Cần bảo vệ hơn nữa quyền lợi cổ đông thiểu số

Ngọc Hà 07/01/2019 02:24

Để thu hút được các nhà đầu tư chất lượng cần phải tăng cường bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số hơn nữa để các nhà đầu tư này có thể yên tâm đầu tư một cách dài hạn.

Ông Koji Ito - Chủ tịch JCCI

Ông Koji Ito - Chủ tịch JCCI

Đó là chia sẻ của ông Koji Ito - Chủ tịch JCCI tại Việt Nam trong Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến hoạt động góp vốn, mua của phần của doanh nghiệp Nhật Bản tại các doanh nghiệp, tập đoàn có vốn nhà nước tại Việt Nam.

Theo đó, trong nhiều trường hợp các doanh nghiệp Nhật Bản đa phần vẫn là nhà đầu tư chiến lược, cổ đông thiểu số khi đầu tư vào các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Bởi tại những doanh nghiệp này, Chính phủ vẫn nắm giữ cổ phần chi phối theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Theo ông Koji Ito, trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp mục tiêu là công ty tư nhân, thì thông thường nhà đầu tư sẽ kí hợp đồng giữa các cổ đông với nhau. Trong đó, sẽ quy định các điều khoản nghiêm cấm nhà đầu tư bán cổ phần cho đối thủ cạnh tranh, hạn chế pha loãng cổ phiếu, quyền ưu tiên mua, quyền ưu tiên đàm phán khi bán cổ phiếu để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo đó, trong thời gian gần đây, có nhiều trường hợp, khi doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước thì các lợi ích này cũng bị giới hạn ở một mức độ nhất định.

Vì vậy, ông Koji Ito đề xuất, JCCI mong rằng Ủy ban quản lý vốn tập trung (CMSC) và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước với tư cách là cổ đông lớn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, từ nay về sau sẽ tăng cường các biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho các đối tác chiến lược là các nhà đầu tư thiểu số nước ngoài.

Đặc biệt, do việc bán vốn cổ phần của nhà nước bắt buộc phải thực hiện bằng hình thức đấu giá công khai theo quy định hiện hành, khi bán tiếp vốn cổ phần tại doanh nghiệp có vốn nhà nướcđược thực hiện bằng hình thức đấu giá công khai, nếu doanh nghiệp trúng đấu giá là đối thủ cạnh tranh của nhà đầu tư Nhật Bản đang đầu tư chiến lược tại doanh nghiệp đó thì sẽ gây thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư từ trước. Vì vậy, “JCCI khuyến nghị Chính phủ khẩn trương và thận trọng xem xét các giải pháp để không xảy ra tình trạng tương tự như vậy”, ông Koji Ito khẳng định.

Trong trường hợp nhóm doanh nghiệp cổ phần hoá không phải là doanh nghiệp nhà nước tốt, theo ông Koji Ito không nên vội vàng bán cổ phần cho nhiều nhà đầu tư ngay sau khi cổ phần hóa. Thay vào đó, cần phải thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao sức hấp dẫn đầu tư của những doanh nghiệp này. Bằng các biện pháp như: tăng cường quản trị doanh nghiệp, cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tổ chức lại công ty như tái cơ cấu, xử lý nợ quá hạn và cần có chính sách thúc đẩy hợp tác công tư để khơi dậy mong muốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng, để thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước và đạt được mục tiêu ban đầu, đóng góp thiết thực vào tài chính quốc gia, theo ông Koji Ito thì sự chỉ đạo kiên quyết của lãnh đạo nhà nước và cơ chế thực thi, giám sát của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần bảo vệ hơn nữa quyền lợi cổ đông thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO