Trước diễn biến phức tạp của vấn nạn hàng giả đe dọa đến quyền lợi người tiêu dùng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, để bảo vệ thị trường, theo chuyên gia, cần đồng bộ giải pháp…
>> Hệ sinh thái chống giả của Vina CHG: Giải pháp chống hàng giả toàn diện
Theo thống kê, chỉ tính trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước phối hợp với lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 676 vụ vi phạm; xử phạt hành chính hơn 10 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu hơn 5 tỷ đồng. Mới đây, lực lượng QLTT chuyển cơ quan điều tra khởi tố 2 bị can trong vụ buôn bán hàng giả là thực phẩm trên các nền tảng mạng xã hội tại Hà Nội, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử (TMĐT) bền vững tại Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả nói trên còn chưa phản ánh được thực trạng vi phạm trên TMĐT. Các hành vi vi phạm trên không gian mạng, các sàn TMĐT diễn ra ngày càng tinh vi, gây ra khó khăn, thách thức đối với cơ quan chức năng, bảo vệ pháp luật.
Thực tế cho thấy, các đối tượng kinh doanh bán hàng giả, hàng nhái qua mạng thường có quy mô nhỏ lẻ (không có sẵn hàng hoặc cất giấu hàng ngay tại chỗ ở) nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Khó khăn nữa là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây, mà hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại, hoặc tại nhà riêng, sau đó các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh (mạng xã hội, các sàn TMĐT), hàng hóa sau đó được vận chuyển qua các công ty bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận tay người tiêu dùng.
>>Chống hàng gian, hàng giả - Bài cuối: Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Trước hiện trạng đã nêu, các chuyên gia cho rằng, để khắc phục bất cập hiện nay trong quản lý TMĐT, quan trọng nhất cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để đáp ứng tình hình thực tế, phục vụ tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên không gian mạng. Các lực lượng chức năng cần tích cực chủ động phối hợp, thực hiện rà soát nắm bắt thông tin phát hiện xử lý hoạt động vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa,…
Phải tập trung rà soát các quy định về pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi); cần yêu cầu bổ sung trách nhiệm của các chủ mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT. Bên cạnh đó, phải tăng cường quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán; giám sát hàng hóa lưu thông trên môi trường mạng nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong thời gian tới.
Theo ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, TMĐT đang phát triển mạnh mẽ, song rất nhiều người tiêu dùng gặp trở ngại khi mua sắm online. Đó là việc chất lượng hàng hóa kém hơn so với quảng cáo; giá cả thường cao hơn so với việc mua bán trực tiếp; chi phí vận chuyển cao; đặt hàng rắc rối; lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ; dịch vụ chăm sóc khách hàng kém...
“Trở ngại lớn nhất của người tiêu dùng trong mua sắm online đó là chất lượng hàng hóa. Nhiều khi đặt hàng xong, hàng nhận về khác xa so với hình ảnh quảng cáo”, ông Lê Đức Anh chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, cần áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong TMĐT để phòng chống hàng giả.
Còn theo bà Đỗ Thị Xuân Hương - Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay trên thị trường có rất nhiều giải pháp chống hàng giả, như dán tem chống hàng giả; công nghệ nhận diện bằng hình ảnh; truy vết hàng hóa; định danh người bán hàng. Trong đó dán tem chống hàng giả là giải pháp truyền thống phổ biến.
Tuy nhiên, TMĐT là kênh phân phối hàng hóa ngày càng phát triển, là môi trường thuận lợi cho việc kinh doanh hàng giả hàng nhái. Vì vậy cần có giải pháp truy vết hàng hóa, định danh người bán hiệu quả, tuy nhiên cần đảm bảo tính chính xác, “chống làm giả các công nghệ làm giả”; tính tiện lợi; tính hiệu quả về chi phí.
“Chính phủ cần ban hành các quy định tiêu chuẩn về truy vết hàng hóa, định danh người bán trên TMĐT; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai giải pháp. Người tiêu dùng cần điều chỉnh thói quen mua sắm, nâng cao ý thức cảnh giác, thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin về sản phẩm và người bán. Đối với bên kinh doanh vận chuyển, đảm bảo hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sản phẩm sau khi đóng gói phải sử dụng tem chống giả và phải định danh được người bán. Hàng hóa khi tham gia lưu thông phải đính kèm hóa đơn điện tử nhằm chống gian lận và thất thu thuế”, bà Đỗ Thị Xuân Hương đề xuất.
Được biết, để nâng cao công tác phòng chống hàng giả, tháng 3/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/2023/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 nhằm thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm hoạt động này được minh bạch, lành mạnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Để đề án nêu trên đạt hiệu quả cao, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới các lực lượng chức năng, chủ công là quản lý thị trường phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực phối hợp trong thanh kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Có thể bạn quan tâm
Hệ sinh thái chống giả của Vina CHG: Giải pháp chống hàng giả toàn diện
16:56, 13/12/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài cuối: Cần đồng bộ nhiều giải pháp
03:30, 09/12/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài 5: Ai đang “tiếp tay”?
03:30, 07/12/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài 4: Doanh nghiệp còn “thờ ơ”
03:20, 04/12/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài 3: Khó xử lý, vì đâu?
03:10, 03/12/2023