24h

Cần làm rõ nguyên tắc, áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Gia Nguyễn 22/11/2024 09:20

Thẩm tra Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị, cần làm rõ nguyên tắc, áp dụng ưu đãi thuế…

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 22/11, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

thue-thu-nhap-doanh-nghiep-22.11.1.1.jpg
Sáng 22/11, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) - Ảnh: Media Quốc hội

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long cho biết, việc ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước; đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, từ tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Dự án Luật (sửa đổi) cũng hướng tới sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định, dài hạn; thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành nghề và địa bàn cần khuyến khích đầu tư. Đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

thue-thu-nhap-doanh-nghiep-22.11.1.2.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long trình bày Tờ trình về Dự án Luật (sửa đổi) - Ảnh: Media Quốc hội

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, Dự án Luật (sửa đổi) lần này cũng bổ sung quy định về các nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với: trường hợp có nhiều văn bản cùng quy định; trường hợp doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi thuế khác nhau; áp dụng ưu đãi thuế theo tiêu chí địa bàn hay trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; trường hợp được bổ sung thêm vào diện ưu đãi khi pháp luật thay đổi; về kỳ tính thuế hưởng ưu đãi đầu tiên dưới 12 tháng; việc kế thừa các nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến ưu đãi thuế trong trường hợp doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi chủ sở hữu, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Quy định chi tiết về đối tượng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (ngành, nghề, địa bàn và các hoạt động được ưu đãi) trên cơ sở cơ bản kế thừa quy định pháp luật hiện hành nhưng có rà soát nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến chính sách ưu đãi thuế.

Cụ thể, không áp dụng ưu đãi đối với các ngành, nghề ưu đãi có tính trùng lắp, dàn trải như: tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, phát triển ngành nghề truyền thống, phát triển công nghệ sinh học, dự án sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, dự án đầu tư tại khu công nghiệp, dự án đầu tư tại khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung nhưng không phải là dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực công nghệ thông tin; Giảm mức ưu đãi của dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Bổ sung quy định chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với: Dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này; hoạt động báo chí khác (ngoài báo in)…

Về các trường hợp miễn, giảm thuế khác: Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện để được giảm thuế, mức giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số; bổ sung quy định giảm 50% số thuế phải nộp đối với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; bổ sung quy định miễn thuế 02 năm đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

thue-thu-nhap-doanh-nghiep-22.11.1.3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội – Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo Thẩm tra Dự án Luật này - Ảnh: Media Quốc hội

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội – Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và phù hợp với quá trình phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới.

Trong đó, tập trung một số mục tiêu như: Tháo gỡ bất cập, vướng mắc cho khu vực doanh nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế; Thể chế hoá các chủ trương của Đảng, Nhà nước về khuyến khích, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết các hạn chế, bất cập về ưu đãi thuế, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thu hút các nhà đầu tư quốc tế phù hợp xu hướng mới; Tạo môi trường pháp lý thống nhất và ổn định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại Luật này để bảo đảm tính nhất quán, rõ ràng và thuận lợi trong thực hiện.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này chưa giải quyết được tổng thể các vấn đề đặt ra để thu hút đầu tư một cách hiệu quả trong điều kiện mới. Hiện các nước trong khu vực cũng chưa có bước đi rõ ràng về các chính sách ưu đãi thuế trong bối cảnh “hậu thuế tối thiểu toàn cầu”, vì vậy, đề nghị cân nhắc thêm về lùi thời điểm sửa Luật này cho phù hợp.

Bên cạnh đó, thẩm tra về nguyên tắc, áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại Điều 12, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho hay, Dự thảo Luật hiện còn chưa thống nhất về phạm vi các ngành, lĩnh vực được hưởng ưu đãi so với quy định của Luật Đầu tư, một số luật chuyên ngành hiện hành và một số luật đang được Quốc hội thảo luận sẽ được ban hành trong thời gian tới…

Đồng thời đề nghị cần tiếp tục làm rõ, để quy định cụ thể hơn trong Luật một số vấn đề như: Tính phù hợp với quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể - trong trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng theo văn bản ban hành sau; và khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải đồng thời sửa đổi bổ sung bãi bỏ văn bản do mình đã ban hành trái với văn bản mới.

Hiệu lực thi hành của Điều 15, Điều 16 Luật Đầu tư hiện hành và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư với các Danh mục ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư đặc biệt và một số điều khoản ưu đãi tại các luật chuyên ngành.

Phương án giải quyết đối với các nội dung ưu đãi đầu tư đang được quy định tại một số Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội thông qua trong Kỳ họp này (Luật Dược, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Điện lực, Luật Di sản văn hoá,...) và việc áp dụng nguyên tắc ưu tiên áp dụng ưu đãi thuế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trong công tác xây dựng các luật chuyên ngành mới sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần làm rõ nguyên tắc, áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO