24h

Cần gỡ khó trong cải hoán tàu cá

Minh Huệ - Hiền Bùi 25/04/2025 00:30

Việc cải hoán, sửa chữa tàu cá nếu được đầu tư quy mô, hiện đại, được cho là một trong những yếu tố cần thiết để phát triển nghề cá góp phần phòng, chống IUU.

Thực trạng

Những năm qua, hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có sự phát triển vượt bậc, khi sản lượng khai thác năm sau đều cao hơn năm trước, số lượng tàu khai thác công suất lớn ngày càng nhiều... Để đáp ứng tốt điều kiện an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, ngư dân luôn ý thức tu sửa, nâng cấp, cải hoán tàu cá, góp phần phòng, chống khai thác thuỷ sản IUU.

1(1).jpg
Chiếc tàu cá vỏ gỗ đang được các xưởng thợ tại phường Hà An thực hiện ( Ảnh Báo Quảng Ninh)

Tuy nhiên qua điều tra, khảo sát gần đây của cơ quan chức năng cho thấy, hệ thống cơ sở đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá trên địa bàn tỉnh còn nhiều những khó khăn, tồn tại, rất cần sự chung tay tháo gỡ của nhiều cấp quản lý.

Quảng Ninh hiện có trên 6.000 tàu cá đang vận hành khai thác thuỷ sản trên các ngư trường trong và ngoài tỉnh, kéo theo nhu cầu về nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó có dịch vụ đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá.

Theo UBND Thị xã Quảng Yên: Địa phương là nơi có những xưởng đóng tàu lâu đời, bám ven các sông Bạch Đằng, sông Chanh, sông Hốt. Chủ các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền này đã phát triển kỹ thuật đóng mới, sửa chữa tàu cá từ những cánh buồm nâu của thời xa xưa cho đến những chiếc tàu gỗ, tàu sắt hiện đại thời nay. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, hiện nay số cơ sở còn trụ lại và được cấp phép hoạt động không nhiều, ước khoảng 30 cơ sở lớn nhỏ.

Được biết, để có đủ điều kiện cải hoán tàu cá, bên cạnh việc đủ chiều dài, công suất, ngư dân phải liên hệ với đơn vị chuyên thiết kế, cải hoán tàu cá. Sau khi có hồ sơ thiết kế được cơ sở đăng kiểm phê duyệt theo quy định, ngư dân phải gửi đơn yêu cầu sửa chữa, cải hoán đến Chi cục Thủy sản qua Trung tâm Hành chính công tỉnh. Qua quy trình xét duyệt của đơn vị có thẩm quyền, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ phê duyệt chấp thuận yêu cầu cải hoán tàu cá để chủ tàu thực hiện cải hoán. Trường hợp ngư dân tự ý cải hoán tàu cá, không có chấp thuận của cơ quan chức năng sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Để đảm bảo các tàu cá được cải hoán, đóng mới một cách an toàn, đảm bảo về chất lượng, tại Điều 63 Luật Thủy sản 2017 cũng quy định rõ các điều kiện đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, chủ một cơ sở đóng tàu của Quảng Yên chia sẻ: Cái khó khăn và cũng là vi phạm của chúng tôi nếu xét theo quy định hiện hành chủ yếu là việc mặt bằng, diện tích sản xuất không đủ, không đúng quy chuẩn, đồng thời nhà xưởng không nằm trong quy hoạch… Đây là những cái khó mà chính những người làm nghề chúng tôi nhận thức rất rõ và rất muốn khắc phục để có thể làm ăn lâu dài, tuy nhiên lại không dễ bởi còn vướng mắc rất nhiều thủ tục, trong đó có những thủ tục mà nhà nước không gỡ thì chúng tôi không thể khắc phục.

Chung tay gỡ

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền vươn khơi, bám biển dài ngày, việc tuân thủ các quy định về tu bổ, sửa chữa, cải hoán tàu cá là cần thiết. Có thể thấy thời gian qua nhiều địa phương thu hút nhiều dự án công nghiệp, đô thị lớn; quy hoạch phát triển kinh tế và không gian cũng chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Chính bởi vậy diện tích đất nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp bị thu hẹp, trong đó có diện tích của các xưởng đóng mới, sửa chữa tàu cá, nhường chỗ cho các dự án động lực.

3(1).jpg
Quảng Ninh hiện có trên 6.000 tàu cá đang vận hành khai thác thuỷ sản trên các ngư trường trong và ngoài tỉnh

Từ đây nhiều cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá bị thu hồi đất, hết thời hạn thuê đất nhưng không được cấp lại. Có nhiều những cơ sở đã hết hạn thời gian thuê đất hoặc còn thời hạn thuê đất nhưng đã có thông báo thu hồi đất. Một số cơ sở có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng là đất vườn trồng cây lâu năm vẫn chưa chuyển đổi sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp nhằm mục đích thực hiện việc xây dựng xưởng đóng mới, sửa chữa tàu cá. Từ thực trạng này dẫn đến nhiều cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá hoạt động tự phát, trái phép, chưa đủ điều kiện để được cấp phép cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá.

Tại một cuộc thanh tra mới đây do Sở NN&MT triển khai, cho thấy tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra 29 cơ sở đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá tại các địa phương Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Vân Đồn thì chỉ 9 cơ sở trong đó được cấp phép đủ điều kiện hoạt động, 20 cơ sở còn lại không đủ điều kiện để hoạt động.

Các lỗi vi phạm mà các cơ sở đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá mắc phải vẫn chủ yếu là đã hết hạn thời gian thuê đất hoặc còn thời hạn thuê đất nhưng đã có thông báo thu hồi đất; chưa chuyển đổi từ đất vườn trồng cây lâu năm sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; không có cầu trục đôi hoặc cầu trục đơn có tổng trọng tải tối thiểu 25 tấn; ghi chép chưa đầy đủ theo các biểu mẫu của tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng; chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh; không có hồ sơ về xử lý, thu gom rác thải, chất thải…

Riêng lỗi vi phạm về không có hồ sơ, hợp đồng, phương án xử lý, thu gom rác thải, chất thải từ các hoạt động đóng mới, sửa chữa tàu cá là vi phạm phổ biến mà các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá đều mắc phải.

Theo Sở NN&MT, lỗi vi phạm này đã chưa thực hiện đúng quy định về phân loại thu gom vận chuyển chôn lấp, đổ xử lý chất thải rắn thông thường theo quy định tại Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Điều 16 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ và vi phạm quy định tại Điều 15, Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

Từ thực trạng trên cho thấy các địa phương cần tăng cường quản lý quy hoạch và xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, không để phát sinh thêm tàu cá trên địa bàn mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, kiên quyết xử lý đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Ở góc độ khác, các địa phương cần bố trí địa điểm quy hoạch các cơ sở đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá đảm bảo thuận tiện cho các cơ sở yên tâm hoạt động ổn định lâu dài.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, nòng cốt là Sở NN&MT cần phối hợp với UBND các địa phương có biển hướng dẫn các chủ cơ sở thực hiện các thủ tục để việc hoạt động đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá đảm bảo qui định pháp luật. Hơn hết, chính các chủ các cơ sở đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá cần chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật phù hợp với loại hình đóng tàu (về quy hoạch, đất đai, thủy sản, vệ sinh môi trường...) đảm bảo theo quy định của pháp luật. Có như vậy Quảng Ninh mới phát triển nghề cá bền vững và giá trị cao, góp phần vào mục tiêu phòng, chống khai thác thuỷ sản IUU.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần gỡ khó trong cải hoán tàu cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO