CẢM XÚC XUÂN: Tranh Hàng Trống và thú chơi tranh ngày Tết của người Hà Nội

GS.TS TRƯƠNG QUỐC BÌNH - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 04/02/2022 03:02

Từ xa xưa, thú chơi tranh Hàng Trống của người Hà thành là một nét văn hóa, một phong tục đẹp, đặc biệt khi mỗi dịp tết đến xuân về.

>>CẢM XÚC XUÂN: Nhớ mùi bùn non sớm Xuân nay...

Từ xa xưa, thú chơi tranh Hàng Trống của người Hà thành là một nét văn hóa, một phong tục đẹp, đặc biệt khi mỗi dịp tết đến xuân về. Tranh Hàng Trống có giai đoạn phát triển cực thịnh trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, từng trở thành một phần không thể thiếu trong không gian ngày tết cổ truyền của người Hà thành. Từ thể loại tranh thờ, với những giá trị tâm linh, hay tranh chúc tụng thể hiện những ước mong về một năm mới tốt đẹp hơn, với sự đa dạng trong thể loại, tinh tế ở kỹ thuật tạo hình, tranh Hàng Trống đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa truyền thống, tạo nên cốt cách riêng trong thị hiếu của người kinh kỳ và là bộ phận không thể tách rời của tranh dân gian Việt Nam.

Tranh Hàng Trống - nét đẹp truyền thống của người Hà Nội

Tranh Hàng Trống - nét đẹp truyền thống của người Hà Nội

Nét văn hoá độc đáo của người Hà thành

Dù còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong các tác phẩm tranh Hàng Trống, nhưng tranh Hàng Trống thực tế đã tồn tại như một tất yếu của lịch sử, để lại nhiều tác phẩm đẹp, Tố nữTứ quýLý ngư vọng nguyệtNgũ hổTứ bình… Những tác phẩm này đến nay vẫn được người Việt Nam nói chung và người sống ở Hà Nội nói riêng ưa chuộng, được giới yêu tranh, những nhà sưu tập, nghiên cứu trong nước và quốc tế lưu giữ và tìm kiếm.

Nét riêng, độc đáo đầu tiên của tranh Hàng Trống so với các dòng tranh dân gian khác chính là kỹ thuật làm tranh. Không như tranh dân gian Đông Hồ, hoàn toàn sử dụng các ván khắc hình và màu, các nghệ nhân làm tranh Hàng Trống chỉ dùng bản khắc nét (ván khắc nét được làm bằng gỗ mềm, lồng mực hoặc gỗ thị). Công đoạn vẽ màu được thực hiện sau khi in bản nét. Màu in nét và màu vẽ được chế từ những chất liệu có sẵn trong tự nhiên như màu đen được làm từ tro rơm nếp hay tro lá tre được đốt và ủ kỹ, màu vàng từ hoa hòe, màu đỏ, nâu từ khoáng thạch. Màu sắc chủ đạo trong tranh Hàng Trống thường là lam, hồng đôi khi có thêm lục, đỏ, da cam, vàng…

>>CẢM XÚC XUÂN: Xa nhà, lại nhớ Tết quê xưa!

Tuy nhiên, tỷ lệ tạo màu không theo một công thức chuẩn mà chỉ để cho thật thuận mắt và ưa nhìn. Khi vẽ màu, các nghệ nhân dùng một nửa ngọn bút chấm màu còn nửa kia chấm nước, khi ngòi bút lướt trên mặt tranh thì sự chuyển đổi đậm nhạt ngay trên một ngòi bút đã hiện ra tinh tế và hiệu quả. Đó cũng là điểm nhấn khác biệt của tranh Hàng Trống so với các dòng tranh dân gian khác, bởi tuy cùng một bản khắc nét, nhưng các tác phẩm sẽ luôn khác biệt vì phụ thuộc trực tiếp vào sự tinh tế, khéo léo và tay nghề của từng nghệ nhân.

Tranh dân gian Hàng Trống: Tranh Hương Chủ và câu đối Phúc-Thọ

Tranh dân gian Hàng Trống: Tranh Hương Chủ và câu đối Phúc-Thọ

>>CẢM XÚC XUÂN: Thềm nhà ngày Tết

Đối với tranh Hàng Trống, công đoạn bồi giấy cho tranh cũng là một kỹ thuật cần tới sự thành thục, khéo léo. Tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của từng bức tranh mà có tranh chỉ bồi một lớp, có tranh lại phải bồi đến 2 hay 3 lớp giấy cho cứng cáp, có khi cầu kỳ hơn là phải bồi cả bo tranh. Kỹ thuật bồi giấy cho tranh phải bảo đảm yêu cầu sau khi bồi, giấy tuyệt không có vết nhăn và chỉ khi hồ đã khô thì mới có thể vẽ màu lại. Do các công đoạn kỹ thuật chặt chẽ và cầu kỳ như vậy nên có khi phải mất 3 – 4 ngày, nghệ nhân mới hoàn thành một tác phẩm.

Khác với tranh Đông Hồ được in trên giấy dó quét nền điệp cùng kích thước tranh nhỏ, tranh Hàng Trống được in trên giấy dó hoặc giấy báo khổ rộng, nền trơn. Bởi tính chất chỉ in bản nét nên dòng tranh này còn có những tranh bộ được thể hiện với khổ to và dài, bồi dày dặn, hai đầu trên dưới của tranh được lồng suốt trục để tiện cho việc treo, phù hợp với không gian kiến trúc nhà cao, cửa rộng nơi thành thị.

Tranh Hàng Trống thể hiện và phản ánh những nội dung đa dạng với nhiều chủ đề, thể loại phong phú. Tuy nhiên tựu trung lại có thể chia thành 2 thể loại chính là tranh thờ và tranh tết. Tranh thờ được dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng, phục vụ nhu cầu thờ cúng trong các điện, miếu. Đây là thể loại mà tranh Hàng Trống đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Tranh thờ mang màu sắc tôn giáo, hình tượng được thể hiện là con người và vật, tuy gần gũi mà vẫn rất thần bí. Tiêu biểu hơn cả trong đó có lẽ là những tranh liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt như tranh vẽ về tứ phủ, tam phủ, vẽ các bà Mẫu Thoải, Thượng Thiên, Thượng Ngàn, các thần tướng Bạch Hổ, Hắc Hổ hay Ngũ Hổ, các đức thánh Trần, ông Hoàng, cậu Quân…

Về hình tượng hổ trong tranh dân gian Hàng Trống

Trong các tác phẩm đặc sắc của tranh Hàng Trống, không thể không nói đến các tranh vẽ về hổ trong thể loại tranh thờ. Xích hổBạch hổNgũ hổ… đã đạt được thành tựu cao trong giá trị tạo hình. Mặc dù là tranh thờ nhưng các nghệ nhân đã gợi tả được nét sống động của loài hổ. Từ những dáng hổ ngồi, hổ đứng, hổ đằng vân, những ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt của từng chú hổ đều toát lên sức sống mãnh liệt, nét dữ dằn, hoang dại và quyền uy của vị chúa sơn lâm. Ví như bức Ngũ hổ, thể hiện năm chú hổ với tư thế và màu sắc khác nhau, năm chú hổ là năm màu được vẽ theo quan niệm về màu sắc trong ngũ hành. Bố cục tranh được thể hiện theo lối đơn tuyến bình đồ, không theo quy luật xa gần của thị giác, nhưng bằng đường nét mềm mại, cùng cách tạo hình mang tính trang trí cao, hình tượng hổ trong tranh được thể hiện hết sức sống động. Bức tranh không chỉ thể hiện trọn vẹn sự uy nghi của một vật linh mà còn chứa đựng cả những khía cạnh thẩm mỹ của thế tục, tràn đầy nhựa sống, biến tác phẩm tranh thờ thành tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

>>CẢM XÚC XUÂN: Nhà Hùm đón tết

Bức

Bức "Ngũ hổ" trong tranh dân gian Hàng Trống

Ở bức Ngũ hổ, hình tượng của 5 con hổ được bố cục cân đối trên mặt giấy. Mỗi con một dáng vẻ: Con thì đứng, con thì ngồi, con cưỡi mây lướt gió…Từ những dáng hổ ngồi, hổ đứng, hổ cưỡi mây đến những ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt, cùng khí thế toàn thân đều toát lên sức sống mãnh liệt của loài “chúa sơn lâm”.

Để thổi hồn cho bức tranh, các nghệ nhân đặc biệt chú ý phối màu khi vẽ tranh ngũ hổ. Màu sắc trong tranh cũng phải lộng lẫy, uy linh, giống với những bức tranh khác của dòng tranh Hàng Trống, ngũ hổ được tạo bởi bản in những nét màu đen, sau đó người thợ sẽ dùng bút lông để tô màu. 5 con hổ với những màu sắc khu biệt, rõ ràng nhưng lại rất uyển chuyển. Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân đã vờn chuyển màu, tạo độ đậm, nhạt, sáng, tối khác nhau. Vì vậy khi nhìn bức tranh ngũ hổ, người xem sẽ cảm nhận được những khối thân chắc khỏe, những dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong đặc biệt, những chiếc đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn vồng lên để đập xuống đất mà bật chồm lên của những chúa sơn lâm. Những con mắt hổ như hừng hực nội lực của loài mãnh chúa.

Bằng nghệ thuật ước lệ, tượng trưng, qua ngũ hổ, các nghệ nhân muốn phản ánh những thông điệp huyền bí mang tín ngưỡng dân gian. Từ ánh mắt, hướng quay mặt, từ cách đặt chân của 5 con hổ trong tranh đều mang những thông điệp theo thuyết ngũ hành. Bức tranh hội đủ 5 sắc màu tượng trưng của ngũ hành, tương ứng với từng thế, dáng của hổ. Ngồi uy nghi giữa tranh là ông hổ màu vàng, xung quanh là 4 ông với 4 màu sắc khác nhau, đỏ, xanh, trắng, đen. Theo thuyết Âm dương Ngũ hành thì hành thổ là sự quy tàng của bốn hành kia trong chu kỳ vận động của Ngũ hành. Đó là nguyên nhân cho việc tạo màu trong tranh thờ ngũ hổ, là nguyên nhân để hổ vàng đứng giữa và lớn hơn cả. Việc bố trí màu sắc của từng con hổ xung quanh hổ vàng cũng không phải là vô tình. Nếu như trong tranh ngũ hổ của làng tranh Đông Hồ, màu sắc của 5 con hổ được bố trí theo quan hệ tương khắc, thì ngũ hổ của Hàng Trống lại thể hiện sự tương sinh giữa các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Trên đầu hổ vàng, dưới mặt trời đỏ rực rỡ có 7 chấm trắng là hình tượng của chòm đại hùng tinh. Chân hổ vàng trấn lên một miếng phù có ghi “pháp đại uy nỗ”. Hai bên hổ vàng: bên phải có 5 thanh kiếm, bên trái có 5 lá cờ lệnh. Hình ảnh của cờ lệnh và kiếm trong tranh ngũ hổ thể hiện sức mạnh của thiên nhiên trong quy luật vận động của vũ trụ và sự tương tác với trái đất. Hỗ trợ cho khí phách của ngũ hổ là những đám mây vần vũ huyền ảo được vẽ ở phía trên và phía dưới là 2 tảng núi cách điệu đối xứng cho 2 ngài hổ đứng.

Tranh dân gian Hàng Trống còn lưu lại mãi trong tâm trí mỗi người Hà Nội yêu tranh. Ngày này do một số điều kiện chủ quan cũng như khách quan, tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng đang dần mai một. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Hà Nội nay chỉ được nghe tới loại tranh này mà chưa từng có dịp được thấy và được hiểu về những giá trị tinh thần của nó. Với chính sách của nhà nước ta hiện nay đang tập trung bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc, và còn những nghệ nhân có đôi bàn tay vàng, vẫn đang đau đáu với nghề, cố níu giữ lấy nghề của cha ông truyền lại.

Hy vọng tranh Hàng Trống sẽ không mất đi mà vẫn được duy trì và phát triển, để mãi lưu giữ được một nét tinh thần riêng có của chốn kinh kỳ ngàn năm cũng như một vốn cổ của dân tộc.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.

Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Có thể bạn quan tâm

  • CẢM XÚC XUÂN: Xa nhà, lại nhớ Tết quê xưa!

    05:00, 27/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Phiên chợ giáp Tết xưa

    00:00, 27/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Nhà Hùm đón tết

    05:26, 26/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Ẩm thực ngày Tết theo dòng thời cuộc

    04:02, 26/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Tết nay đã “nhạt”?

    03:00, 26/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Lô tô - Nhớ kỷ niệm một thời

    05:00, 25/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Xốn xang hương vị bánh chưng Bờ Đậu

    04:02, 25/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Tết đoàn viên, đâu ai muốn xa nhà

    04:00, 24/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Phút giao mùa

    04:00, 23/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Mong sau Tết được đến trường dạy và học trực tiếp

    03:00, 23/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Tết về nhớ vị nem rơm

    06:31, 22/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Đụng lợn ngày Tết

    05:00, 22/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Anh sắp về chưa?

    04:00, 21/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Bạn đã sống đúng nghĩa?

    05:00, 19/01/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Tết đơn giản trong suy nghĩ giản đơn

    05:00, 18/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CẢM XÚC XUÂN: Tranh Hàng Trống và thú chơi tranh ngày Tết của người Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO