Hà Nội: Cử tri mong quét sạch tham nhũng như quét giặc ngoại xâm

Vân Du tổng hợp 13/05/2018 12:10

Tại cuộc tiếp xúc cử tri với Tổng Bí thư sáng 13/5, cử tri Trần Viết Hoàn mong Đảng, Nhà nước quyết tâm quét sạch tham nhũng như quét sạch giặc ngoại xâm.

Sáng 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội) để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc ngày 21/5.

Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri tại quận Ba Đình đã bày tỏ quan tâm của mình đến vấn đề chống tham nhũng mạnh mẽ trong thời gian qua và đề nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tiếp tục mạnh tay với tham nhũng, lấy lại niềm tin của dân với Đảng.

Tổng bí thư trò chuyện với cử tri sáng 13/5. Ảnh: Giang Huy

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri sáng 13/5. Ảnh: Giang Huy/VnE.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp của Tổng Thanh tra Chính phủ về vấn đề tẩu tán tài sản tham nhũng

    Giải pháp của Tổng Thanh tra Chính phủ về vấn đề tẩu tán tài sản tham nhũng

    11:00, 10/05/2018

  • Tiếp xúc cử tri tại Đà Nẵng: "Nóng" vấn đề tham nhũng, đánh thuế 45% tài sản bất minh

    11:48, 26/04/2018

  • Nảy sinh tình trạng tham nhũng thông qua việc đầu tư xây dựng

    10:07, 20/04/2018

  • 'Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm'

    20:48, 10/04/2018

“Chuyển lửa” về địa phương cách nào?

Cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) cho biết, nhân dân rất phấn khởi khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với Đảng chỉ ra cho dân biết những ông quan to, quan nhỏ đã bị lộ, vơ vét đục khoét ngân sách, tiền thuế của dân làm giàu bất chính... trong số những ông “quan tham” đã có người phải ra trước vành móng ngựa.

“Nhân dân rất tin tưởng khi nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ai nhụt chí thì đứng sang một bên để cho người khác làm. Đi liền với đó việc làm, quyết tâm của đồng chí nên đã đưa ra được xử lý hàng loạt các vụ án lớn”, cử tri Hoàn nhấn mạnh.

Tại buổi tiếp xúc, ông Trần Viết Hoàn đãbày tỏ những suy tư khi có những vụ việc liên quan đến cán bộ xảy ra từ lâu (từ năm 2009, 2010, có vụ từ 2003) nhưng đến nay mới bị phát giác và xử lý. Có cán bộ mắc những khuyết điểm rất nghiêm trọng nhưng vẫn được thăng tiến vào vị trí quyền lực, điển hình như Đinh La Thăng và một vài vị tướng công an. “Phải chăng có người chống lưng cho họ?” – ông Hoàn đặt câu hỏi và cho rằng công tác tổ chức cán bộ nói chung, việc bổ nhiệm cán bộ vào vị trí lãnh đạo, quản lý nói riêng có phần đã xem nhẹ, hời hợt 2 tiêu chí cần thiết đức và tài.

“Nhìn vào những vụ án, cán bộ bị xử lý kỷ luật thời gian qua cho thấy những người phạm tội phần lớn là những cán bộ có chức, có quyền ở Trung ương, địa phương, các ngành. Điều đó cho thấy mức độ “tham nhũng leo thang bậc cửa quyền””. -  Ông Hoàn đưa ra nhìn nhận.

Cho rằng “tham nhũng có sức tàn phá ghê sợ nhất, làm mất lòng tin của dân với Đảng", cử tri Hoàn kiến nghị Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư tiếp tục xử lý mạnh tay với tham nhũng, quyết tâm quét sạch tham nhũng như đã quét giặc ngoại xâm. Ông cũng bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước sớm thu hồi được tài sản tham nhũng bởi đó chính là những đồng tiền thuế của nhân dân.

Là người theo dõi xuyên suốt nội dung Hội nghị Trung ương 7 vừa diễn ra, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, Ba Đình) khẳng định, những việc làm của Trung ương trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xử lý cán bộ không vùng cấm đã đem lại niềm tin, niềm hy vọng cho cử tri. Đặc biệt, nhiều giải pháp về công tác cán bộ được đưa ra như bí thư cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương được cử tri hoan nghênh.

Bày tỏ băn khoăn về việc kê khai tài sản của cán bộ đã thực hiện nhiều năm nhưng hiệu quả rất thấp, chỉ đến khi báo chí phát hiện hoặc pháp luật rờ đến mới thấy các quan chức bằng quyền lực của mình đã chuyển hàng vạn mét vuông đất nông nghiệp thành đất thổ cư để xây dựng các trang trại, biệt phủ nguy nga, lộng lẫy…  Ông Thịnh cho rằng, cán bộ cần phải trong sạch, gương mẫu đi đầu; công bộc của dân phải có trách nhiệm giải trình nghiêm túc tiền, tài sản ở đâu ra chứ không phải theo kiểu “buôn chổi đót xây biệt phủ”; đồng thời phải có biện pháp quyết liệt trước hành động tẩu tán tài sản.

“Tôi đề nghị xem lại những quy định hiện hành không phù hợp hoặc dễ để cho các kẻ cơ hội lợi dụng và điều chỉnh”. – ông Thịnh đề nghị.

"Để chống tham nhũng thì chỉ Trung ương làm chưa đủ mà cần các địa phương vào cuộc. Vì sao trên nóng dưới lạnh và làm thế nào chuyển lửa về địa phương?", cử tri Thịnh đặt câu hỏi và bày tỏ mong muốn việc chống tham nhũng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ, mong tất cả địa phương cùng vào cuộc để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Có mặt tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Công Hoà (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm) cho rằng: Với Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần phải quy định chặt chẽ để ngăn chặn tham nhũng từ trong ý tưởng. Luật khẳng định tinh thần không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng, không tạo điều kiện để có tư tưởng “hoàng hôn nhiệm kỳ” và “hạ cánh an toàn”, xử lý nghiêm tham nhũng với mức án nặng, quy  trách nhiệm người đứng đầu, coi trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, không để đối tượng kịp tẩu tán tài sản.

Mong nhân dân tiếp tục ủng hộ

Tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thời gian qua các cơ quan chức năng làm được nhiều việc như vậy là có sự đồng thuận rất lớn từ nhân dân. “Nếu không có sự ủng hộ của nhân dân thì cuộc đấu tranh này không thành công” – Tổng Bí thư nhấn mạnh và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhân dân trong công cuộc chống tham nhũng trong thời gian tới.

Theo Tổng Bí thư, để phát triển đất nước thì không chỉ "chống" mà cơ bản, lâu dài là "xây". Chống rất quan trọng, cấp bách, nhưng "không cứ nhăm nhăm vào chống"; khi xảy ra tiêu cực thì chống, tuy nhiên xây để ngăn ngừa, răn đe; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực là tốt nhất, ai tay đã ít nhiều nhúng chàm thì sửa đi.

Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh thần của Đảng, Nhà nước đó là chống tham nhũng quyết liệt nhưng phải rất nhân văn. Mở đường cho người ta tiến chứ không phải vùi dập. “Lò nóng rực lên rồi, chúng ta phải kiên trì, quyết tâm chứ không bỏ dở giữa chừng, làm đến cùng nhưng phải có cách thức”.

“Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không phải cứ xử tử hình, chung thân mới tốt, điều quan trọng là người đó nhận ra sai lầm của mình, đặc biệt là thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có, không để thất thoát” - Tổng Bí thư nêu quan điểm đồng thời khẳng định, chống tham nhũng phải kết hợp với thực hiện các nghị quyết khác của Trung ương cho đồng bộ, cụ thể như kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cải cách tiền lương, cải cách bảo hiểm xã hội...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội: Cử tri mong quét sạch tham nhũng như quét giặc ngoại xâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO