Kinh tế

DIỄN ĐÀN KCN TRỤC CAO TỐC PHÍA ĐÔNG: Thêm cơ chế tạo động lực thúc đẩy chuỗi cung ứng

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Tuấn Ngọc 12/12/2024 15:49

Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên - Nguyễn Lê Huy tại Diễn đàn KCN trục cao tốc phía Đông: Liên kết và thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh.

Trên cơ sở Thoả thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký kết với UBND 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; nhằm kết nối với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, dưới sự chỉ đạo của VCCI và UBND 4 tỉnh, Thành phố; ngày 12/12, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Ban Pháp chế (VCCI), Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông năm thứ hai liên tiếp với chủ đề “Liên kết và thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”.

onghuy.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên - Nguyễn Lê Huy phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Lê Huy cho biết, ngày 28/7/2022, VCCI và 4 tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng - Hải Dương - Hưng Yên đã ký kết Thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông, trong đó, 4 tỉnh, thành phố thống nhất xây dựng liên kết kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và hình thành cực tăng trưởng trong vùng Đồng bằng sông Hồng…

Với lợi thế về vị trí tỉnh Hưng Yên tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giáp các trung tâm công nghiệp lớn, có kết cấu hạ tầng đồng bộ cùng lực lượng lao động trẻ, năng động là điều kiện để phát triển công nghiệp mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh, khẳng định vị thế tỉnh Hưng Yên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tỉnh Hưng Yên kiên định với mục tiêu xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp mạnh, nông nghiệp hiệu quả, đô thị sinh thái, phát triển nhanh và bền vững dựa trên 3 trụ cột quan trọng: tăng trưởng kinh tế nhanh, xây dựng xã hội hài hòa, bảo vệ môi trường. Trong đó, lĩnh vực phát triển công nghiệp được tỉnh đặc biệt chú trọng, quan tâm.

“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 19 đã chỉ ra một trong ba khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên, đó là tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách Nhà nước”, ông Huy chia sẻ.

toancanh8.jpg
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của các đại biểu và cộng đồng doanh nghiệp

Theo ông Huy, năm 2024, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng (GRDP) năm 2024 trên địa bàn tỉnh ước đạt 7,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi nhanh theo hướng công nghiệp, dịch vụ, trong đó: công nghiệp, xây dựng chiếm 62,65%; dịch vụ chiếm 24,85%. Thu ngân sách đạt 40.114 tỷ đồng, đạt 122,2% so với dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt 35.814 tỷ đồng, đạt 122,9% dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt 4.300 tỷ đồng, đạt 116,2% dự toán.

Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Hưng Yên hiện nay đang dành được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hiện nay trên địa tỉnh đã có trên 2.330 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 23 tỷ USD, trong đó có gần 600 dự án FDI với số vốn đăng ký 7,68 tỷ USD.

Cũng theo ông Huy, Hưng Yên còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế cho việc phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, tỉnh đã quy hoạch phát triển 35 KCN tập trung, với diện tích trên 12.000 ha. Giai đoạn đến năm 2030, quy hoạch phát triển mới 30 KCN, với tổng diện tích: 9.500 ha…

Hạ tầng giao thông của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh từ nay đến năm 2050, trong đó tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cao tốc quốc lộ các tuyến đường liên tỉnh kết nối liên vùng để mở ra các không gian động lực mới để thu hút các KCN, khu đô thị văn minh hiện đại trên địa bàn tỉnh… như: Dự án đường Vành đại IV qua địa phận Hưng Yên 19,3 km; Dự án Đường cao tốc Chợ Bến - Yên Mỹ, Dự án đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… và đang triển khai đầu tư xây dựng Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.378), Dự án đường kết nối di sản - văn hóa dọc sông Hồng…

“Để đảm bảo mặt bằng tiếp nhận dự án đầu tư, từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Hưng Yên đã xác định phát triển hạ tầng công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng được xác định là khâu then chốt trong việc triển khai các dự án. Lũy kế đến năm 2024, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn tỉnh Hưng Yên đã giải phóng được 3.454 ha/3.771 ha đất công nghiệp (đạt 91,5%), đã đầu tư hạ tầng được 2.786ha (đạt 74%), hiện hạ tầng sẵn sàng cho thuê tiếp nhận dự án khoảng 1.000 ha. Tỉnh Hưng Yên có các dự án hạ tầng công nghiệp tiêu biểu như KCN Thăng Long của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), KCN Sạch của Tập đoàn LH (Hàn Quốc), KCN số 3 (liên danh nhà đầu tư Việt Nam – Nhật Bản), KCN số 5, CCN Phạm Ngũ Lão – Nghĩa Dân, CCN Minh Khai, CCN Quảng Lãng – Đặng Lễ. Các KCN, CCN này đều đã khởi công đầu tư xây dựng và tiếp nhận dự án đầu tư”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên chia sẻ.

Đồng thời Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng, để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao, xanh thông minh, Hội đồng cùng thống nhất một số nội dung như:

Thứ nhất, Thống nhất việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng mức, đồng bộ đảm bảo kết nối thông suốt giữa các địa phương trong trục kinh tế cao tốc phía Đông, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa trong khu vực và thế giới, thúc đẩy hoạt động logistics, hình thành chuỗi cung ứng kịp thời ổn định cho các doanh nghiệp trong trục kinh tế cao tốc phía Đông.

Thứ hai, nhất trí cùng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp bộ ngành Trung ương điều chỉnh một số nội dung về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật nhằm tháo gỡ cho các địa phương, như: Bổ sung chỉ tiêu đất công nghiệp cho các địa phương, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh; có chính sách ưu đãi đặc thù đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao, xanh thông minh tại các tỉnh, thành nằm trong Trục kinh tế cao tốc phía Đông, nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất, phát triển công nghệ tại các tỉnh trong Trục kinh tế cao tốc phía Đông;

Thứ ba, ủy quyền cho UBND cấp tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án CCN, KCN do cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; phân cấp cho địa phương tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình cấp I và kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình cấp I đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác trong khu công nghiệp và ngoài KCN.

Cùng với đó, kiến nghị VCCI nghiên cứu hỗ trợ các thành viên trong Hội đồng làm cầu nối tiếp cận thông tin các nhà đầu tư lớn, hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao có nhu cầu mở rộng đầu tư, để chủ động tiếp cận, vận động thu hút đầu tư vào địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DIỄN ĐÀN KCN TRỤC CAO TỐC PHÍA ĐÔNG: Thêm cơ chế tạo động lực thúc đẩy chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO