Đó là khẳng định của ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI tại Hội nghị “Thúc đẩy mô hình kinh doanh toàn diện và các giải pháp phát triển thị trường trong chuỗi giá trị tre luồng Nghệ An”.
Hội thảo do Chi nhánh VCCI Nghệ An phối hợp với Oxfam tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An ngày 09/07/2019. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam (SCBV)” do Liên minh châu Âu và các đối tác tài trợ trong giai đoạn 2018 – 2022.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 10/07/2019
16:56, 01/07/2019
14:43, 01/07/2019
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, mục tiêu của Dự án là góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua phát triển các chuỗi giá trị bền vững và toàn diện. VCCI đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội. Theo đó, các doanh nghiệp đầu ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và thủy sản được hỗ trợ nâng cao trách nhiệm và đạo đức kinh doanh, thúc đẩy các chuỗi cung ững có trách nhiệm thong qua các mô hình kinh doanh toàn diện và bền vững. “Với vai trò là Tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI là đối tác phù hợp, hợp tác cùng Liên minh châu Âu, Tổ chức Oxfam và các đối tác triển khai Dự án này. Đối với chuỗi giá trị Tre tại Nghệ An, VCCI mong muốn thiết lập mô hình kinh doanh toàn diện, xây dựng cầu nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất có thu nhập thấp vì lợi ích chung”, ông Phòng khẳng định.
Đại diện cho chính quyền địa phương, ông Trần Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đánh giá cao mục tiêu của Hội thảo, ông tin tưởng đây là cơ hội quan trọng cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và kinh doanh mặt hàng mây tre đan cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi những thông tin nhằm xúc tiến, đẩy mạnh các hoạt động thương mại cho các sản của mình. Việc Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương trong thời gian vừa qua đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, triển vọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm tre, luồng.
Nghệ An hiện có khoảng 40.000 ha rừng trồng luồng, tre, nứa, mét. Trong đó, có hơn 30.000 ha luồng tập trung chủ yếu tại các huyện Quế Phong và Quỳ Châu. Các sản phẩm từ tre, luồng phần lớn còn đơn điệu, số lượng hạn chế lại được chế biến thô, ít giá trị gia tăng nên đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn. Dưới góc nhìn của Cơ quan quản lý Nhà nước về tư vấn phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư, TS Nguyễn Xuân Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Nghệ An cho biết, chính quyền luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các cơ sở, ngành nghề nông thôn, các làng nghề, làng nghề truyền thống. Từ năm 2003 – 2011 là giai đoạn “hoàng kim” của làng nghề mây tre đan với gần 40 làng nghề, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Nhưng cho đến nay, khi mà Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia vào nhiều vào Hiệp định Thương mại tự do, tạo điều kiện đầu ra cho các sản phẩm truyền thống thì số lượng làng nghề và lao động lại có xu hướng giảm.
Giải thích lý do này, TS Thanh cho rằng, thu nhập thực tế của người lao động trong ngành này ngày càng giảm rõ rệt, từ chỗ xấp xỉ với thu nhập bình quân của cả nước, nay chỉ bằng ½. Đó là một trong những nguyên nhân chính mà lao động trong ngành mây tre đan ngày càng thiếu mặn mà, dần chuyển sang làm việc cho các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn, thoát khỏi “cây đa, bến nước, sân đình” đã bao năm gắn bó. Từ đó, số lượng lao động không những giảm mà chất lượng tay nghề cũng đi xuống cùng với số lượng làng nghề mây tre đan đang dần mai một một cách đáng báo động. Làng sử dụng nhiều nhất cũng chỉ chưa đến 100 lao động, có làng chỉ vẻn vẹn chưa đến 10 lao động. Cho đến nay, đã có 13 làng nghề, trong đó có 8 làng nghề mây tre đan ngừng hoạt động.
Từ thực tế đó, TS Thanh đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với giá trị gia tăng thấp nữa hay không? Làng nghề nên hoạt động có hiệu quả và mang lại lợi ích kinh tế, nếu không thì có nhất thiết phải duy trì hay không? Hay là dịch chuyển sang nghề khác, trừ những làng nghề có tính lịch sử và văn hóa, chỉ mang tính biểu tượng.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực và có giá trị. Đại diện cho doanh nghiệp có kinh nghiệm về sản xuất và tiêu thụ hàng mây tre đan lớn nhất tại Nghệ An, ông Thái Đại Phong – Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết, doanh nghiệp của ông sản xuất và là đầu mối thu gom sản phẩm của các làng nghề mây tre đan trên địa bàn với các sản phẩm chủ yếu là đèn lồng, hộp quà tặng xuất khẩu sang Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Điển.... Nhưng vì thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề cao nên doanh nghiệp không đáp ứng kịp những đơn đặt hàng lớn, thậm chí là không dám nhận đơn hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn bị thiệt thòi do xa cảng biển nên chi phí vận chuyển cao, khó tạo thế cạnh tranh với các doanh nghiệp phía Bắc. Trước đây, chính quyền rất quan tâm đến làng nghề, đặc biệt là làng nghề mây tre đan, nhưng đến nay vì nhiều lý do, sự quan tâm của chính quyền đã giảm đáng kể nên đó là một trong những nguyên nhân tạo nên “bức tranh” mây tre đan kém khởi sắc, thậm chí là ảm đạm.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, có một số địa phương trong tỉnh, điển hình như làng nghề mây tre đan Đồng Văn thuộc xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu vẫn đang hoạt động có hiệu quả do chính quyền nơi đây rất quan tâm và có các chính sách phù hợp. “Doanh nghiệp nên có những mặt hàng đặc trưng, tạo thế cạnh tranh thì mới tồn tại được. Bên cạnh đó, chính quyền nên rà soát các làng nghề truyền thống, có chính sách hỗ trợ hợp lý để làng nghề đó phát triển, nếu không thì cũng nên cho ra khỏi danh sách vì chỉ mang tính hình thức, khi doanh nghiệp cần đặt hàng lại không có lao động. Và địa phương nào được chính quyền quan tâm thì nơi đó có làng nghề phát triển”, ông Phong thẳng thắn chia sẻ.
Một trong những vấn đề mà các đại biểu quan tâm tại Hội thảo là việc đăng ký thương hiệu và sở hữu trí tuệ (SHTT). Có những doanh nghiệp đăng ký thương hiệu đã lâu, có khi đến vài năm mà vẫn chưa nhận được kết quả. Nhiều mặt hàng mới, được thiết kế cẩn thận, có giá trị mỹ thuật cao chinh phục được khách hàng quốc tế, chưa kịp đăng ký SHTT, khi đưa đến đặt hàng tại các làng nghề thì bị một số đối tượng khác đánh cắp mẫu mã, sau đó họ rao bán với giá thấp hơn và tất, chất lượng cũng không đạt yêu cầu.
Ông Hoàng Minh Khánh – Chủ Cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ tại xã Hưng long, huyện Hưng Nguyên cho biết, Cơ sở của ông hiện gặp muôn vàn khó khăn, ngoài chuyện thiếu lao động có tay nghề cao, tâm huyết thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), đưa các dây chuyền máy móc hiện đại vào sản xuất là một vấn đề nan giải. Thiếu vốn là một chuyện, nhưng tìm những máy móc này và người hướng dẫn vận hành ở đâu được, chính quyền có giúp đỡ và hỗ trợ cho doanh nghiệp được phần nào không chứ để doanh nghiệp tự mò mẫm, xoay xở thì như “mò kim đáy bể”. “Chúng tôi đang sản xuất một số sản phẩm từ cây giang, ngoài chuyện KHKT,doanh nghiệp còn vướng khó khăn khi vận chuyển nguyên liệu từ Quế Phong về. Ngay chuyện gặp công an và kiểm lâm trên đường đã gây ra nhiều phiền toái. Tôi đề nghị các Cơ quan có thẩm quyền hết sức tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tránh những phiền phức không cần thiết”, ông Khánh bức xúc nói.
Về vấn đề áp dụng KHKT vào sản xuất kinh doanh, đại biểu Trương Văn Hùng – giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật CN Việt Nam – Hàn Quốc khẳng định, Trường là nôi đào tạo những kỹ thuật viên, chuyên viên chất lượng cao, đủ năng lực, trình độ để lắp ráp, vận hành, hướng dẫn sử dụng những máy móc phức tạp, hiện đại. Dự án nên kết nối, xâu chuỗi các Chương trình cùng với những doanh nghiệp này với nhau, nhà Trường sẽ giúp giải quyết bài toán KHKT này ngay trên quê hương mình mà không phải đi đâu xa.
Liên quan đến Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ sản xuất tre luồng trên môi trường trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Vecom chia sẻ, Hiệp hội sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và bán các sản phẩm trực tuyến cả trong nước và nước ngoài, qua đó nâng cao niềm tin người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bế mạc Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận từ các chuyên gia và các nhà khoa học, lắng nghe nhiều ý kiến phản ánh, góp ý từ các doanh nghiệp trong ngành mây tre đan. Dự án sẽ ghi nhận, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện có thể cho doanh nghiệp. VCCI cùng với các tổ chức cam kết đồng hành và hỗ trợ các đơn vị tham gia vào mô hình kinh doanh toàn diện và chuỗi cung ứng có trách nhiệm thông qua các chương trình phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường. Dự án sẽ có sự liên hệ, kết nối thường xuyên và chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà sản xuất, lãnh đạo địa phương nhằm đề xuất hỗ trợ cụ thể các doanh nghiệp, đơn vị về các nội dung liên quan. “Những điều đã bàn bạc, những đề xuất và kiến nghị tại Hội thảo chắc chắn sẽ đi vào cuộc sống và hiện thực” ông Phòng kết luận.