Trong phiên thảo luận sáng nay (25/5), Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) đã chuyển tới Bộ Xây dựng 2 câu hỏi của cử tri và nhân dân liên quan trực tiếp tới các sai phạm của một số chủ đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng, trong thời gian qua công tác quản lý nhà chung cư còn lỏng lẻo, cơ quan chức năng không làm hết trách nhiệm khiến cư dân sống trong các toà nhà chung cư bị thua thiệt. Do đó Đại biểu Bộ đã chuyển tới Bộ Xây dựng 2 câu hỏi của cử tri và nhân dân: “Việc thanh tra toàn diện hoạt động của Ban Quản lý trong các nhà chung cư có được thực hiện? Khi nào Ban Quản trị các tòa nhà chung cư được thành lập?”
Có thể bạn quan tâm
20:38, 29/04/2018
17:38, 23/04/2018
16:45, 20/04/2018
11:41, 03/04/2018
Theo Đại biểu Bộ, việc phát triển nhà chung cư thương mại thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, cải thiện chất lượng nhà ở và môi trường sống, giúp tiết kiệm quỹ đất để phát triển nhà ở cho thế hệ sau.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà chung cư thương mại hiện nay còn lỏng lẻo, người dân sống tại chung cư bị thua thiệt về tài chính, bị chủ đầu tư chiếm đoạt quỹ bảo trì cũng như quyền sử dụng những phần sở hữu chung trong tòa nhà chung cư, đồng thời luôn bị đe dọa về tính mạng trước sự xuống cấp nhanh chóng của công trình. Không ít thang máy hỏng không được bảo trì kịp thời, phương tiện PCCC không được đầu tư hoặc có nhưng không bảo đảm chất lượng.
Đại biểu Bộ nhấn mạnh, thực trạng quản lý và sử dụng nhà chung cư đang tồn tại nhiều bất cập. Mặc dù theo quy định của Luật Nhà ở, chủ sở hữu nhà chung cư là chủ căn hộ trong nhà chung cư và chủ sở hữu phần diện tích khác trong tòa nhà. Tuy vậy, chủ sở hữu phần diện tích khác trong nhà chung cư thường là chủ đầu tư.
Thông thường, chủ đầu tư thường để từ 1-5 tầng trong tòa nhà chung cư làm văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, nhưng lại không tổ chức hội nghị cư dân nhà chung cư để bầu Ban Quản trị, họ không những không đóng góp 2% quỹ bảo trì theo đúng quy định đối với phần diện tích này mà còn sử dụng kinh phí đó vào mục đích khác.
Nhiều chủ đầu tư tự cho mình thực hiện quyền của Ban Quản trị chung cư như quyền quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, đề nghị cư dân thông qua mức giá dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư, ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành tòa nhà... Trong đó, quyền quản lý vận hành nhà chung cư và quản lý sử dụng quỹ bảo trì của chủ đầu tư có dấu hiệu cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong Bộ luật hình sự nhưng hiện nay chưa bị cơ quan nào xem xét, xử lý.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn sử dụng nhiều phần diện tích sử dụng chung của tòa để kinh doanh thu lợi.
Nhằm khắc phục những bất cập trên, Đại biểu Bộ đã đề nghị Chính phủ có biện pháp chấn chỉnh việc quản lý nhà chung cư, đồng thời chuyển tới Bộ Xây dựng 2 câu hỏi của cử tri và nhân dân: “Việc thanh tra toàn diện hoạt động của Ban Quản lý trong các nhà chung cư có được thực hiện? Khi nào Ban Quản trị các tòa nhà chung cư được thành lập?”
Đồng thời Đại biểu Bộ cũng đề xuất đề nghị Bộ Công an khởi tố một số chủ đầu tư nhà chung cư có hành vi cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản.