Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai chuyển đổi kép cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan, trong đó Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt.
Thực tế, sau những cam kết mạnh mẽ về Net Zero tại COP26 năm 2021 và cam kết lịch sử về chuyển đổi năng lượng tại COP28 năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn đang tiếp tục khẳng định sẽ hành động quyết liệt để giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng... Đồng hành với Chính phủ trong hành trình này, cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với nhiều hành động thiết thực, hiệu quả trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực, các phân ngành của nền kinh tế theo hai xu hướng chuyển đổi chính là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ xanh và số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết quả là gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, giảm lượng phát thải, chất thải, mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận xuất khẩu. Đơn cử, khi ngành dệt may thế giới yêu cầu doanh nghiệp nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì không được phép tiêu hủy, mà phải tái chế thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đạt ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị) đang có đơn hàng tốt hơn, nhiều hơn.
Tuy vậy, thực tế cho thấy quá trình chuyển đổi mang tính toàn diện này đang tạo ra những xáo trộn, thách thức lớn, đặt ra những yêu cầu vượt xa những phương thức và ý tưởng truyền thống, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự hiểu biết sâu sắc, thay đổi căn bản về tư duy và hành động. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi ngành nghề, chuyển đổi kép đều là thử thách và thử thách này có thể bị khuếch đại nhiều lần đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực hạn chế. Nhiều thách thức có thể kể đến như khó khăn về tài chính, công nghệ, nhân lực, thị trường, chính sách và pháp luật…
Xoay quanh vấn đề này, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, xu hướng chuyển đổi kép (chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh) là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.
Liên quan đến quá trình chuyển đổi kép của Việt Nam trong thời gian tới, ông Lê Việt Anh cho rằng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng đó là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, việc ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là nền tảng tiên quyết để triển khai thực hiện thành công chuyển đổi kép.
Đặc biệt, việc triển khai chuyển đổi kép cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan, trong đó Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
“Việc triển khai chuyển đổi kép luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin. Nhân đây, tôi kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp FDI cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kép này”, ông Lê Việt Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải dùng chuyển đổi xanh vì công nghệ số giúp tăng tốc cả thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, song, bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn vì nó tiêu tốn nhiều năng lượng.
Đồng quan điểm, không ít chuyên gia khuyến nghị, để phát triển chiến lược kép, Chính phủ cần điều tiết nguồn vốn đi đúng hướng trong việc tận dụng sự hỗ trợ của của quốc tế về tài chính và chuyển giao công nghệ qua chiến lược ngoại giao khéo léo. Các chính sách hỗ trợ bao gồm việc tài trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nâng cao khuyến khích hợp tác đầu tư vào ngành tái chế, xử lý rác, nước sạch cũng như chuyển đổi năng lượng. Việc áp dụng công nghệ xanh ở các nước đang phát triển cần phải có sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế.
Cũng quan tâm đến hành trình chuyển đổi này, PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để kiến tạo được nền kinh tế mới nói chung và thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh nói riêng cần đổi mới về tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám nghĩ, dám làm. Tiếp theo là đổi mới về thể chế, cơ chế, chính sách; về quản lý, quản trị và điều hành ở cả tầm vĩ mô (Chính phủ) và vi mô (doanh nghiệp), trong đó người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo và dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp nữa là sự thay đổi trong cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực phù hợp và yêu cầu về phối hợp, hợp tác không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả khu vực và toàn cầu.