Cần cuộc “cách mạng” về du lịch

GIA NGUYỄN 20/06/2024 02:00

Để cải thiện năng lực cạnh tranh, cần có một cuộc “cách mạng” thật sự về cách làm du lịch.

Để cải thiện năng lực cạnh tranh, du lịch Việt cần có các giải pháp đồng bộ, cùng với việc định vị lại cả về thương hiệu và sản phẩm du lịch, phù hợp xu hướng của khách, cũng nên bắt đầu từ việc cải thiện chỉ số hạ tầng…

Năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,4 lần năm 2022; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19; khách du lịch nội địa đạt 52,5 triệu lượt người; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 352,2 nghìn tỷ đồng…

Mặc dù đã và đang đạt được những kết quả tích cực, thế nhưng, Chỉ số Phát triển du lịch (TTDI) của Việt Nam năm 2023 chỉ xếp thứ 59, giảm 7 bậc so với năm 2022. Tổng điểm Việt Nam đạt được là 3,96/7, giảm 0,14% so với tổng điểm 4,1/8 vào năm 2022. Trong khối ASEAN, Việt Nam chỉ xếp trên Philippines (hạng 69), Campuchia (hạng 86) và Lào (hạng 91).

Có thể do nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả đã nêu, như giải thích từ Cục Du lịch Quốc gia, thế nhưng, đây cũng có thể được cho là hồi chuông cảnh tỉnh, du lịch Việt Nam cần nhìn vào để soi lại năng lực cạnh tranh thực tế. Cơ quan quản lý du lịch Việt Nam cần lắng nghe và tiếp tục khắc phục những hạn chế để giữ được sức hút với khách du lịch quốc tế. Muốn có giải pháp thật sự hiệu quả, phải dám nhìn thẳng vào kết quả và chấp nhận thực tế để tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp.

Thực tế những năm gần đây, cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam nói chung đều phát triển với sự xuất hiện của nhiều công trình tầm cỡ để phục vụ du khách trên khắp cả nước. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để xóa đi thực trạng, mỗi khi đến mùa du lịch vẫn tái diễn những “vết gợn” như: Hàng không quá tải, đường bộ kẹt cứng, cảng biển phục vụ du khách thiếu hụt trầm trọng,...

Chưa kể, số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn ở các địa phương đang tăng trưởng chậm, chưa tương xứng với lượng tăng trưởng du khách, hệ thống dừng nghỉ trên đường tới các địa điểm du lịch còn mang tính tự phát, chưa được quy hoạch đồng bộ,...

Đáng nói, nếu như trước dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đóng góp ước tính 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 5 triệu người trong các lĩnh vực phụ trợ của du lịch và liên ngành, thì sau dịch, mặc dù du lịch trên đà phục hồi rất lạc quan, nhưng sự đóng góp, tác động… vẫn còn rất khiêm tốn.

Để cải thiện năng lực cạnh tranh, cần có một cuộc “cách mạng” thật sự về cách làm du lịch. Trong đó, không chỉ định vị lại cả về thương hiệu và sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, phù hợp xu hướng của khách. Ngành du lịch cần thay đổi tư duy về quy hoạch và có tầm nhìn dài hạn để phát triển thêm các tour, các sản phẩm du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu du khách quanh năm, tăng thời gian lưu trú và khiến du khách quốc tế quay lại Việt Nam,… đặc biệt, cần khắc phục các hạn chế cố hữu và nên bắt đầu từ việc cải thiện chỉ số hạ tầng.

Có thể bạn quan tâm

  • Khai thác lợi thế phát triển du lịch tàu biển

    Khai thác lợi thế phát triển du lịch tàu biển

    01:02, 18/06/2024

  • Nâng kỳ vọng với du lịch Việt Nam năm 2025

    Nâng kỳ vọng với du lịch Việt Nam năm 2025

    01:00, 17/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần cuộc “cách mạng” về du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO