Doanh nghiệp - Thị trường

Hải sản Bosa Vân Đồn: Tiên phong đưa sá sùng Quảng Ninh ra thế giới

Kim Dung - Vũ Phường 15/04/2025 12:22

Với khát vọng nâng tầm giá trị nông sản và tư duy hội nhập, sản phẩm sá sùng của Bosa Vân Đồn đã và đang góp phần khẳng định thương hiệu hải sản cao cấp Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Trong những năm gần đây, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo ra nhiều cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và đặc sản địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không nhiều doanh nghiệp có thể tận dụng tốt những cơ hội này, nhất là với những sản phẩm mang tính đặc thù vùng miền.

Giữa bối cảnh đó, Hải sản Bosa Vân Đồn – thương hiệu thuộc Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn nổi lên như một điểm sáng của tỉnh Quảng Ninh, với tầm nhìn chiến lược và khát vọng đưa đặc sản sá sùng vốn được coi là “vàng trắng” của biển cả Vân Đồn vươn tầm quốc tế.

ảnh bài 1
Các sản phẩm cao cấp của Hải sản Bosa Vân Đồn – thương hiệu của Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn

Thị trường Thái Lan: Cơ hội lớn cho đặc sản Việt

Thái Lan từ lâu đã được xem là một trong những thị trường tiêu dùng và du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á. Với hơn 70 triệu dân, mức thu nhập trung bình khá cao và lượng khách du lịch quốc tế khổng lồ mỗi năm, quốc gia này là “mảnh đất màu mỡ” cho các mặt hàng nông sản và thực phẩm cao cấp. Đặc biệt, người Thái có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm gắn với giá trị bản địa, thiên nhiên, sức khỏe – điều hoàn toàn phù hợp với đặc tính của sá sùng Vân Đồn.

Theo ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn, hiện nay các sản phẩm của Thái Lan tràn ngập tại thị trường Việt Nam, từ nông sản đến đồ gia dụng, thực phẩm chức năng… trong khi các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, dù chất lượng không thua kém, lại rất hiếm xuất hiện ở thị trường Thái Lan. “Đó là điều khiến chúng tôi và Doanh Nhân Việt kiều Hồ Văn Lâm - Chủ tịch hiệp hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam trăn trở nhiều năm qua. Tại sao sá sùng – một đặc sản quý hiếm, bổ dưỡng, gắn với thương hiệu Quảng Ninh lại chưa từng hiện diện chính thức tại các siêu thị, nhà hàng cao cấp của Bangkok hay Chiang Mai?”, ông Tùng chia sẻ.

ghep.jpg
Ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh Nhân Thái Lan - Việt Nam và ông Phạm Quang Tùng (ảnh trái) mong muốn đưa sản phẩm sá sùng Vân Đồn vươn xa trên thị trường Thái Lan

Chính vì thế, Hải sản Bosa Vân Đồn của công ty Thanh Tùng đang xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường Thái Lan như một bước đi đầu tiên trong hành trình vươn ra thế giới. Công ty hướng đến việc không chỉ xuất khẩu nguyên liệu sá sùng thô, mà còn đa dạng hóa sản phẩm như sá sùng ăn liền, mắm sá sùng, ruốc sá sùng, với bao bì thiết kế hiện đại, phù hợp thị hiếu quốc tế.

Không chỉ có sá sùng, tỉnh Quảng Ninh còn sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu và tiềm năng như trà hoa vàng, ba kích tím, mật ong rừng Yên Tử, v.v. Tuy nhiên, sá sùng vẫn là sản phẩm được tỉnh đặc biệt quan tâm, bởi giá trị dinh dưỡng cao, hiếm có, và được khai thác ở một khu vực địa lý rất riêng biệt: vùng biển Vân Đồn.

Sá sùng Vân Đồn không chỉ là nguyên liệu quý trong chế biến thực phẩm mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Từ xa xưa, sá sùng được coi là sản vật tiến vua, thường dùng để nấu nước dùng phở, bổ sung khoáng chất, tăng cường sức khỏe. Đặc biệt, sá sùng Vân Đồn có vị ngọt đậm, dai giòn tự nhiên và hương thơm rất đặc trưng – điều mà sá sùng ở các vùng biển khác không thể sánh được.

PHẠM QUANG TÙNG

Nhận thấy tiềm năng đó, tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng đề án phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đặc hữu địa phương, trong đó sá sùng là một trong những sản phẩm chủ lực. “Chúng tôi mong rằng tỉnh sẽ có những chính sách rõ ràng, ưu tiên đầu tư hạ tầng, xúc tiến thương mại, và hỗ trợ khoa học công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng cho sá sùng. Đây không chỉ là lợi ích riêng của doanh nghiệp, mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng biển”, ông Phạm Quang Tùng nhận định.

Thanh Tùng Vân Đồn – Tiên phong chế biến sâu đặc sản sá sùng

Tại Quảng Ninh hiện nay, không nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản vào chế biến sâu các sản phẩm từ sá sùng. Phần lớn hoạt động thu mua và chế biến vẫn ở mức độ thủ công, nhỏ lẻ. Trong bối cảnh đó, Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn đã tiên phong nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ sá sùng. Trong đó, sản phẩm Mắm sá sùng được lên men tự nhiên, giàu axit amin và khoáng chất, mang lại hương vị đậm đà đặc trưng, phù hợp với khẩu vị người châu Á. Sản phẩm Ruốc sá sùng tiện dụng, dễ bảo quản, phù hợp với nhu cầu sử dụng nhanh tại các nhà hàng, khách sạn hoặc làm quà tặng.

Sản phẩm Sá sùng ăn liền là dòng sản phẩm cao cấp mới lạ, đang được tiêu thụ mạnh tại các quán bar, lounge và nhà hàng hạng sang, nơi thực khách ưa chuộng những món đặc biệt, quý hiếm.

Tất cả các sản phẩm trên đều được đóng gói theo tiêu chuẩn cao cấp với thương hiệu “Hải sản Bosa Vân Đồn”, được xây dựng như một biểu tượng mới cho hải sản cao cấp của Quảng Ninh.

Khát vọng mang hồn cốt Quảng Ninh ra thế giới

Một trong những khó khăn mà Thanh Tùng Vân Đồn đang gặp phải là việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất còn hạn chế, chủ yếu do chi phí đầu tư cao và thiếu các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Trong khi đó, để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kéo dài thời hạn sử dụng và giữ được hương vị tự nhiên của sá sùng, việc đầu tư vào công nghệ sấy lạnh, tiệt trùng, đóng gói chân không hay truy xuất nguồn gốc là điều bắt buộc.

z6468849938824_1e2dc128248ff8d2833db65a2cab6e51.jpg
Sản phẩm sá sùng của Bosa Vân Đồn được làm quà tặng đại biểu tại Hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch giữa Việt Nam với Đông Bắc Thái Lan tháng 3/2025

Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có chính sách cụ thể và hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản, đặc sản vùng miền. Trong đó, có các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sâu. Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại quốc tế, tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, hội chợ chuyên ngành tại các quốc gia tiềm năng như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ,…Ngoài ra, có chính sách truyền thông quốc gia để quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của Việt Nam ra thế giới.

“Chúng tôi có tiềm năng, có sản phẩm tốt, có câu chuyện hấp dẫn. Chúng tôi cần Nhà nước giúp mở đường, để tiếng nói và thương hiệu của sá sùng Vân Đồn không dừng lại ở tỉnh Quảng Ninh mà vang xa tới các bếp ăn, nhà hàng và cả trái tim người tiêu dùng quốc tế”, ông Phạm Quang Tùng nhấn mạnh.

Tầm nhìn của Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn không dừng lại ở việc xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, mà còn là xây dựng một biểu tượng văn hóa, thương hiệu quốc gia cho đặc sản Việt. Giống như khi nhắc tới “Champagne” là nhớ tới nước Pháp, hay “Kim chi” gắn liền với Hàn Quốc, ông Tùng tin tưởng rằng trong tương lai, mỗi khi nhắc đến Quảng Ninh, bạn bè quốc tế sẽ nhớ ngay đến “sá sùng Vân Đồn” – niềm tự hào của biển cả Việt Nam.

Với định hướng đúng đắn, sự tiên phong trong đổi mới sản phẩm, cùng khát vọng vươn ra thế giới, Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn đang dần khẳng định vai trò là một trong những lá cờ đầu trong phát triển nông sản giá trị cao tại Việt Nam. Hành trình này chắc chắn còn nhiều thách thức, nhưng với tâm huyết của người lãnh đạo và sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, tương lai cho sá sùng Quảng Ninh trên bản đồ thế giới là điều hoàn toàn khả thi.

Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn hiện là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Doanh nghiệp trẻ Việt Nam; Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh khóa III; Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Quảng Ninh; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kết nối sản phẩm tỉnh Quảng Ninh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải sản Bosa Vân Đồn: Tiên phong đưa sá sùng Quảng Ninh ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO