Xuân về, trước Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng cũng có cành đào đá Cát Bà, cây quất vàng rực rỡ. Tạm gác niềm vui sum vầy bên gia đình, niềm vui lớn nhất những kiểm lâm viên ở đây là rừng biển luôn yên bình.
>>>Giải pháp khai thác giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà
>>>Để Cát Bà không “ngủ đông”
Dập dềnh bám biển gác rừng
Một ngày cuối năm, chúng tôi cùng ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà xuống ca nô xuất phát từ Bến Bèo ra thăm Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đây không phải là cách duy nhất nhưng là cách nhanh nhất để đến với Giỏ Cùng. Bởi từ trung tâm thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) ra Giỏ Cùng có thể đi bộ xuyên rừng quốc gia, nhưng quảng đường đi phải chật vật vượt núi xuyên rừng nên chỉ dành cho những người có sức khỏe tốt và ưa mạo hiểm.
“Đi đường biển nhanh hơn và có thể ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt đẹp của vịnh Lan Hạ”, ông Nguyễn Văn Thịu chia sẻ.
Quả đúng như vậy, quãng đường từ bến Bèo đến Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng, khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Hai bên vách núi mơn mởn màu lá non mới nhú, thi thoảng chen lẫn một vài cụm hoa xuân nở sớm vươn mình đón ánh nắng mai. Tiếng chim hót líu lo hoà cùng tiếng sóng nước dịu dàng. Dưới làn nước trong vắt, lóng lánh, từng đàn cá nhỏ túm tụm như những dải lụa nhỏ phất phơ quấn quện chung quanh những mỏm đá ngầm.
Sau hơn nửa tiếng đồng hồ vòng vèo trong vịnh Lan Hạ, ca nô đưa chúng tôi vào một vụng nước được bao bọc bởi những dãy núi tiếp nối nhau như đáy giỏ. Đấy chính là Giỏ Cùng. Đón chúng tôi là anh Phạm Hồng Sơn - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm trạm, anh Sơn chia sẻ, Trạm kiểm lâm Giỏ được thành lập năm 2002, là trạm kiểm lâm nổi đầu tiên ở nước ta. Sau này còn còn thêm các trạm Ba Đình, Vạn Tà, Việt Hải (cùng thuộc VQG Cát Bà). Tên của trạm được đặt theo tên của vụng Giỏ Cùng - vụng biển có hình dáng như chiếc giỏ. Ban đầu trạm chỉ có 2 phòng rộng hơn 30m2, 1 làm phòng ngủ, 1 là nơi làm việc cùng căn bếp nhỏ. Sau này, anh em cơi nới, thêm thắt để có diện tích gần 200m2 như hiện nay. Trạm Giỏ Cùng phụ trách quản lý 3.109 ha rừng và mặt nước với 7 tuyến trên đảo, 3 tuyến dưới nước. Ngoài anh Sơn, trên Trạm Giỏ Cùng còn có 3 cán bộ khác.
Do nằm ở khu vực tận cùng của quần đảo Cát Bà, giáp ranh giữa TP Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh nên cuộc sống, sinh hoạt của các cán bộ kiểm lâm tại trạm khá vất vả. Để có lương thực, thực phẩm, nước uống, nước ngọt dùng cho sinh hoạt, mỗi tuần 3 lần, Trạm cắt cử anh em luân phiên vào chợ Cát Bà.
Ở trạm, ngoài rau xanh thì nước ngọt cũng là một thứ “xa xỉ”. Theo quy định, tiêu chuẩn mỗi người 1 tháng chỉ có 1,5 m3 nước ngọt. Vì thế, mọi người không ai bảo ai, tắm, giặt bằng nước biển rồi chỉ dám tráng qua chút nước ngọt để tiết kiệm đến mức tối đa. Mùa khô thì tắm trước bằng nước biển, sau đó ngồi chậu rồi dội ca nước ngọt vừa đủ để trôi muối đọng trên da. Sau đó lấy nước này để tưới cây.
Không chỉ có nước ngọt, ở trạm Giỏ Cùng, sóng điện thoại được coi là một thứ “quý giá”. Do xa đất liền, lại bị những ngọn núi cao bao quanh, sóng điện thoại di động tại Giỏ Cùng rất chập chờn. Muốn liên lạc được với đất liền, các cán bộ kiểm lâm phải "chắt sóng" bằng cách cho điện thoại vào các lọ nhựa để cố định.
Xuân về nơi Giỏ Cùng
Ở lại Giỏ Cùng một đêm, chúng tôi cùng các kiểm lâm viên nấu cơm ăn. Bữa cơm đạm bạc chỉ với rau và cá vừa tranh thủ câu dưới biển. Sau bữa cơm giữa khơi xa, chúng tôi được nghe các cán bộ trạm kiểm lâm kể chuyện đón c tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nơi đảo xa.
Ăn Tết ở Giỏ Cùng không khác mấy so với đất liền, cũng đủ cả bánh chưng, giò xào, dưa hành, thịt kho đông… Chỉ khác là “vắng” người. Theo quy định, 1/2 lực lượng được nghỉ Tết Nguyên đán đến hết mồng 5, còn lại thường trực tại Trạm để bảo vệ rừng, biển.
“Thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Cát Bà được bảo vệ nghiêm ngặt, ngày bình thường đã vốn ít người tới thăm hay qua lại, ngày Tết lại chẳng có ai. Có chăng chỉ có đàn voọc tinh quái cùng bầy khỉ nghịch ngợm thi thoảng lại tìm đến vách đá gần trạm để nô đùa. Nhưng ở lâu rồi cũng quen. Dù khó khăn, vất vả đến mấy nhưng chúng tôi là những chiến sĩ bảo vệ rừng biển. Tạm gác niềm vui sum vầy bên gia đình, niềm vui lớn nhất đối với chúng tôi là rừng biển luôn yên bình”, anh Sơn vừa cười, vừa nói.
Những ngày Tết Nguyên đán đang cận kề, trước Trạm kiểm lâm Giỏ cùng, cành đào đá Cát Bà đã bắt đầu nở rộ, cây quất vàng rực rỡ cùng đón gió xuân. Đặc biệt, từ năm 2021, trạm được trang bị ti vi bắt sóng vệ tinh nên từ đó đến nay, cứ đến giao thừa, anh em trong trạm lại quây quần bên chiếc ti vi để cùng nhau nghe lời chúc Tết và hoà chung không khí chào năm mới của cả nước.
“Vừa qua, anh em trong trạm đã quyết định kéo dịch Trạm vào gần khu vực Trạm phát sóng viễn thông ở xã Việt Hải để bắt sóng điện thoại di động, sóng 4G. Vậy là, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, anh em trực trạm có thể gọi điện thoại di động, lướt web thoải mái, nhất là gọi video call chúc Tết các thành viên trong gia đình và bạn bè”, một cán bộ Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng háo hức cho biết.
Sau câu chuyện lúc đêm khuya, chúng tôi chìm sâu vào giấc ngủ. Sáng sớm, cả trạm bị đánh thức bởi tiếng chim muông líu lo khắp núi rừng.
Thêm một mùa xuân mới đang về. Trong không khí chuẩn bị đón một mùa xuân mới, chúng tôi chia tay những người làm nhiệm vụ tại Trạm Giỏ Cùng. Ngồi trên chiếc ca nô trở về đất liền, trong lòng chúng tôi đầy cảm phục các cán bộ kiểm lâm đã luôn xem “Trạm là nhà, rừng biển là quê hương”, ngày đêm bám biển gác rừng để bảo vệ yên bình mỗi vạt rừng, từng vụng biển.
Có thể bạn quan tâm