Những ai lớn lên khi đất nước vừa bước vào thời kỳ đổi mới sẽ hiểu được những khó khăn chung của những tháng năm mà nhiều gia đình phải đối mặt với muôn vàn gian khó.
Gia đình tôi lúc bấy giờ cũng không ngoại lệ, cũng thường xuyên rau cháo qua ngày. Hình ảnh về một bữa cơm trắng được ăn no ngày đó với gia đình tôi là một thứ xa sỉ lắm. Ngay cả những ngày Tết thì anh em chúng tôi cũng không được có những bữa ăn đủ đầy…
Bây giờ, phần lớn các gia đình Việt Nam ta không còn phải suy nghĩ nhiều về chuyện kinh tế, về chuyện ăn uống, cỗ bàn ngày Tết. Cho dù cuộc sống chưa hẳn đã đủ đầy nhưng gia đình nào cũng luôn sắm sửa đủ đầy các hương vị ngày Tết. Con cháu trong nhà cũng mặc sức ăn uống no đủ, không phải dè dặt để dành. Nhớ lại Tết của mấy chục năm về trước mà nhiều khi nước mắt lưng chòng, ngậm ngùi thương cảm…
Sáng 30 Tết, mấy anh em chúng tôi cùng những người trong họ của mình ra đồng để mời ông bà về đón Tết. Những ngôi mộ tổ tiên được sửa sang lại, những cây nhang được đốt lên tỏa hương thơm ngào ngạt theo làn gió xuân bên cánh đồng lúa vừa được mọi người cấy xuống. Làng quê thật yên bình, tiết trời miền Bắc dù vẫn đang lành lạnh trong những làn mưa phùn đầu xuân nhưng lòng người ai cũng thấy ấm áp bởi tình gia đình, tình quê hương của mình.
Về đến nhà, nhìn mâm ngũ quả có nải chuối, quả bưởi được đan xen bởi những quả quýt đỏ vàng cùng gói bánh, gói trà trên bàn thờ tổ tiên, cùng mùi hương trầm ngan ngát đã thấy hương vị Tết tràn ngập của mọi gia đình. Mỗi người mỗi việc, ai cũng thấy hăng hái, tất bật cho ngày Tết. Sân, nhà như được sạch sẽ hơn, mọi người cũng nhân ái và yêu thương nhau nhiều hơn qua từng lời nói, tiếng cười.
Ngày Tết quê nghèo lúc bấy giờ dù vật chất thiếu thốn trăm bề nhưng bù lại luôn thắm đượm tình cảm. Tình cảm gia đình, xóm làng luôn chứa chan nghĩa tình. Ngày Tết chủ yếu gia đình, bè bạn được quây quần bên nhau, được nghe những lời chúc chân chất nhưng ấm tình chân thật, chuyện cỗ bàn đâu nhiều của ngon, vật lạ như bây giờ.
Còn nhớ, khi ấy gia đình tôi nghèo lắm, dù ngày Tết nhưng mâm cỗ rất đơn sơ, đạm bạc. Cha mẹ bảo để dành mâm cỗ tiếp khách, còn gia đình tôi thì vẫn ăn cơm tạm như ngày thường. Đến bữa tối nếu không có khách, hoặc khách ăn không hết, anh em tôi mới được đụng đũa đến mâm cỗ của gia đình mình. Mẹ tôi vẫn dặn: Nhà mình ăn gì cũng được, nghèo mãi rồi ăn như vậy cũng không sao, nhưng khách đến chơi Tết mà không có mâm cỗ mời nhau thì người ta khinh mình đi. Hiểu được hoàn cảnh gia đình nên anh em chúng tôi cũng không đòi hỏi gì hơn mà luôn vâng lời mẹ.
Anh em tôi lớn lên từ đói nghèo, lam lũ và từ những mùa xuân như thế. Nhưng chính từ tình yêu thương của cha mẹ mà tất cả trưởng thành, đều có công việc ổn định cho riêng mình. Khi trưởng thành, mỗi đứa đều có gia đình riêng, cuộc sống dù chưa khá giả so với bao người khác nhưng ngày Tết không còn phải lo chuyện đói cơm, thiếu áo như thuở xưa nữa.
Ngày Tết đến, cũng đủ đầy những thức ăn, đồ uống và dĩ nhiên những mâm cỗ ngày Tết không phải “để dành” để chờ khách như những năm xưa nữa. Ngày Tết, mâm cỗ được dọn ra, phải ép thì con cháu mới mới ăn được vài miếng lấy lệ.
Nhớ lại ngày xưa mà chạnh lòng cho mình và thương cha mẹ già nhiều hơn. Bởi, cả đời cha mẹ đã đói nghèo, lận đận đã vì con cái... Cả đời của cha mẹ đã rau cháo qua ngày, đã đón những mùa xuân với tất cả những lo toan, bộn bề, nhiều khi phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền đón Tết. Nhưng từ đói nghèo như thế mà cha mẹ luôn lo lắng cho tương lai của anh em chúng tôi, đã lo cho các con đủ đầy cùng chúng bạn, cả đời cha mẹ đã dành dụm để nuôi con ăn học nên người.
Xa quê, mỗi khi mùa xuân về, có lẽ trong tâm thức của những người tha phương đều nhớ về quê hương, nhớ về cha mẹ và người thân của mình bằng cả tấm lòng sâu nặng nhất. Nhớ về những tháng năm xưa cũ khi mà đất nước còn nghèo khó, còn đợi được phân phối cái áo, cái quần, hay vài lạng thịt, lạng cá ngày Tết. Giờ đây, mỗi khi nhắc lại cho con cháu nghe những câu chuyện cũ, chúng nó lại không tin đó là những câu chuyện mà cha mẹ chúng đã từng trải qua, đã từng sống và lớn lên trong những tháng ngày như thế.
Một mùa xuân nữa lại về, thêm một mùa xuân xa gia đình, thêm một mùa xuân ngậm ngùi nơi xứ người và thời điểm này lại bắt nhớ quê da diết, nhớ những cái Tết năm nào. Không ai sống bằng quá khứ, bằng hoài niệm của mình nhưng những quá khứ vẫn vẹn nguyên trong tôi bằng những mùa xuân xưa cũ.
Ôi, Tết quê xưa sao mà thân thương đến lạ, để bây giờ mãi dằng dặc nỗi nhớ quê…
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.
Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.
Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.
Trân trọng cảm ơn.