Ông Đặng Thái Sơn – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mức lãi suất mà ngân hàng thương mại cho vay 12 dự án yếu kém thuộc Bộ Công Thương hiện đang là “ưu đãi lớn nhất” so với các dự án khác.
Do vậy, để gỡ khó cho 12 dự án này Chính phủ cần ra một Nghị quyết cho phép các ngân hàng phân loại nợ và giữ nguyên nhóm nợ thì các dự án này mới có khả năng tiếp tục hoạt động.
Đề xuất cơ cấu lại nợ vay, khoanh và giãn nợ
Sau khi tiếp nhận 11/12 dự án, nhà máy từ Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, vấn đề trọng tâm nhất hiện nay, đó là những vướng mắc pháp lý để quyết toán hợp đồng cung cấp thiết bị và thi công( EPC) và cơ cấu lại các khoản nợ, trích giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất và xây dựng phương án thoái vốn.
Ông Nguyễn Phú Cường- Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), cho biết với 3 nhà máy sản xuất phân bón (đạm Ninh Bình, Dự án mở rộng sản xuất đạm Hà Bắc, Dự án DAP2 Lào Cai). Về tài chính, các dự án của Vinachem mặc dù đã tái hoạt động hiệu quả nhưng tiếp tục gặp khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh. Dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình dù hoạt động công suất lớn.
Tuy nhiên, Vinachem vẫn phải trả nợ thay cho các dự án, riêng đạm Ninh Bình là hơn 700 tỷ đồng từ đầu năm tới nay.
Trước tình hình không mấy cải thiện của các dự án thua lỗ, tập đoàn này đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các giải pháp đối với khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam(VDB) cho các dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai.
Cụ thể, kéo dài thời hạn vay của các Hợp đồng tín dụng thành 20 năm; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; không tính lãi quá hạn; cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án; lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau.
Trên thực tế, VDB đang mắc kẹt hàng chục nghìn tỷ đồng ở các dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công Thương. Riêng 2 dự án của Vinachem là Đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình , VDB đã cho vay tới hơn 8.000 tỷ đồng. Còn tại Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, VDB cũng cho vay hơn 1.100 tỷ đồng, Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất là 542 tỷ đồng. Để giải nguy cho các dự án, VDB cũng đề xuất giải pháp xử lý rủi ro của các dự án này theo hướng cơ cấu nợ vay, khoanh nợ vay, và xử lý tài sản bảo đảm.
Có thể bạn quan tâm
20:03, 06/09/2019
11:22, 23/07/2019
10:56, 14/07/2019
Mới đây VDB đã đề xuất giải pháp xử lý rủi ro với nhóm thực hiện cơ cấu nợ bao gồm dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc dư nợ đến hết tháng 12/2018 khoảng 3.946 tỷ đồng và dự án đầu tư xây dựng nhà máy số 2 dư nợ 1.729 tỷ đồng.
Giải bài toán vốn từ tín dụng?
Có thể nói, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho các dự án nghìn tỷ thua lỗ như đạm Ninh Bình, nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy đóng tàu Dung Quất,... trong đó có chính sách về tín dụng. Nhưng các chính sách này chỉ tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý vốn vay tại các ngân hàng thương mại, chưa có giải pháp đối với tín dụng đầu tư vay từ VDB.
VDB là ngân hàng 100% vốn nhà nước, đang trong giai đoạn tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Chính phủ. Tình hình tài chính hiện rất khó khăn, không có khả năng tự cân đối nguồn để bù đắp khi thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ cho các dự án yếu kém nêu trên của ngành Công Thương. Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị để bảo đảm thanh khoản cho ngân hàng, trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ đồng ý các phương án cơ cấu nợ, xử lý nợ cho các dự án thì ngân sách nhà nước phải bố trí bù đắp phần thiếu hụt tương ứng cho VDB.
Liên quan đến phần lãi suất ngân hàng thương mại cho vay các dự án này, ông Đặng Thái Sơn- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mức lãi suất mà ngân hàng thương mại cho vay các dự án yếu kém là “ưu đãi lớn nhất” so với các dự án, doanh nghiệp khác. “Đạm Ninh Bình có khoản lãi suất lưu động xuống còn 7%, trung bình là 8% nên ngân hàng thương mại gần như không có lãi. Đạm Hà Bắc là 6-7% lãi suất trung và dài hạn, do vậy các ngân hàng thương mại không thể hạ được thêm nữa. Do vậy cần phân loại nhóm nợ để tiếp tục cho vay, chỉ còn cách Chính phủ ra hẳn Nghị quyết cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án, nhà máy thì hy vọng mới triển khai được.
Trước tình thế này, trên "tinh thần còn nước còn tát", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính và NHNN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan về cung cấp tín dụng theo nguyên tắc thị trường, theo quy định của pháp luật về giãn nợ, khoanh nợ, phân loại nợ và xử lý các vướng mắc về tài sản đảm bảo để các dự án, nhà máy thua lỗ tiếp tục hoạt động để trả nợ vốn vay từ các tổ chức tín dụng…