Nếu EVN tiếp tục không có phương án để sử dụng hết điện từ nguồn điện tái tạo, mà chỉ đưa ra phương án cắt giảm sẽ gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
Sau việc cắt giảm hàng tỷ Kwh điện mặt trời, mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm điện gió ở mức cao. Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự kiến nguồn điện gió đưa vào vận hành thời gian tới sẽ đối mặt tình trạng sản xuất ra không bán được hết, có thể bị cắt giảm công suất ở mức cao. Cụ thể, EVN cảnh báo sản lượng cắt giảm mỗi tháng giai đoạn này có thể từ 350 - 400 triệu kWh.
Nếu nhiều điện gió cùng đóng điện, lượng cắt giảm còn cao hơn nữa. Trên thực tế, 113 dự án điện gió với tổng công suất hơn 6.000 MW đã được EVN ký hợp đồng mua bán điện, trong đó, 12 dự án với tổng công suất hơn 1.500 MW đã vận hành thương mại và 87 dự án với tổng công suất gần 4.500 MW sẽ hoàn thành trước ngày 31/10/2021. Ngoài ra, 14 dự án với tổng công suất hơn 1.000 MW không thể vận hành trước năm 2021, tất cả các chủ đầu tư các dự án này đang đối mặt với nguy cơ lỗ hàng ngàn tỷ đồng, lãng phí rất lớn về tài nguyên.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch Công ty cổ phần Bamboo capital cho biết “Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã khuyến khích và thu hút không ít doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển năng lượng sạch. Đây là động lực để phát triển kinh tế đất nước".
Tuy nhiên, vị doanh nghiệp này cũng cho biết, nếu EVN tiếp tục không có phương án để sử dụng hết điện từ nguồn điện tái tạo, mà chỉ đưa ra phương án cắt giảm hàng tỷ kWh của điện năng lượng tái tạo sẽ gây lãng phí tài nguyên quốc gia, gây tổn thất về kinh cho doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp với tư nhân. Điều này là chưa đúng với tinh thần nghị quyết 55 của Bộ Chính Trị.
Ông cũng cho rằng cần chính sách cho đầu tư tư nhân vào đầu tư hệ thống truyền tải điện thông minh Smart Grid. Đồng thời, cần cân đối các nguồn điện, tận dụng tối đa nguồn điện tái tạo, sớm đẩy nhanh phương án lưu trữ năng lượng. Có như vậy chúng ta sẽ không phải mua điện từ nước ngoài và cắt giảm bớt những nguồn điện từ hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.
Các chuyên gia năng lượng tái tạo nhận định rằng, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đang gây rất nhiều khó khăn cho việc mua các thiết bị điện gió, trong khi đó việc áp giá FIT rất cận ngày, dẫn đến doanh nghiệp đầu tư điện gió liên tục bị nhà cung cấp thiết bị ép giá, ép phải lựa chọn nhà thầu từ phía nhà cung cấp thiết bị. Doanh nghiệp điện gió đã khổ nay liên tục bị "dọa" cắt điện gió với cường độ cao, nhiều nhà đầu tư điện gió tiến thoái lưỡng nan, không lối thoát.
Chuyên gia năng lượng cho rằng muốn giải quyết được vấn đề này thì cần tập trung nâng cấp, giải quyết vấn đề công nghệ truyền tải điện, đầu tư công nghệ lưu trữ điện năng là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư điện tái tạo. Đồng thời cần sớm công bố quy hoạch Điện VIII và đặc biệt là đưa năng lượng tái tạo trở thành trọng điểm của phát triển điện quốc gia vào quy hoạch điện VIII.
Có thể bạn quan tâm
Nguyên nhân tiết giảm phát nguồn năng lượng tái tạo
04:00, 06/04/2021
Bộ Công Thương: Quy hoạch điện VIII ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo
03:30, 01/04/2021
Hệ thống điện quốc gia sẽ tăng chi phí do năng lượng tái tạo
04:00, 24/03/2021
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phát triển năng lượng tái tạo cần tính đến dự trữ điện
19:08, 11/03/2021