Bên cạnh những mặt tích cực, góp ý Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới, VCCI cho rằng, Dự thảo vẫn tồn tại một số quy định cần được làm rõ…
>> Một số quy định trong Dự thảo Thông tư về hoạt động điện lực còn chưa phù hợp
Theo đó, trả lời Công văn số 4382/NHNN-QLNH ngày 28/6/2022 của Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Dự thảo vẫn tồn tại một số quy định cần được làm rõ.
Cụ thể, theo VCCI, Dự thảo có một số quy định liên quan đến việc quy đổi tương đương giá trị tiền (ngoại tệ của nước có chung đường biên giới) như: Điều 4 Dự thảo quy định giá trị tiền quy đổi tương đương 20 triệu đồng; Điều 5 Dự thảo quy định giá trị tiền quy đổi tương đương 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, Dự thảo không quy định cụ thể về căn cứ để quy đổi giá trị này, chẳng hạn: tỷ giá quy đổi là tỷ giá do đại lý đổi tiền niêm yết hay tỷ giá do tổ chức tín dụng ủy quyền và đại lý thỏa thuận hay căn cứ nào khác?; tỷ giá quy đổi được xác định theo ngày nào (ngày thực hiện công việc hay thời điểm khác)?
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề này.
Bên cạnh đó, Điều 5.2 Dự thảo quy định đại lý đổi tiền được để lại một số lượng tiền nhất định của nước có chung đường biên giới nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh, gọi là mức tồn quỹ.
“Tuy nhiên, quy định này chưa làm rõ trong trường hợp đại lý đổi tiền ở xa, đi lại khó khăn mà không bán lại ngoại tệ cho tổ chức tín dụng vào cuối ngày (Điều 5.1 Dự thảo) thì mức tồn quỹ được hiểu và xác định như thế nào? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung này”, VCCI góp ý.
Cũng tại văn bản góp ý của mình, VCCI cho rằng, Điều 7 Dự thảo quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng ủy quyền, quy định này cần được xem xét ở một số nội dung như:
Thứ nhất, Điều 7.2 Dự thảo quy định tổ chức tín dụng ủy quyền có trách nhiệm tổ chức các lớp ngắn ngày để tập huấn cho nhân viên của đại lý đổi tiền. Không rõ các tổ chức tín dụng có bắt buộc phải tổ chức lớp học theo hình thức trực tiếp hay không? Hay có thể linh hoạt kết hợp giữa trực tiếp (offline) và trực tuyến (online) và bài giảng online? Lý do là vì một số nội dung như cách thức ghi chép sổ sách, kỹ năng thực hiện báo cáo… có thể được thực hiện trực tuyến mà vẫn đảm bảo được chất lượng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung trên.
>> Cần làm rõ một số quy định tại Dự thảo Thông tư sửa đổi các Thông tư về kiểm dịch
Thứ hai, Điều 7.4 Dự thảo quy định nếu đại lý đổi tiền có vi phạm quy định tại hợp đồng và quy định pháp luật, tổ chức tín dụng ủy quyền có trách nhiệm xử lý vi phạm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Theo VCCI, quy định này chưa thật sự hợp lý, vì việc xử lý do vi phạm trong thỏa thuận là quyền của tổ chức tín dụng, không phải là trách nhiệm. Tổ chức tín dụng có thể xử lý theo quy định trong hợp đồng, xử lý theo cách khác do các bên thỏa thuận hoặc không xử lý. Có thể suy đoán, trong mối quan hệ này, tổ chức tín dụng ủy quyền không chỉ là một bên trong quan hệ kinh tế, mà còn đóng vai trò giám sát hoạt động của đại lý đổi tiền.
“Tuy nhiên, việc giám sát và xử lý vi phạm chỉ nên áp dụng cho các hành vi liên quan đến nghiệp vụ, quy trình đổi tiền. Các vi phạm còn lại liên quan đến quan hệ kinh tế thì do hai bên tự thỏa thuận và tự xử lý tùy từng trường hợp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định cho phù hợp”, VCCI góp ý.
Thứ ba, Điều 7.5 Dự thảo quy định về trường hợp chấm dứt hợp đồng. Theo VCCI, trong trường hợp này, lượng ngoại tệ còn lại sau khi chấm dứt hợp đồng được xử lý như thế nào, đặc biệt trong trường hợp các bên không có quy định này trong hợp đồng?
Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề này.
Ngoài những góp ý đã nêu, về biểu mẫu báo cáo, Phụ lục 01 quy định về biểu mẫu báo cáo của đại lý đổi tiền. Tuy nhiên, Dự thảo đang yêu cầu doanh nghiệp thực hiện khai báo theo đơn vị USD (đơn vị: quy USD), vốn là không phù hợp do các doanh nghiệp chỉ giao dịch trong các loại VNĐ, CNY, LAK, KHR.
VCCI cho rằng, việc quy đổi sang VNĐ có thể sẽ phù hợp và dễ dàng quy đổi hơn cả cho các doanh nghiệp.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh nội dung theo hướng đơn vị quy đổi là VNĐ”, VCCI góp ý.
Có thể bạn quan tâm
Một số quy định trong Dự thảo Thông tư về hoạt động điện lực còn chưa phù hợp
03:30, 21/08/2022
Cần làm rõ một số quy định tại Dự thảo Thông tư sửa đổi các Thông tư về kiểm dịch
03:30, 12/06/2022
Một số quy định tại Dự thảo Thông tư về chứng thư số còn thiếu hợp lý
03:00, 24/03/2022
Còn quy định tại Dự thảo Thông tư quy hoạch băng tần cần được cân nhắc
04:00, 11/12/2021
Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch phù hợp thực tiễn
04:00, 09/11/2021