Với việc Thụy Điển chuẩn bị gia nhập liên minh quân sự NATO theo sau Phần Lan, điều khiến Nga lo lắng không chỉ là trên đất liền, mà còn là vùng biển Baltic, nơi Hải quân Nga từng giành ưu thế.
Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong tuần này đánh dấu những bước tiến mới cho năng lực quân sự của khối. Đây là hội nghị đầu tiên Phần Lan góp mặt với tư cách là thành viên. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển - mở đường cho một sự thay đổi chiến lược trong vùng biển mà Moscow từng thống trị.
>>Quan hệ NATO - Ukraine sẽ thế nào sau thượng đỉnh Vilnius?
Ông Ulrike Franke, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, nhận định biển Baltic sẽ trở thành một địa bàn mà NATO chiếm ưu thế với sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển. Lý do chính nằm ở sức mạnh lực lượng hải quân và không quân của hai thành viên mới, được các chuyên gia cho rằng rất phù hợp cho NATO tăng cường kiểm soát vùng biển Baltic.
Thụy Điển hiện đang sở hữu tàu ngầm A19 HMS Gotland, được các chuyên gia đánh giá là loại hiện đại nhất, yên tĩnh và hiệu quả nhất ở vùng Baltic và biển Bắc. Đây là chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp Gotland, có động cơ đẩy không khí độc lập dưới dạng động cơ Stirling sử dụng oxy lỏng và diesel làm nhiên liệu đẩy.
Chưa kể tới các tàu lớp Stockholm hay Goteborg, Hải quân Thụy Điển nổi tiếng với sự cơ động và hoả lực mạnh, có thể đảm nhận các nhiệm vụ chống hạm, chống ngầm hoặc tuần tra. Cùng với đó, lực lượng không quân Thụy Điển cũng được trang bị các máy bay chiến đấu Saab JAS 39 Gripen được phát triển nội địa không kém cạnh so với các dòng chiến đấu cơ của Mỹ hay Pháp.
Với Phần Lan, Helsinki có một trong những kho vũ khí pháo binh và lực lượng trên bộ lớn nhất ở châu Âu - xếp trên cả các cường quốc như Pháp, Đức và Anh. Gần đây, Phần Lan đang tích cực đổi mới lực lượng không quân, với dự kiến khoảng 64 máy bay chiến đấu F-35 mới nhất do Mỹ sản xuất vào năm 2026.
Với hai quốc gia này, kết quả trên không phải tự nhiên mà có. Không giống như hầu hết các nước châu Âu, Phần Lan đã không ngừng chi tiêu cho quân đội sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Với Thụy Điển, dù có sự cắt giảm chi tiêu quốc phòng, nhưng Stockholm đã bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề an ninh. Năm 2017, nước này đã khôi phục nghĩa vụ quân sự, áp dụng cho cả nam và nữ. Chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây đã bắt đầu tăng trở lại, dù vẫn chưa được mục tiêu 2% GDP của NATO.
Một yếu tố quan trọng khác mà Thụy Điển và Phần Lan có thể đóng góp cho ưu thế của NATO tại vùng biển Baltic là cơ sở hạ tầng viễn thông 5G. Vốn nổi tiếng về công nghệ liên lạc với những cái tên như Nokia (Phần Lan), hay Ericsson (Thụy Điển), năng lực tương tác và kết nối của NATO sẽ gia tăng đáng kể trong các hoạt động trên biển.
Bên cạnh đó, khả năng tích hợp nhanh chóng giữa quân đội NATO và hai thành viên mới cũng là một thuận lợi. “Hai quốc gia này có thể tương tác với NATO, vận hành các hệ thống vũ khí theo tiêu chuẩn của NATO và tham gia các nhiệm vụ tập trận của khối. Đó là một trong những lý do tại sao họ có thể gia nhập NATO nhanh như vậy,” chuyên gia Camille Grand, cựu Trợ lý Tổng thư ký NATO, nhận xét.
Việc bổ sung quân đội Thụy Điển và Phần Lan vào NATO được trang bị tốt sẽ khiến Nga gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào trong khu vực, theo các chuyên gia. Tiềm lực bổ sung của NATO cộng với sự suy yếu của Nga khiến liên minh tự tin dần gia tăng quyền kiểm soát biển Baltic trước hạm đội Nga đặt gần St. Petersburg và ở vùng ngoại ô Kaliningrad.
“Bạn cần có đủ khả năng để bảo vệ lãnh thổ trong trường hợp xảy ra các vụ việc tương tự Crimea hoặc Ukraine”, ông Kristine Berzina, một chuyên gia của Quỹ Marshall Đức, nhận định và nhấn mạnh, với việc Phần Lan và Thụy Điển ở rất gần Kaliningrad của Nga, Moscow sẽ không thể sử dụng vùng biển này làm lợi thế chiến lược của mình được nữa.
Trong Chiến tranh Lạnh, chỉ có Đan Mạch và Đức ở rìa phía Tây của biển Baltic tham gia NATO. Các quốc gia trong vùng Baltic sau đó lần lượt gia nhập NATO từ năm 1999, dần thu hẹp quyền tiếp cận vùng biển chiến lược này của Nga.
>>Hai "ngã rẽ" cho Kiev hậu chiến sự Nga - Ukraine
Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO cũng có nghĩa là mở rộng sự hiện diện của liên minh ở Bắc Cực, một khu vực ngày càng chiến lược đối với cả Nga và Trung Quốc. Trong xu thế tách rời về năng lượng với Nga, Biển Baltic và Biển Bắc ngày càng giữ vị trí chiến lược với châu Âu với mạng lưới dày đặc các liên kết cơ sở hạ tầng quan trọng: cảng và nhà ga, đường ống dưới biển, cáp truyền tải điện và cáp viễn thông. Các chính phủ trong khu vực đang mở rộng cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi và đầu tư vào các đường dây truyền tải điện dưới biển mới.
Có thể bạn quan tâm
Nóng cuộc săn "kho báu" ngành công nghệ dưới đáy biển
04:00, 14/07/2023
Quan hệ NATO - Ukraine sẽ thế nào sau thượng đỉnh Vilnius?
04:00, 13/07/2023
NATO và "mô hình Đức" với Ukraine tại Thượng đỉnh Vilnius
05:00, 11/07/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ
04:30, 13/07/2023
Hậu binh biến của Wagner, Nga mất dần ảnh hưởng tại Thổ Nhĩ Kỳ?
04:30, 11/07/2023