Việc phát triển các cơ sở công nghiệp tập trung, có sự hợp tác, gắn kết tương hỗ, có liên kết hiệu quả cả về hạ tầng cứng và mềm đã và đang có ý nghĩa quan trọng.
Trên cơ sở Thoả thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký kết với UBND 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; nhằm kết nối với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, dưới sự chỉ đạo của VCCI và UBND 4 tỉnh, Thành phố; ngày 12/12, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Ban Pháp chế (VCCI), Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông năm thứ hai liên tiếp với chủ đề “Liên kết và thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”.
Thực tiễn phát triển cho thấy, các khu công nghiệp (KCN) đã và đang thể hiện vai trò hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp quốc gia và sự phát triển của từng địa phương. Đến cuối tháng 7/2024, cả nước đã có 431 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, với 301 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Phát biểu tại Diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông năm thứ hai liên tiếp với chủ đề “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian qua có những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế-xã hội, như thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư, trong đó có khu vực FDI; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước; tạo nhiều việc làm…. Đồng thời, các KCN đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, trở thành “cứ điểm” sản xuất quan trọng của thế giới, sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Intel, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn,… Kèm với đó là một loạt các nỗ lực đổi mới chính sách, gắn với tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, kết nối giữa doanh nghiệp có vốn nước ngoài với doanh nghiệp trong nước,…
Trong bối cảnh phát triển đó, theo bà Minh, các KCN ở trục cao tốc phía Đông đã có những thành tựu quan trọng. Bên cạnh những kết quả về thu hút đầu tư và tạo việc làm cho người lao động, việc đẩy mạnh kết nối các khu công nghiệp ở trục cao tốc phía Đông đã đóng góp tích cực vào cải thiện liên kết kinh tế giữa các địa phương. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng.
Tuy nhiên, TS Trần Thị Hồng Minh nhận định, trong thời gian tới, sự phát triển của các khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông sẽ đối mặt với cả cơ hội và thách thức đan xen. Bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian tới được đánh giá còn khá bất định, phức tạp và khó lường. Một yếu tố nổi lên mà nhiều quốc gia và nhà đầu tư quan tâm là khả năng chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài hơn, một phần nhờ những nỗ lực cải cách và điều hành kinh tế, các hiệp định thương mại tự do, và hạ tầng công nghiệp phát triển hơn, tuy nhiên bà Minh cho rằng phải có cơ chế sàng lọc để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài và trong nước có chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp ở trục cao tốc phía Đông cũng phải sớm làm quen, bắt nhịp và thích ứng với các xu hướng đầu tư mới. Trong đó, phát triển bền vững đang trở thành một yêu cầu cấp thiết, thậm chí có thể nói là “không thể đảo ngược được”.
Do đó, chuyển động chính sách sẽ không thể dừng lại ở cam kết của lãnh đạo, các kế hoạch hành động, mà phải được hiện thực hóa ở từng doanh nghiệp, từng cơ sở công nghiệp.
"Chính ở đây, sự phát triển của các khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi các khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái là điều kiện rất quan trọng", bà Minh nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, có nhiều cơ chế, chính sách ban hành hoặc phê duyệt gần đây đều chú trọng đến việc phát triển các khu công nghiệp như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (KKT), với định hướng xây dựng KKT, KCN theo hướng tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình Chính phủ số.
Trong thời gian tới, các KCN trục cao tốc phía Đông cần tăng cường nỗ lực, cùng với sự đồng hành của chính quyền các địa phương để tận dụng lợi thế phát triển KCN sinh thái, tạo "sức bật" cho các KCN để tận dụng tối đa lợi thế liên quan đến chính sách về phát triển xanh, phát triển bền vững.
Theo bà Minh, trục phát triển dọc cao tốc phía Đông có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển mô hình vùng “Đô thị sáng tạo” với hệ thống các KCN dọc 4 tỉnh/thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Sự kết nối vùng “Đô thị sáng tạo” này sẽ giúp tận dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp, lan tỏa trong bối cảnh mới; tạo ra không gian phát triển rộng lớn, năng động với việc kết hợp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương trên trục, tối đa hóa năng suất của chuỗi cung ứng địa phương.
Các KCN dọc trục cao tốc phía Đông sẽ tận dụng lợi thế của nhau, tận dụng lợi thế của chuỗi kết nối giao thông quan trọng với một đầu là thủ đô Hà Nội và một đầu là cửa khẩu Móng Cái, giao thương với thị trường Trung Quốc.
"Điểm quan trọng là phải duy trì sự kết nối giữa các KCN này, tránh để các KCN lặp lại theo mô hình “sao chép” của nhau dẫn tới “cạnh tranh quá mức”, thay vì “hợp tác hiệu quả”", bà Minh nhấn mạnh.
Từ thực tiễn và nghiên cứu, bà Minh cho biết, có một số tư duy đặc biệt quan trọng cần lưu ý trong thời gian tới bao gồm:
Thứ nhất, phát triển KCN nói chung ở trục cao tốc phía Đông phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải, gắn với phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các KCN cần tiếp tục là nơi thuận lợi để xây dựng, thử nghiệm các không gian phát triển mới, trước khi triển khai ở các địa bàn khác trên cả nước.
Cụ thể, bà Minh kiến nghị, các KCN phải đóng góp đáng kể vào chuyển đổi không gian phát triển, áp dụng thí điểm các mô hình KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút các dự án sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch.
Thứ hai, bà Minh cho rằng, các KCN ở trục cao tốc phía Đông phải vượt qua hình ảnh truyền thống về một địa điểm sản xuất tập trung, mà phải trở thành một nơi để người lao động gắn bó, để người lao động yên tâm phát triển, cống hiến, và thụ hưởng thành quả lao động.
Theo bà Minh, người lao động sẽ khó có thể học hỏi, cải thiện năng suất nếu khu công nghiệp còn thiếu những hạ tầng bổ trợ, tạo động lực để các KCN cải thiện một cách thực chất trên các phương diện này.
Thứ ba, các KCN ở trục cao tốc phía Đông cũng phải giúp cải thiện đáng kể liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Hiệu quả của khu công nghiệp không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô doanh nghiệp, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước, v.v., mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết giữa các khu, để tận dụng được lợi thế của các địa phương.
Bà Minh nhận định, tính chất “bền vững” của các KCN không chỉ được phản ánh ở khía cảnh bảo vệ môi trường, giảm phát thải, mà còn là khả năng hợp tác và chia sẻ lợi ích “lâu dài” giữa các doanh nghiệp trong KCN.
Đáng chú ý, từ bình diện rộng hơn, phát triển các khu công nghiệp sẽ khó có thể hiệu quả ở góc độ vùng và quốc gia nếu các khu ở các địa phương lân cận bắt chước nhau một cách máy móc.
Ở góc độ chính sách, ưu tiên không chỉ hướng tới phát triển hạ tầng trong khu công nghiệp, mà cả hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp. "Nếu giải quyết tốt vấn đề này, các KCN sẽ đóng góp trực tiếp vào cải thiện liên kết giữa các địa phương trong vùng", bà Minh nói.