Khi mọi người đang đầm ấm bên gia đình đêm 30 thì đâu đó vẫn còn những người công nhân vệ sinh thầm lặng giữ cho thành phố sạch đẹp.
Nghĩ cũng lạ, sống đến gần này tuổi đầu nhưng hình như chưa bao giờ tôi ra khỏi nhà để đón giao thừa. Phần vì không thích những nơi đông đúc phần vì tôi thích ngủ hơn. Năm nay khi việc nhà đã tươm tất lại có sự gạ gẫm, rủ rê từ đám bạn, tôi đã đánh liều ra ngoài đường… để xem sao.
Khi chỉ còn chưa đầy 15 phút nữa là đến giao thừa, tôi mới xách xe để ra đường. Tôi đi không phải để chen chúc xem bắn pháo hoa, cũng không phải đi mua cành lộc về nhà mà tôi muốn cảm nhận phần còn sót lại sau thời khắc giao thừa.
Khi màn trình diễn pháo hoa đẹp mắt vừa dứt, tại khu vực Nhà hát lớn TP Hải Phòng, đã vắng lặng đến mức không ai nhận ra nơi đây vừa mới đây thôi còn đông nghìn nghịt người, đông đến mức muốn tìm một chỗ gửi xe cũng khó. Cái thứ duy nhất mà người ta có thể nhận thấy nơi đây đã từng có rất đông người, là những bãi rác lớn nhỏ, ngập tràn trên đường phố.
Lúc này khi mọi người đã vui vẻ về gia đình thì trên con đường đông đúc trước đó chỉ còn lại những người công nhân vệ sinh đường phố lặng lẽ với “tiếng chổi tre” xao xác, thô sơ. Họ, những người lao công, tay chổi tay xẻng. Rồi người quét, người hót, người đẩy xe, tất cả lao vào công việc với hi vọng xong sớm để cũng về sum vầy với gia đình.
Cô Ngô Thị Huệ cho biết, cô làm công việc dọn dẹp vệ sinh đường phố đến nay đã 17 - 18 năm và cũng từng ấy năm cô phải đón giao thừa ngoài đường. Cô kể, những năm đầu tiên mới đi làm, phải quét rác đêm 30 cô chạnh lòng ghê gớm, người ta đi chơi với gia đình con cái, còn mình thì giờ này vẫn chưa được về nhà. Nhưng rồi cũng quen. Các cô không làm thì làm gì có thành phố sạch đẹp vào sáng hôm sau.
"Năm nào cũng như năm nào, chúng tôi phải quét đến khi nào thành phố không còn rác, quét xong lại rửa đường. Hết tuyến đường này đến tuyến đường khác, phải đến 4 - 5 giờ sáng mồng 1 chúng tôi mới được về. Rồi lại tất bật với gia đình, chăm lo bếp núc, rồi lại chúc tết đôi bên họ hàng". - cô Huệ chia sẻ.
Cô Phạm Thị Phương cho biết, "để có thể thu gom rác thải và trả lại một Hải Phòng sạch, đẹp vào sáng hôm sau hàng trăm công nhân quét rác đã phải làm việc cận lực từ chập tối đến tận sáng. Cách đây 2, 3 ngày chúng tôi đã phải tăng ca để dọn dẹp tất cả rác của khu vực trung tâm. Và không chỉ giao thừa năm nay, những năm trước chúng tôi đều tăng ca đến sáng sớm mới dọn dẹp xong rác trong địa bàn của mình".
Có thể bạn quan tâm
05:00, 25/01/2020
00:00, 25/01/2020
15:00, 24/01/2020
12:00, 24/01/2020
09:01, 24/01/2020
11:00, 23/01/2020
03:05, 23/01/2020
15:00, 22/01/2020
11:00, 22/01/2020
11:00, 21/01/2020
Chẳng biết năm nay thời tiết thế nào, màn trình diễn pháo hoa vừa dứt chưa được bao lâu, công nhân vệ sinh đường phố chưa quét được bao con phố thì trời đổ mưa như trút nước. Cơn mưa khiến ai chưa kịp về nhà cũng phải tìm 1 chỗ để trú chân.
Nhưng nhìn sang bên đường, hình dáng những người lao công, mình đồng, da sắt mặc trên mình chiếc áo mưa dùng 1 lần mỏng tang dính chặt vào người vẫn đang miệt mài với công việc. Theo như các cô nói, chỉ cần chậm 1 giờ thôi, rác sẽ ùn ứ lại. Vì vậy các cô lại phải căng mình dưới cơn mưa, vừa lạnh vừa buốt tiếp tục dọn.
Dẫu biết rằng, xã hội phân công mỗi người một việc, “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” nhưng khi chứng kiến những người lao công đêm 30 quét rác dưới trời mưa tầm tã, trong lúc nhiều gia đình đang sum vầy bên nhau tôi bỗng thấy sống mũi mình cay cay.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2020. Bài vở xin gửi về hòm thư camxucxuan@dddn.com.vn. Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |