CẢM XÚC XUÂN: Lễ hội hãy giữ lại và thay đổi cách làm

TRẦN NGỌC THANH (Địa chỉ: D44 Nhà phố Rio Vista, Dương Đình Hội, P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM) 22/02/2021 05:00

Thay vì đặt vấn đề bỏ đi các lễ hội bạo lực, hãy sàng lọc tất cả lễ hội rồi đánh giá một cách toàn diện và điều chỉnh, thay đổi sao cho phù hợp hơn.

Sau tết cổ truyền ở nước ta có rất nhiều lễ hội, bên cạnh mặt tích cực, còn có sự tiêu cực như nặng về hình thức kinh doanh, mê tín dị đoan, cơ hội để “chặt chém”, gây tiền toái cho không ít người.

lễ hội đâm trâu truyền thống người Tây Nguyên

Lễ hội đâm trâu truyền thống ở Tây Nguyên.

Vẫn còn những lễ hội có nghi thức không còn phù hợp với lối sống văn minh. Như lễ hội đâm trâu có nghi thức một thanh niên được trang bị chiếc lao dài để giết trâu cùng với đám đông vây quanh con trâu bị roi vọt hành hạ, nhiều người hò hét phóng lao vào con vật đáng thương cho đến chết. Lễ hội chém lợn cũng bị cho là bạo lực, dù người dân làng Ném Thượng đã điều chỉnh nghi thức như đưa lợn vào nhà kín hành lễ để phù hợp với bối cảnh hiện tại mà vẫn giữ được lễ hội vì con lợn vẫn bị giết một cách dã man để tế thần. Bởi vậy đã có ý kiến cho rằng cần bỏ luôn lễ hội chém lợn, đâm trâu.

Lễ hội còn là văn hóa, lịch sử, truyền thống, gắn kết cộng đồng. Ở nước ta có 54 dân tộc với nhiều lễ hội liên quan đến cội nguồn, tôn giáo, nghề nghiệp, địa phương, truyền thống, là ký ức nhắc nhở bao thế hệ con người khác nhau đã tạo dựng nên xã hội... Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 8.000 lễ hội khác nhau. Mỗi lễ hội có những đặc trưng riêng với từng vùng miền, địa phương, cộng đồng dân cư nơi đó. Trong có những lễ hội làm cho nét đẹp văn hóa truyền thống bị giảm sút khiến dư luận có ý kiến trái chiều.

Như lễ hội chém lợn là nét văn hóa lâu đời của người dân làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) tưởng nhớ công lao to lớn của một vị tướng cuối đời nhà Lý đến vùng này đã chém lợn rừng nuôi quân đánh giặc chống ngoại xâm.

Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên là nét văn hóa của người dân tộc thiểu số thể hiện tinh thần dân tộc để bỏ đi mọi buồn phiền, hiềm khích, đố kỵ trong làng, cầu mong niềm vui và hạnh phúc được nâng lên gấp bội. Đây cũng là dịp gắn kết mọi thành viên trong cộng đồng, tổ chức ăn uống chung vui, người dân đóng vai các chiến binh ra nhảy múa.

Hay như lễ hội đâm trâu ở huyện Nam Đông tại Huế là nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu cùng nhau reo hò, sinh hoạt ăn uống, nhảy múa truyền thống trong tiếng chiêng trống rộn ràng và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống dân làng được ấm no.

Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh.

Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh.

Có ý kiến cho rằng, con người đánh nhau do ảnh hưởng lễ hội bị cho là bạo lực như chém lợn, đâm trâu. Theo tôi, không hẳn. Có vẻ con người đó đã tích tụ sẵn hành vi không đẹp nên gặp dịp đã bùng phát, chỉ một va chạm nhẹ trên đường phố cũng có thể dẫn đến ẩu đả. Phải chăng cuộc sống thường trực va chạm, trở ngại trong bế tắc, lắm khi mất công bằng, pháp luật bị xem thường nên nhiều người không còn tin vào lẽ phải hay sự nhường nhịn?

Lễ hội có thể góp phần tăng cường sự liên kết gắn bó giữa người với người, không chỉ trong vui chơi giải trí mà còn trong hoạt động chính trị xã hội. Nếu khéo kết hợp các lễ hội sẽ tạo thêm sức mạnh về nguồn lực, giáo dục, hoạt động du lịch tốt hơn, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập, hiện đại hóa đất nước.

Lễ hội đúng nghĩa là sự bình đẳng như nhau, không phân biệt giàu nghèo, ai cũng có thể tham dự theo điều kiện và khả năng của mình, nơi mà mọi người hòa nhập với nhau một cách thân thiện cởi mở và đáp ứng nhu cầu tâm linh, giải trí, chia sẻ, bày tỏ tình cảm. Nhiều nước phát triển càng cao, càng cố gắng giữ gìn và mở rộng các lễ hội truyền thống với các hình thức mới mẻ, đa dạng có quy mô và chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển. 

Nếu là lễ hội mang tích lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước thương nòi chính là vẻ đẹp và lòng tự hào dân tộc trong tiến trình phát triển, đời sống, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn hóa lâu đời luôn giữ trong đó những giá trị và ý nghĩa to lớn của những tháng năm huyền thoại, là thứ tài sản vô giá và là bản sắc mà thế hệ trước thường kể cho hậu thế nhân sinh nghe lại để biết, gìn giữ.

Lịch sử nước ta trải qua bao cuộc đấu tranh chống ngoại xâm cho thấy dân và quân ta dù trong thế yếu, nhờ dựa sự gắn kết tinh thần dân tộc đã dành chiến thắng vẻ vang. Hiểu về lễ hội này không chỉ là hiểu vẻ bên ngoài hay vị trí địa lý mà còn phải hiểu đến cả một xã hội thu nhỏ ở nơi đó và cả tiến trình lịch sử, văn hóa, phát triển, bảo vệ đất nước của dân tộc đó bao gồm quá khứ lẫn hiện tại, tương lai.

Thiết nghĩ, thay vì đặt vấn đề bỏ đi các lễ hội bạo lực, hãy sàng lọc tất cả lễ hội rồi đánh giá một cách toàn diện để thấy được điểm mạnh mà phát huy, khắc phục điểm yếu với sự điều chỉnh và thay đổi sao cho tốt lên, làm giàu hơn cho văn hóa nước nhà chứ không nên bỏ đi tất cả.

Ví dụ lễ hội chém lợn, đâm trâu mang tính lịch sử, văn hóa có thể thay đổi cách thức thực hiện sao cho không gây phản cảm, ảnh hưởng xấu trong cộng đồng. Chẳng hạn bỏ bớt nghi thức chém lợn, đâm trâu. Hoặc dùng thuốc mê hay gây ngất như chích điện để con vật bị ngất tức thì, không kịp phản ứng, không đau đớn. Đừng bỏ đi những giá trị lịch sử, giáo dục, nét đẹp, văn hóa truyền thống lâu đời để khi nhìn lại thấy tiếc.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2021.

Bài vở xin gửi về email: camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Có thể bạn quan tâm

  • CẢM XÚC XUÂN: Giữ hồn cốt cho chợ nổi Cái Răng

    05:30, 20/02/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Những bài học từ tự truyện của “ông hàng phở”

    05:00, 18/02/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Nhớ cái tết với xóm lao động nghèo

    04:39, 17/02/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Sài Gòn ơi hẹn lại sang năm!

    11:19, 16/02/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Mạn đàm về khu di tích ba không Bạch Đằng Giang

    10:16, 16/02/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Có một cái Tết “lạ” ở ngoại thành Hà Nội

    06:20, 16/02/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Tản mạn về nếp áo tứ thân xưa

    05:07, 16/02/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Tết là để chơi

    05:00, 16/02/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Đi Quy Nhơn chơi tết

    12:00, 15/02/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Làng Gốm Sơn Đông mùa Xuân về

    10:57, 15/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CẢM XÚC XUÂN: Lễ hội hãy giữ lại và thay đổi cách làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO