Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết: Cần xem xét, đánh giá lại từng đối tượng để có chính sách, chế độ đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, chúng ta cần có phụ cấp đặc biệt và áp dụng đồng nhất giữa các địa phương.
Thời gian qua, các chế độ chính sách đối với nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ y tế trực tiếp tham gia chống dịch, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vẫn là chưa đủ và cần có các bước cụ thể hơn để triển khai các chính sách hỗ trợ cán bộ y tế. Đây là việc làm cấp thiết giúp bảo đảm và củng cố đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là nhân lực y tế cơ sở trong bối cảnh mới hiện nay.
Tại tọa đàm "Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế", ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cơ chế chính sách của ngành y tế có 3 nút thắt lớn về thể chế cần phải tập trung tháo gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thoả đáng.
Thứ nhất, ngành y đào tạo dài hơn các ngành khác, nên cần phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài thì bảng lương, hệ số lương phải khác với ngành nghề đào tạo ngắn hơn.
Thứ hai, ngành y tế là ngành chăm lo cho sức khoẻ của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân. “Tại sao ngành y tế không cho áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang?”, ông Bùi Sĩ Lợi đặt câu hỏi. Đối với ngành y tế, vấn đề tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở những bệnh viện lớn được chuyển giao công nghệ thì được nhưng huyện, xã không có điều kiện thì làm sao tự chủ được, kể cả không có bệnh nhân.
Thứ ba, khi dịch bệnh, ngành y tế phải đương đầu chống dịch, nên cần có phụ cấp đặc biệt để khi biến cố xảy ra, chúng ta áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ về khó khăn lớn nhất đối với nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch: "Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, các y bác sĩ đã luôn cố gắng hết sức để điều trị và cứu chữa cho người bệnh. Tinh thần của các cán bộ, nhân viên y tế đã được đào tạo, rèn luyện nên không ai bỏ cuộc. Bên cạnh đó, mặc dù nguồn thu của bệnh viện sẽ giảm nhiều, nhưng các bác sĩ và nhân viên y tế luôn thấu hiểu cho ngành y tế và cho bệnh viện."
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề, từ 40-70% lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng khẩn trương và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập. "Tôi nghĩ đây là điều mà các cán bộ nhân viên y tế mong muốn đón nhận. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế". - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Về vấn đề này, cùng quan điểm với ông Bùi Sĩ Lợi, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết: "Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm và có nhiều chế độ đãi ngộ cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch, nhất là tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tuy nhiên, một trong những nút thắt phải kể đến đó là chế độ bảng lương, hệ số lương chưa phù hợp. Ngành y là một ngành đặc thù với thời gian đào tạo dài hơn các ngành khác nhưng khung lương lại thấp hơn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã đem đến nhiều hiểm nguy về sức khỏe cho các cán bộ y tế."
Theo đó, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng, cần xem xét, đánh giá lại từng đối tượng để có chính sách, chế độ đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, chúng ta cần có phụ cấp đặc biệt để khi biến cố xảy ra, chúng ta có thể triển khai áp dụng nhanh gọn và đồng nhất giữa các địa phương.
"Thời gian chống dịch quá dài đã khiến toàn bộ hệ thống y tế kiệt sức. Do đó, những vấn đề về chính sách đãi ngộ là vô cùng cấp thiết. Mặc dù các y bác sĩ luôn sẵn sàng với tinh thần cống hiến và hy sinh cho người bệnh, tuy nhiên, chúng ta cũng cần đảm bảo sức khỏe và đảm bảo cuộc sống cho "hậu phương" để các bác sĩ có thêm động lực, tinh thần làm việc." - PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
04:05, 23/02/2022
23:05, 22/02/2022
20:05, 21/02/2022
10:57, 21/02/2022