thị và bán hàng cho các công ty khởi nghiệp và các công ty công nghệ tỷ đô. Karan Mehandru tốt nghiệp cử nhân Kỹ thuật của Đại học Carleton (Ottawa, Canada) và bằng thạc sĩ Khoa học Quản lý Đại học Stanford. Dưới đây là một yếu tố ông đưa ra để giúp đưa startup vận hành trong trạng thái "bình thường mới".Karan Mehandru là nhà đầu tư có CEO của mình và hỗ trợ cả sự phát triển chuyên nghiệp và cá nhân của họ.
Theo Karan Mehandru, khi một thảm họa xảy ra, luôn có một số ít phần trăm dân số chấp nhận sự thật. Trong những nhà khởi nghiệp Karan nói chuyện, một số người ban đầu tự tin rằng doanh nghiệp mình sẽ tăng trưởng trong dịch. Một số khác nhìn thấy những khó khăn sẽ gặp trong dịch, nên đã ngay lập tức điều chỉnh hướng phát triển cho phù hợp.
Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp, nghiêm trọng và ngay lập tức hơn những doanh nghiệp khác. Các nhà lãnh đạo khởi nghiệp càng sớm chuyển đổi, giảm thiểu phạm vi sẽ càng ít bị ảnh hưởng trong dịch.
Theo khảo sát của Karan, mỗi đơn vị đều có kế hoạch hoạt động được phê duyệt vào đầu năm 2020 khi Covid-19 chưa lan rộng. Tuy nhiên, cho đến nay, các kế hoạch này đều cần được xem xét và đánh giá lại. Karan Mehandru cho rằng kế hoạch hoạt động trong năm 2020 cần được sửa đổi, bởi các nhà điều hành khởi nghiệp đã đánh giá quá cao sự tăng trưởng của doanh nghiệp song lại đánh giá thấp tác động của đại dịch. Ông cũng lưu ý những rủi ro do thiếu chuẩn bị sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn nhiều hơn so với việc bội chi.
Do ảnh hưởng của dịch, các công ty bán sản phẩm sẽ bị gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa khi những đợt bùng phát mới xuất hiện. Những startup bán hàng trực tiếp cũng chịu ảnh hưởng do hạn chế đi lại và chế độ làm việc từ xa của khách hàng. Để đứng vững, họ phải làm chủ "nghệ thuật bán hàng" kỹ thuật số, thiết lập quy trình bán hàng mới. Lên kế hoạch phù hợp, dành nhiều thời gian thảo luận chiến lược của ngày mai, thậm chí cho quý và năm tới là những gì nhà đầu tư này gợi ý các nhà khởi nghiệp.
Nhà đầu tư này cho rằng không có gì quan trọng hơn con người. Trong thời điểm dịch bùng phát, một nhà lãnh đạo sáng suốt hãy cho phép nhân viên làm việc từ xa để đảm bảo an toàn và trả lương cho họ khi làm từ xa. Nếu đủ khả năng, nhà lãnh đạo nên chi trả thêm chi phí nghỉ ốm cho nhân viên.
Các nhà đầu tư mạo hiểm thường khuyên startup đầu tư nhiều tiền hơn dự kiến để phòng trường hợp có những tình huống xấu xảy ra. Startup cũng không cần quá lo lắng vì sẽ không có nhà đầu tư nào "trừng phạt" các nhà sáng lập vì đã phát sinh chi phí cho trường hợp dự phòng này. Cuộc khủng hoảng kinh tế đang xảy ra ở mọi nơi trên thế giới, trên mọi lĩnh vực, do đó các quyết định đưa ra sẽ được đánh giá trong từng bối cảnh cụ thể.
Trong dịch, mọi người bao gồm cả nhân viên, khách hàng, đối tác đều mang tâm lý lo sợ. Do đó, Karan khuyên các CEO startup hãy tiến hành các hội nghị trực tuyến cho toàn công ty và với từng bộ phận. Thay vì những cuộc gặp trực tiếp, hãy sử dụng sức mạnh ngôn ngữ để truyền đạt, khẳng định sự hỗ trợ đến nhân viên qua các cuộc gọi, văn bản hoặc email.
Đồng thời, người lãnh đạo cần thể hiện sự đồng cảm đối với từng nhân viên trong hoàn cảnh khó khăn chung. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp có một nhân viên đang có con ở độ tuổi đi học hoặc một nữ nhân viên đang chăm sóc cha mẹ già, chắc chắn họ sẽ gặp nhiều căng thẳng hơn và làm việc không năng suất như trước. Hãy kiểm chứng và thể hiện tinh thần nhân đạo bằng cách cho họ biết công ty luôn hỗ trợ họ trong thời gian khó khăn này.
Trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu này, nhiều công ty khởi nghiệp đã giành chiến thắng, nhiều gia đình trên khắp thế giới đang phải đối mặt với áp lực kinh tế và xã hội chưa từng có. Tuy nhiên, với tư cách là giám đốc điều hành của công ty, bạn phải giữ vững tinh thần, song vẫn phải đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh để tồn tại.
Nếu công ty bạn có đủ tiền mặt để vượt qua "cơn khủng hoảng" của Covid-19, đây là lúc bạn cần cân đối tài chính để hỗ trợ hàng trăm nghìn gia đình có việc làm và cả khách hàng. Tuy nhiên, nếu bạn đang điều hành một công ty mà tiền mặt đã là một tài sản khan hiếm thì hãy giảm hoặc thay đổi kế hoạch tuyển dụng đến khi nền kinh tế bắt đầu ổn định. Đồng thời, cắt giảm những chi phí tiếp thị không cần thiết, tham gia vào nhiều tổ chức với các chuyên gia tư vấn để tìm chiến thuật vận hành doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn này. Cuối cùng, tùy thuộc vào tình hình tài chính của công ty, hãy xem xét đến việc sa thải nhân sự để đảm bảo sự tồn tại, tuy nhiên hãy cho phép mọi người tự nguyện rời đi theo cách riêng của họ.
Trong giai đoạn này, các cuộc họp trực tiếp không còn được ưu tiên, do đó nhiều doanh nghiệp sẽ tận dụng thời gian này để cải thiện sản phẩm, phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Theo đó, tự động hóa quy trình là ưu tiên hàng đầu của các đơn vị cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ sẽ tăng đột biến, có thể tương đương với giai đoạn trước dịch. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ và R&D (Research and Development - Nghiên cứu và phát triển).
Nhiều công ty lớn đã nổi lên một cách mạnh mẽ từ suy thoái và những ý tưởng mới đã ra đời từ đây. Karan lấy ví dụ năm 1665, Đại học Cambridge đóng cửa vì bệnh dịch hạch và sinh viên Isaac Newton bị buộc phải làm việc tại nhà trong hơn một năm. Ông đã sử dụng thời gian đó để giải quyết các vấn đề toán học và phát triển các lý thuyết về quang học, trọng lực và chuyển động. Theo nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể biến thời gian tạm dừng hoạt động trong dịch thành một cơ hội để tập trung vào những gì thật sự quan trọng và đón chờ điều kỳ diệu sẽ xảy đến.