Có rất nhiều cạm bẫy được khéo léo che đậy mà nếu những người có ý định mua nhượng quyền thương hiệu không nhận ra thì rất có thể sẽ phải sớm nếm trái đắng!
Thông thường khi có dự định mua nhượng quyền, chúng ta sẽ nghe đến những câu như: "Anh không cần lo đâu, toàn bộ quy trình bên em đã chuẩn hóa hết rồi", "Mỗi tháng anh sẽ thu về lợi nhuận khoảng xx triệu, vận hành đã có em lo, anh không cần làm gì cả", "Bên em có hơn trăm đối tác khắp Việt Nam, nếu sản phẩm em không tốt và không lợi nhuận liệu có thể có nhiều đối tác thế không?"…
Không có gì bán dễ như bán nhượng quyền cho những người thừa tiền nhờ đánh vào tâm lý làm ít ăn nhiều, muốn ăn sẵn và ăn dễ dàng. Rất nhiều “cạm bẫy” trong nhượng quyền đã khéo léo được che đậy.
Người mua nhượng quyền là những người “tay ngang” vào ngành, không có nhiều kiến thức và trải nghiệm. Nếu có kinh nghiệm thì tự xây thương hiệu riêng, ai cần mua nhượng quyền làm gì!
Đó là những người bỏ tiền ra để giảm thiểu rủi ro kinh doanh bằng niềm tin vào những thương hiệu “đang có vẻ thành công" trên thị trường. Đa phần người mua nhượng quyền là những người dành dụm tiền bạc với giấc mơ sở hữu một cái-gì-đó cho riêng mình.
Nhưng hãy cẩn thận kẻo sụp bẫy lúc nào không hay. Bẫy ở đây không chỉ là bẫy của nhà bán nhượng quyền mà còn là bẫy của thị trường.
Cạm bẫy sở hữu
Không phải tự nhiên mà mấy thương hiệu lớn, lâu năm và có đơn vị chủ quản lâu đời lại thu phí nhượng quyền cao hơn hẳn so với thị trường phổ thông. Ông bà ta đã nói: “Cái gì cũng có giá của nó”, “Tiền nào của đó”!
Hãy cẩn thận với thương hiệu sắp mua, bởi chưa chắc người bán đã sở hữu nó. Điều này đặc biệt lưu ý với những sản phẩm có tính trendy (xu hướng) ngắn hạn, đâu đó khoảng 12 tháng. Chẳng hạn như mô hình mỳ cay, trà chanh chém gió, bún đậu mắm tôm ở TP. HCM.
Những thương hiệu có tuổi đời dưới 2 năm thì chắc chắn là “mua non” vì phải cần tới 24 tháng Cục sở hữu trí tuệ mới cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu cho người đăng ký.
Nếu trong 24 tháng chờ được cấp văn bằng mà có người nhận vơ thương hiệu là của họ thì còn phải xem xét phán xử. Cái này tôi đã từng gặp. Đăng ký thương hiệu từ lâu nhưng đợt làm truyền thông rầm rộ có người nộp hồ sơ lên Cục sở hữu trí tuệ nhận thương hiệu Hoa Sơn Tửu Lầu. Cục sở hữu trí tuệ gọi tôi mới biết.
Điều này cũng giống như mua một căn nhà vẫn còn tranh chấp, chồng tiền hết rồi sáng mai người “chủ mới” tới đòi nhà còn người cầm tiền đã “cao chạy xa bay”.
Bởi vậy, nếu tránh được thì tránh. Nếu có mua, nhớ yêu cầu bên bán cung cấp đầy đủ phần chứng nhận bảo hộ thương hiệu.
Cạm bẫy marketing
Thoát được cái hố số một, đang hí hửng thì cẩn thận lọt tiếp cái lỗ số hai mang tên Marketing. Bên bán sẽ chào mời bằng những chương trình marketing, truyền thông hấp dẫn cùng niềm tin rằng mọi thứ đều đã có trong quy trình.
Thông điệp phổ biến nhất sẽ là khách đông nghịt, quán không còn chỗ chen chân. Đồng nghĩa với việc người mua chẳng cần làm gì cả, khách hàng sẽ tự xếp hàng cho mình “thịt”. Nhìn khách đông ai mà không ham!
Nhưng ẩn đằng sau đó lại là sự phụ thuộc. Hay nói đúng hơn là lệ thuộc. Tiền đầu tư của người mua sẽ được dùng để đặt cược vào đội marketing của họ.
Nếu đội marketing làm không tốt, người mua mất tiền, mất cửa hàng. Trong khi đó, bên bán nhượng quyền không mất gì cả, một cửa hàng đóng lại, vài cái mới lại mở ra. Với họ, chỉ đơn giản là một đối tác xin dừng cuộc chơi.
Trên thực tế, có nhiều người mua nhượng quyền nhưng kinh doanh không ổn, gần đây nhất là trà chanh, và hỏi nhờ sự tư vấn của tôi. Tôi cũng muốn giúp lắm, nhưng thật ra giúp thì lại dở. Vì cho dù có đầu tư thêm tiền để thoát lỗ thì thật ra người đó đang dùng tiền túi của mình để nuôi thương hiệu của người khác.
Một hệ thống nhượng quyền mà để đối tác chết đuối thì không thể là một hệ thống bền vững được. Nên nếu có mua thì hãy hỏi về những ca đã đuối nước, đừng chỉ nhìn vào thành công. Đừng để xảy ra chuyện đã mua nhượng quyền rồi còn phải bỏ thêm chi phí chạy quảng cáo cho người khác.
Tỉnh táo khi mua nhượng quyền
Chủ thương hiệu cần tiền của người mua nhượng quyền để giúp họ phát triển nhanh hơn, trông có vẻ lớn hơn và uy tín hơn.
Những hình ảnh về mở chuỗi liên tục, hình ảnh khách hàng (ở 1 vài quán) đông đúc sẽ kích thích lòng tham lam trắc ẩn trong những người có dự định mua nhượng quyền và cuối cùng…người mua nhượng quyền bị chốt sale lúc nào không hay.
Hiểu nôm na là tiền, cửa hàng và thành công của người mua nhượng quyền chính là nguyên liệu để họ phát triển hoặc "săn" thêm nhiều đối tác như vậy nữa. Nên cần lưu ý mấy điểm.
Trước hết, hãy chọn đúng người. Hãy tỉnh táo và biết mình đang làm việc cùng ai, đó là một con người cụ thể chứ không phải một công ty gì đó mới thành lập. Nhiều người thậm chí tinh vi hơn còn mua lại công ty cũ thành lập lâu rồi để trông có vẻ uy tín.
Hãy hợp tác với một người thực sự gắn kết lâu dài với ngành F&B, không phải một công ty hay tổ chức chưa bao giờ nghe đến.
Thứ hai, biết cách chọn sản phẩm và tìm đường lui. Những sản phẩm theo xu hướng cực kỳ nguy hiểm, thực tế đã chứng minh.
Hãy hỏi người bán nhượng quyền về phương án xử lý khi thất bại, đảm bảo rằng họ không bỏ mặc người mua đến khi đuối vốn. Hỏi xem họ có mua lại điểm kinh doanh không và mức độ cam kết và hỗ trợ như thế nào?
Đừng xem thường những điều này. Chúng ta thường quyết định vì nhìn thấy cơ hội nhưng bỏ cuộc vì những rủi ro nấp mình khéo léo.
Thứ ba, điều quan trọng là kế hoạch marketing, thiếu cái này là chết chắc. Vì sản phẩm và quy trình khi đóng gói thường đã được chuẩn hóa, người mua không thể (hoặc rất khó) tác động vào.
Không phải tự nhiên mà mấy thương hiệu lớn họ còn thu thêm 2-4% phí marketing. Vì vậy, cần phải cụ thể hóa việc hỗ trợ marketing là hỗ trợ như thế nào, lộ trình, nội dung công việc ra sao. Hỗ trợ không phải là vài bài đăng trên Fanpage và chạy vài mẩu quảng cáo.
Một kế hoạch nhìn đỡ lo lắng là một kế hoạch đã có lộ trình về các chương trình tổ chức. Cụ thể, kế hoạch tuần này, tháng này, các dịp lễ, sự kiện làm gì, bán hàng như thế nào, khuyến mãi ra sao, bao lâu hỗ trợ điểm bán một lần, các hoạt động tại chỗ khi khai trương là gì…
Chặng đường kiếm tiền thật quá gian nan!
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Việt vượt bão COVID-19: Bán hàng online giữ vị chí chiến lược trong F&B
23:12, 09/08/2020
Kinh doanh trực tuyến - Xu hướng mới của doanh nghiệp F&B mùa dịch COVID-19
11:23, 19/06/2020
Xuất hiện Liên minh F&B - nơi doanh nghiệp Việt "giải cứu nhau"
16:23, 17/04/2020
Doanh nghiệp F&B khó tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng
01:02, 10/04/2020
COVID-19 và cuộc "chọn lọc tự nhiên" của doanh nghiệp F&B
04:38, 16/03/2020