Doanh nghiệp

Cần cơ chế minh bạch cho phát triển dự án năng lượng tái tạo cấp bách

Thy Hằng 25/09/2024 10:45

Nếu không có các cơ chế rõ ràng, minh bạch và có thể hoàn vốn đầu tư, các chủ dự án sẽ không bao giờ dám triển khai thực sự.

Mới đây, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nhiều lần nhắc đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng giai đoạn năm 2026-2030 nếu loạt dự án nguồn điện lớn không kịp tiến độ đề ra của Quy hoạch điện VIII.

nang-luong-tai-tao-co-that-nhanh-nhieu-tot-re16006151958592.jpg
Theo Bộ Công Thương, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng giai đoạn năm 2026-2030 nếu loạt dự án nguồn điện lớn không kịp tiến độ đề ra của Quy hoạch điện VIII.

Trong đó, dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1 được xác định chậm tiến độ 3 năm; dự án nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 bị chậm nên đã phải bàn giao cho PVN; dự án Dung Quất 1 và 3 cũng bị chậm so với tiến độ dự kiến là 2023 và 2026.

Dự án thủy điện Ialy mở rộng được xác định chậm tiến độ 45 tháng so với Quy hoạch VII điều chỉnh; nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng phải xin điều chỉnh tiến độ vào năm 2025; thủy điện tích năng Bắc Ái chậm tiến độ khoảng 6 năm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, nguyên nhân chậm trễ triển khai đầu tư xây dựng nhiều nguồn điện là do khó khăn trong huy động nguồn vốn. Các dự án nguồn điện từ 800 - 1.000 MW đều cần vốn đầu tư hàng tỉ USD, hầu như chủ yếu dựa vào vay vốn nước ngoài. Đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khả năng thu hồi vốn chậm.

"Nếu không có các cơ chế rõ ràng, minh bạch và có thể hoàn vốn đầu tư, các chủ dự án sẽ không bao giờ dám triển khai thực sự", ông Tuấn nói.

Các vướng mắc khác ở quy định pháp luật hiện hành. Theo ông Tuấn, các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo còn chưa có định hướng lâu dài, nhiều chính sách còn bất cập.

Với điện gió ngoài khơi, do là loại hình nguồn mới, Việt Nam chưa có các quy định về khảo sát khu vực biển để triển khai. Đặc biệt, thị trường điện chậm triển khai; giá bán điện chưa theo kịp biến động của giá cả các yếu tố đầu vào, gây tâm lý không yên tâm với nhà đầu tư nguồn điện mới…

Cho rằng sự chậm trễ thời gian qua là bài học cho phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII, Lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị cấp thẩm quyền sớm ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển khẩn cấp. Lưu ý cho các dự án như: 2 chuỗi khí - điện là Lô B - Ô Môn (3.150 MW) và Cá Voi Xanh (3.750 MW); khoảng một nửa quy mô công suất điện gió ngoài khơi cần đưa vào đến năm 2030 (khoảng 3.000 MW); khoảng 3-4 dự án điện LNG với khoảng 6.000 MW trong Quy hoạch điện VIII.

"Các dự án trong quy mô trên được thực hiện với hình thức thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm để chọn hình thức phù hợp cho các dự án tiếp theo", ông Tuấn góp ý.

Cơ chế giá bán điện, theo ông Tuấn, cần được điều chỉnh linh hoạt, minh bạch và nhanh chóng theo các yếu tố đầu vào, là yếu tố cốt lõi quyết định cho phát triển thị trường điện thực sự cạnh tranh, thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời là động lực cho các nhà đầu tư nguồn điện mới.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần sớm cho nghiên cứu ban hành cơ chế dịch vụ phụ trợ hệ thống điện với các nguồn lưu trữ, linh hoạt để huy động nguồn lực đầu tư các loại hình này, đảm bảo huy động tỷ lệ cao và hiệu quả các nguồn NLTT trong cơ cấu nguồn.

Còn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NLTT, lãnh đạo Hiệp hội này kiến nghị Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế đấu thầu để địa phương chọn chủ đầu tư các dự án điện NLTT gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ rác thải. Từ đó chọn được các nhà thầu có đủ năng lực về vốn - tài chính.

Các dự án NLTT chuyển tiếp cần được sớm giải quyết dứt điểm, "không hợp thức cái sai", nhưng cần xử lý hợp lý, hợp tình để không lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời khai thông cho các dự án điện mới.

Nhận định các nguồn điện NLTT đã phát triển nhanh thời gian qua nhờ các chính sách ưu đãi, quy mô công suất khoảng 583 MW vào năm 2018 đã tăng lên 21.664 MW, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị sớm ban hành các chính sách phát triển nguồn điện NLTT, trong đó ưu tiên phát triển tại miền Bắc trong giai đoạn 2025-2027 để tăng cường nguồn cung.

Để làm được, theo EVN, cần hoàn thiện cơ chế giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, phát triển NLTT kết hợp pin tích trữ…

Về vấn đề này, mới đây, Bộ Công Thương cũng có công điện về việc tiếp tục quyết liệt triển khai, phát huy tinh thần trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện theo Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Công Thương nhận định, còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án nguồn điện, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch ngành điện với phương án phát triển điện lực tại các quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ các dự án, không đạt các mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện VIII.

Bản sao photo1685154113304-1685154113524588532429
Nguyên nhân chậm trễ triển khai đầu tư xây dựng nhiều nguồn điện là do khó khăn trong huy động nguồn vốn.

Việc này gây nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030, đe dọa an ninh năng lượng quốc gia.

Để đảm bảo an ninh cung ứng điện trong mọi tình huống và đáp ứng mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị địa phương đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư theo thẩm quyền đối với các dự án điện. Đặc biệt, những dự án điện lớn có thời gian triển khai dài.

Đối với các dự án đã được cấp phép triển khai, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết.

Trường hợp không thực hiện theo đúng cam kết, cần quyết liệt thu hồi giấy phép hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết thu hồi giấy phép theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng chủ đầu tư thiếu năng lực nhưng chây ì, chậm triển khai, ảnh hưởng tới cơ hội phát triển các nhà đầu tư có năng lực và tình hình cung ứng điện trong dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần cơ chế minh bạch cho phát triển dự án năng lượng tái tạo cấp bách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO