Quá trình chuyển đổi kép: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp trong bối cảnh thời hạn thực thi các giải pháp giảm phát thải đang ngày càng cận kề.
COP29 diễn ra vào thời điểm cận kề thời hạn mà các quốc gia cung cấp kế hoạch cập nhật về giảm khí thải nhà kính theo Thỏa thuận Paris, đó là tháng 2.2025, trong đó các cam kết mang tên “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (NDC) là trọng tâm của thỏa thuận nhằm hạn chế nhiệt độ tăng trên toàn cầu.
Tại Hội nghị lần này, Azerbaijan đã đề xuất một số vấn đề để hiện thực hóa tham vọng ứng phó với biến đổi khí hậu, đó là: Giảm phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng xanh; xây dựng cơ chế chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu tài chính mới.
Ngoài ra, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) - công cụ của EU để giải quyết vấn đề phát thải carbon - có hiệu lực từ ngày 1/10/2023, bắt đầu với giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến cuối năm 2025. Nghĩa vụ đóng thuế carbon theo cơ chế này sau đó sẽ được áp dụng từ năm 2026. Hiện 5 lĩnh vực tại Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu vào EU gồm: xi măng, phân bón, điện, Hydrogen và kim loại (sắt, thép, nhôm) đã phải thực hiện cơ chế này. Sắp tới, CBAM cũng sẽ áp dụng cho vận tải biển.
“Nếu như năm 2024 là thời gian để tìm hiểu CBAM và các báo cáo, thì sang năm 2025, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải thực hiện báo cáo lượng khí thải nhà kính có trong hàng nhập khẩu. Chế độ chính thức sẽ được áp dụng từ năm 2026, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU sẽ bị tính thuế carbon, nếu không báo cáo phù hợp sẽ bị phạt tài chính. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm sự hỗ trợ kiến thức và khuyến nghị chính sách từ Ủy ban Tăng trưởng xanh của EuroCham”, ông Stuart Livesey, Đồng Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh, Thành viên HĐQT Eurocham chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và UNDP tổ chức.
Theo ông Stuart Livesey, trong tương lai, CBAM có thể áp dụng cho nhiều sản phẩm hơn nữa như dệt may, vận tải đường bộ, xây dựng. Không chỉ có thị trường EU, những thị trường khác như Mỹ, Anh… cũng đang biến chuyển đổi xanh thành cuộc đua toàn cầu.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, bên cạnh CBAM, EU thì còn có Quy định Chống phá rừng (EUDR) ảnh hưởng rất nhiều đến ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam như gỗ, cao su, cà phê. Trong khi đó, một số quốc gia như Mỹ có Dự thảo Đạo luật Cạnh tranh sạch (CCA), Dự thảo Đạo luật Phí ô nhiễm nước ngoài (FPF) hay Dự thảo Đạo luật Lựa chọn thị trường (MCA). Những dự thảo này nếu được thông qua thì rất nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam bị tác động hơn cả CBAM.
“Với các đối tác khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, cho đến giờ chưa có "dòng chảy" về mặt chính sách tương tự như EU hay Mỹ nhưng lại có "cuộc chơi" mua sắm xanh, khuyến khích sáng kiến chuyển đổi xanh. Nếu chúng ta không tham gia được vào các "dòng chảy" đó thì lợi thế doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm đi khi đặt vấn đề làm đối tác của Nhật Bản, Hàn Quốc”, bà Thủy chia sẻ.
Đối với các doanh nghiệp, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).... Đây là sức ép và cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để được thị trường chấp nhận.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, “chuyển đổi kép” đang là con đường phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó. Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số vào quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong các chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững.
Với mong muốn lan tỏa các sáng kiến và mô hình chuyển đổi kép thành công của các doanh nghiệp tiên phong tới cộng đồng doanh nghiệp, Báo Đầu tư sẽ tổ chức Hội thảo "tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”, vào ngày 12/11/2024 tại Hà Nội
Hội thảo quy tụ hàng trăm đại diện lãnh đạo Bộ ngành, các tổ chức và hiệp hội quốc tế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang hành động hướng tới Chuyển đổi số và Chuyển đổi Xanh ở Việt Nam. Hội thảo mở ra cơ hội trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan quản lý, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích các doanh nghiệp đạt được khu thực hiện chuyển đổi kép. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tiên phong chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm thực tế trong quá trình thực thi các sáng kiến xanh, bền vững, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu Chuyển đổi Kép vì sự phát triển bền vững.