Cần công khai minh bạch công tác phòng chống tham nhũng

Hồng Hương 31/05/2018 10:18

Đó là một trong những nội dung tại phiên thảo luận sáng nay (31/5), về Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi).

Mọi cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập lần đầu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) (PCTN) có quy định mọi cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.

Đại biểu tại phiên thảo luận ngày 31/5

Đại biểu tại phiên thảo luận ngày 31/5

Theo đó, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, Luật PCTN hiện hành quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là cán bộ từ Phó phòng UBND cấp huyện và tương đương trở lên; một số cán bộ, công chức cấp xã, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Các đối tượng này có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng, bên cạnh các đối tượng kê khai theo Luật hiện hành, thì mở rộng đối với mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.

Đa số ý kiến UBTP tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, so với nhóm đối tượng giữ chức vụ từ Giám đốc sở trở lên hoặc những cán bộ, công chức, viên chức khác làm việc ở một số vị trí công tác trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao cần phải kiểm soát chặt chẽ thì trước mắt, để phù hợp với thực tế và khả thi, nhóm đối tượng cán bộ, công chức còn lại chỉ cần kiểm soát tài sản, thu nhập ở mức độ đơn giản hơn, với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi tài sản, thu nhập của họ có biến động từ 300 triệu đồng trở lên/1 năm hoặc khi có tố cáo, có dấu hiệu về việc kê khai không trung thực.

Về sự cần thiết phải xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, UBTP nhận thấy, đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do phạm tội, do vi phạm pháp luật mà có) thì tùy từng trường hợp, pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể để xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu hoặc tịch thu sung công…

Riêng đối với tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được về nguồn gốc thì đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định để xử lý, trong đó không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng người có nghĩa vụ kê khai cũng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp và Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Do đó, UBTP cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết.

Về phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, UBTP nhận thấy, về mặt pháp lý, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Nhà nước, do đó không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản do phạm tội tham nhũng mà có để tịch thu bằng biện pháp hình sự. Đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu PCTN, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Hôm nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

    Hôm nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

    06:02, 31/05/2018

  • TP HCM: Tham nhũng sẽ kìm hãm phát triển nếu không kịp thời chấn chỉnh

    TP HCM: Tham nhũng sẽ kìm hãm phát triển nếu không kịp thời chấn chỉnh

    01:55, 28/05/2018

  • Chua xót khi còn nhiều đại án tham nhũng, dự án thua lỗ nghìn tỷ

    Chua xót khi còn nhiều đại án tham nhũng, dự án thua lỗ nghìn tỷ

    09:42, 26/05/2018

  • Hà Nội: Cử tri mong quét sạch tham nhũng như quét giặc ngoại xâm

    Hà Nội: Cử tri mong quét sạch tham nhũng như quét giặc ngoại xâm

    12:10, 13/05/2018

Mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước

Báo cáo thẩm tra dự án Luật PCTN cũng đề cập mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước.

Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Theo UBTP, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đồng thời đây là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện…Do vậy, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng.

Cần công khai minh bạch công tác PCTN

Tại Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh , khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình làm việc thì cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tham nhũng đó thì phải báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp.

Chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng, người được báo cáo phải xử lý vụ việc theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, xử lý và thông báo cho người báo cáo biết; đối với vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày làm việc; trường hợp cần thiết thì quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng và bảo vệ người báo cáo.

Cán bộ, công chức, viên chức biết được hành vi tham nhũng mà không báo cáo, người nhận được báo cáo về dấu hiệu tham nhũng mà không xử lý thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần công khai minh bạch công tác phòng chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO