Sách và câu chuyện về văn hóa đọc hiện nay đang là vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận xã hội.
Nhất là trong bối cảnh các nhà sách, các nhà xuất bản bắt đầu quan tâm đến việc làm sách phục vụ Tết càng khiến cho chúng ta tin tưởng vào sự “tươi sáng” của văn hóa đọc thời gian tới.
Theo một con số thống kê trong ở hội thảo khoa học thì chúng ta có tới hàng nghìn câu lạc bộ thơ nhưng không có thơ hay, hàng vạn đầu sách mỗi năm nhưng 70% là “sách vô bổ”, điện ảnh lai căng, sân khấu như người ốm phải hồi sức cấp cứu, còn Bộ trưởng “phát khóc” vì 5 năm được tặng... 3 tấn sách.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói, sau xã hội hóa, dù chúng ta có nhiều chủ thể văn hóa, nhiều hãng phim, nhiều CLB thơ, nhiều nhà phát hành sách nhưng chất lượng nghệ thuật lại hoàn toàn không tương xứng với số lượng, rất đáng báo động. “Chúng ta có hàng nghìn CLB thơ nhưng có bài thơ nào hay, có sức sống lâu dài không? Khó vô cùng! - nhà thơ Hữu Thỉnh nói.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Lê Doãn Hợp khẳng định “không dưới 70% là sách vô bổ”. Ông nói ông rất sợ được bạn bè tặng thơ bởi “chưa đọc thơ thì còn quý bạn, đọc xong lại ghét bạn mình". Vậy mà trong 5 năm làm Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, ông đã được tặng phải tới 3 tấn sách, trong đó rất ít sách tốt, khiến ông dở khóc dở cười tìm cách xử lý sách tặng”.
Ai cũng dễ dàng nhận thấy, văn hóa đọc đã thay đổi rất nhiều trong thời đại số hóa. Thời đại số ít thấy hình ảnh những sinh viên “mọt sách”, hình ảnh một ai đó luôn kè kè cuốn sách bên mình đôi khi trở nên lạc lõng, “không giống ai”… Tức là, chất lượng sách đi xuống và văn hóa đọc cũng đang ở ngưỡng “báo động đỏ”.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 25/01/2020
02:39, 25/01/2020
00:00, 25/01/2020
15:00, 24/01/2020
12:00, 24/01/2020
09:01, 24/01/2020
11:00, 23/01/2020
03:05, 23/01/2020
15:00, 22/01/2020
11:00, 22/01/2020
Trước thực trạng không mấy vui của văn hóa đọc hiện nay, bà Ngô Phương Thảo - CEO Công ty AnBook, khuyên thế này: “Nếu bạn đang thất tình, hãy tìm một quyển truyện ngôn tình mà đọc, sẽ dễ vô hơn. Đừng cố đọc những cuốn khó, cuốn không thấy thích hay những quyển nổi tiếng được nhiều người quảng cáo. Đọc đơn giản là để hun đúc thói quen đọc. Đọc để giải tỏa nỗi buồn, để tìm một sự đồng cảm”.
Đọc sách, nói cho cùng bản chất của nó, chính là việc tự học. Chỉ có những quyển sách mới có thể là người thầy, người bạn học với những giá trị vượt không gian và thời gian dành cho mỗi người. Những quyển sách chứa đựng túi khôn của nhân loại, những tri thức nền tảng, những học thuyết lẫy lừng hay đơn giản chỉ là một áng văn hay, một câu chuyện đẹp, một công trình nghiên cứu…
Lẽ đó, làm thế nào để ai cũng có cái cảm giác cầm trên tay một quyển sách và đắm chìm trong không gian của riêng mình để tận hưởng cái hay cái đẹp của văn hóa đọc thật là tuyệt vời. Tất cả đều là những viên gạch xây nên một con người, một gia đình, một doanh nghiệp, và từ những tế bào nhỏ bé nhất này, hình thành nên một xã hội rộng lớn với những giá trị tốt đẹp nhất.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên UNESCO quyết định và kêu gọi về một “ngày sách quốc tế” - ngày 23/04 hàng năm, nhằm cổ vũ cho phong trào đọc sách, thói quen đọc sách trên toàn thế giới. Quyết định và lời lêu gọi này của UNESCO đã được rất nhiều quốc gia, vùng và lãnh thổ hưởng ứng nhiệt liệt.
Rất nhiều quốc gia đã tồn tại một “ngày toàn dân đọc sách” hay có các sự kiện liên quan đến chuyện đọc sách như: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, thậm chí, một quốc gia rất gần gũi là Thái Lan cũng có một chương trình quốc gia để mọi người quan tâm đến việc đọc sách. Tổ chức quốc tế mang tên “Hiệp hội đọc sách quốc tế” (IRA) đã ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước mà một trong những sứ mạng hàng đầu là cổ vũ thói quen đọc sách suốt đời của tất cả mọi người.
Nên nhớ, sự chênh lệch của khoảng cách giàu nghèo thì ai cũng nhìn thấy, nhưng sự chênh lệch giữa tiền bạc và văn hoá thì ít người biết đến. Giảm bớt điều này chắc chắn cũng là một yếu tố tạo ra sự ổn định xã hội. Chả lẽ người ta cứ làm giàu, cứ giàu, cứ sống mà không cần quan tâm đến chất lượng sống. Sống không chỉ là chuyện thọ yểu và có bao nhiêu tiền mà là sống thế nào.
Và sách cùng với văn hóa đọc nó góp phần tạo dựng lên những tâm hồn sống giàu văn hóa, lan tỏa tinh thần nhân văn cho xã hội.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2020. Bài vở xin gửi về hòm thư camxucxuan@dddn.com.vn. Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |