Những tà áo tứ thân, cùng dải yếm đào, chiếc nón quai thao và đôi guốc mộc của phụ nữ kinh Bắc khi xưa giờ chỉ còn phảng phất trong hoài niệm…
Chiếc áo tứ thân cùng với dải yếm đào, khăn mỏ quạ, thắt lưng xanh, nón thúng quai thao đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ về người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Trong xã hội hiện đại, bất chấp những thăng trầm của mốt, áo tứ thân vẫn tiếp tục tồn tại, được sử dụng trong các lễ hội, trình diễn trên sân khấu, tham gia các cuộc thi nhan sắc danh giá. Áo tứ thân cũng trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những cách tân, sáng tạo mới trong lĩnh vực thời trang.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm ra đời của chiếc áo tứ thân. Có ý kiến cho rằng áo tứ thân đã xuất hiện từ thời Lý vào thế kỷ XI-XII, nhưng chủ yếu là dùng cho nam giới. Cơ sở của khẳng định đó là khi ấy nghề dệt nước ta đã phát triển mạnh, có thể dệt được đủ loại lụa, gấm, vóc, đoạn với nhiều màu sắc và họa tiết phong phú. Vua quan trong triều và các tầng lớp dân chúng đã có trang phục riêng với nhiều kiểu cách khác nhau. Sang đến thời Trần, áo tứ thân được cả phụ nữ sử dụng và ngày càng phổ biến trong xã hội.
Cũng có ý kiến cho rằng áo tứ thân chỉ mới xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII trên cơ sở kế thừa chiếc áo dài giao lĩnh (còn gọi là áo dài đối lĩnh). Áo giao lĩnh cũng được may từ bốn tấm vải, thân áo rộng dài chấm gót, xẻ hai bên hông, hai thân trước giao nhau, có cổ chéo, không có khuy cài, nên khi mặc phải dùng thắt lưng để cố định. Sau này, để thuận tiện cho công việc đồng áng, buôn bán, đi lại, người ta thường thắt hai tà trước lại với nhau, từ đó mà tạo nên chiếc áo tứ thân. Cùng với thời gian áo tứ thân có thêm loại cổ tròn, có nút gài khuy áo, có kiểu dáng mềm mại, ôm lấy thân người mặc. Đến thời Nguyễn áo tứ thân được sử dụng như trang phục hàng ngày và thịnh hành cho đến đầu thế kỷ XX.
Theo những bức ảnh tư liệu còn lưu giữ được từ thời Pháp thuộc, thì áo tứ thân gồm có hai vạt, bốn tà, buông chùng xuống dưới đầu gối khoảng 20 phân. Vạt trước là hai tà tách riêng theo chiều dài áo. Vạt sau cũng có hai tà, nhưng khâu lại với nhau tạo thành một đường dài gọi là sống áo. Đó là bởi khi đó, khung dệt vải của người Việt mới chỉ có khổ nhỏ, dệt được những khổ vải chỉ rộng chừng 40 phân, nên phải can tà mới thành một vạt áo. Áo có ống tay hẹp hơn so với áo giao lĩnh, luôn được mặc kèm với một dải thắt lưng làm từ vải lụa hay cái “ruột tượng” để đựng tiền và đồ vặt nhỏ. Những chiếc áo tứ thân thường có màu sắc tự nhiên, được nhuộm từ củ nâu, lá bàng giã nhỏ hay bùn dẻo lấy từ dưới ao lên.
Khi được mặc kết hợp với các phụ kiện khác như yếm, áo cánh, váy và dây lưng, chiếc áo tứ thân tạo nên một sự hài hòa, nền nã về màu sắc. Trong cùng người ta thường mặc một chiếc yếm. Đối với phụ nữ luống tuổi, yếm thường có gam màu đậm hoặc trắng đục, các cô gái trẻ thường mặc yếm tươi màu như đỏ thắm hoặc hồng đào. Khoác ngoài yếm là một chiếc áo cánh mỏng thường là màu trắng. Phía dưới là chiếc váy đen buông chùng gần chấm gót. Chiếc áo tứ thân khoác ra ngoài cùng có màu nâu đậm hoặc nâu non. Hai tà trước của áo buộc lại thả trước bụng vừa tôn chiếc eo thon của người phụ nữ, vừa thuận tiện cho công việc và sinh hoạt. Cổ áo thường trễ hoặc không cài hết khuy, để lộ chiếc yếm màu bên trong đầy quyến rũ. Cuối cùng là chiếc dây lưng màu trắng hoặc màu tươi phối màu trọn vẹn với toàn bộ áo tứ thân. Tất cả những điều đó đã tạo nên một bộ trang phục đơn giản, kín đáo mang đậm sắc thái Á Đông, nhưng cũng không kém phần gợi cảm và duyên dáng.
Đến thời vua Gia Long (1802-1819), chiếc áo dài tứ thân được nâng cấp lên thành áo ngũ thân, gồm hai tà trước, hai tà sau và một tà ẩn phía dưới tà trước. Áo ngũ thân chủ yếu dành cho quan lại và tầng lớp cao trong xã hội, còn người lao động vẫn thường mặc áo tứ thân.
Chiếc áo tứ thân không chỉ là một trang phục truyền thống đẹp đẽ của quá khứ mà còn mang chứa những ý nghĩa sâu sắc. Người xưa cho rằng, bốn tà áo phía trước và phía sau là tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ đẻ và cha mẹ chồng). Chiếc vạt cụt giống như chiếc yếm nằm phía trong vạt trước tượng trưng cho hình ảnh cha mẹ đang ôm ấp đứa con vào lòng. Năm nút áo nằm cân xứng ở 5 vị trí cố định giữ cho nếp áo luôn được ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho 5 đạo làm người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Hai vạt trước buộc lại với nhau tượng trưng cho tình cảm vợ chồng khăng khít, quấn quýt bên nhau...
Cùng với thời gian, chiếc áo tứ thân ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện, đặc biệt trở nên đặc sắc và lộng lẫy trong trang phục “mớ ba, mớ bảy” của các liền chị Quan họ. Tùy vào thời tiết và cấp độ quan trọng của sự kiện, các liền chị có thể mặc ba chiếc áo lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy chiếc áo lồng vào nhau (mớ bảy). Ngoài áo, váy, thắt lưng, dép như thông thường, trang phục của liền chị không thể thiếu chiếc khăn mỏ quạ, nón thúng quai thao và thắt lưng hoa lý đeo dây xà tích. Sau này chiếc váy được thay bằng chiếc quần lĩnh đen, ngày hội thì dép được thay bằng đôi guốc cong sơn đen hoa văn thủy ba. Bộ trang phục này ngày càng được trau chuốt và phối màu rực rỡ hơn, đến nay đã trở thành một biểu tượng của vùng văn hóa Kinh Bắc.
Với những giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc sắc như vậy, chiếc áo tứ thân đã đi vào thi ca, nhạc họa của dân tộc, trở thành nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Tiêu biểu là những câu thơ hẳn ai cũng thuộc lòng của nhà thơ Nguyễn Bính (“Nào đâu cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen…”) hay thơ Nguyễn Nhược Pháp (“Khăn nhỏ, đuôi gà cao/Em đeo dải yếm đào/Quần lĩnh, áo the mới/Tay cầm nón quai thao”)…
Ngày nay, áo tứ thân chủ yếu được mặc trong những dịp lễ hội truyền thống hoặc trình diễn trên các sân khấu ca nhạc, múa, chèo, tuồng. Những năm gần đây, áo tứ thân trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang để cho ra đời nhiều mẫu mã mới. Áo tứ thân cách tân được thêu tay, in phun hoặc đính cườm rất tinh tế, đẹp mắt, có nhiều kiểu dáng mới lạ và độc đáo. Một số mẫu thậm chí là những thử nghiệm táo bạo được ra mắt trong các show diễn thời trang. Không ít thiết kế đã được đem đi trình diễn trên các đấu trường quốc tế hoặc được sử dụng trong các cuộc thi nhan sắc tầm cỡ thế giới.
Có thể nói, áo tứ thân là một trang phục truyền thống đặc sắc của Việt Nam, góp phần thể hiện sự đa dạng văn hóa của nhân loại. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua nhiều lần cải tiến và nâng cấp, chiếc áo tứ thân vẫn không mất đi vẻ đẹp nền nã, kín đáo của người phụ nữ thuở xưa, đồng thời phô diễn được vẻ đẹp quyến rũ, đường cong mềm mại của các cô gái thời hiện đại.
Cùng với tà áo dài truyền thống, chiếc áo tứ thân cách điệu đang góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Dù là hiện tại hay tương lai, áo tứ thân sẽ không thể mất đi, mà sẽ còn đồng hành mãi với dân tộc, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2021. Bài vở xin gửi về email: camxucxuan@dddn.com.vn. Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |
Có thể bạn quan tâm
13:48, 12/02/2021
12:33, 12/02/2021
05:20, 12/02/2021
05:17, 12/02/2021
23:00, 11/02/2021
18:23, 11/02/2021
15:02, 11/02/2021
05:14, 11/02/2021
15:05, 10/02/2021
11:02, 10/02/2021
05:00, 10/02/2021
13:00, 09/02/2021
05:30, 09/02/2021
15:58, 08/02/2021