PGS TS Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng cần sớm hình thành quy trình về quản lý điều hành vaccine mang tính khẩn cấp.
LTS: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP về mua vaccine phòng COVID-19 trong đó nêu rõ Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua vaccine phòng COVID-19.
Theo quan điểm của ông Nghĩa, nên có đạo luật riêng về vaccine từ đó bao gồm quy định từ thúc đẩy tìm kiếm, tài trợ cho nghiên cứu, giám sát nghiên cứu, cho đến đưa vào lưu hành, tổ chức tiêm, trách nhiệm sau khi tiêm...
- Ông có thể giải thích rõ hơn?
Thứ nhất, về bản chất đại dịch COVID-19 đã đặt Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới vào tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sự phức tạp của các quy định mua sắm công, chi tiêu ngân sách, đấu thầu trong hệ thống pháp luật đã dẫn đến tình trạng cả Trung ương cũng như địa phương khó có thể giải ngân nhanh ngân sách để có vaccine.
Minh chứng rõ ràng cho vấn đề này chính là việc 288.000 liều vaccine được VNVC nhập về nhưng “kẹt” trong kho gần một tháng, chưa thể bàn giao cho Bộ Y tế vì vướng cơ chế. Trong trường hợp này, Bộ Y tế cần sự phê duyệt của các bộ liên quan để mua lại số vaccine trên. Việc triển khai tiêm chủng kéo dài do thủ tục tiếp nhận vaccine mất nhiều thời gian.
Thứ hai, khảo sát của các Tổ chức y tế quốc tế đều cho thấy tỷ lệ dân chúng sẵn sàng tiêm chủng tại Việt Nam đều trên 98%. Tuy vậy, Nhà nước phải đảm bảo được quyền lợi của nhân dân như: Đảm bảo chất lượng vaccine; rồi quyền được khởi kiện, được bồi thường nếu quá trình thực hiện tiêm chủng xảy ra các phản ứng phụ nguy hiểm đến tính mạng… Những vấn đề pháp lý như vậy chưa từng đặt ra ở quy mô tiêm chủng với 75 triệu người.
Sức khỏe nhân dân là tài sản công đặc biệt mà sứ mệnh của Nhà nước phải bảo vệ. Như vậy, vấn đề về quản lý đầu tư, sử dụng đến ngăn ngừa hậu quả của vaccine cần được ưu tiên...
Tất cả những vấn đề này đòi hỏi một đạo luật hoặc một quy trình mang tính khẩn cấp, điều chúng ta đang chưa có.
- Nhưng những nỗ lực của Chính phủ trong phòng, chống dịch Chính phủ đã tiến hành xã hội hoá vaccine xây dựng Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 cũng đang triển khai một cách “cấp thiết”, thưa ông?
Tôi không hề phủ nhận những nỗ lực này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta không thể biết được đại dịch COVID-19 bao giờ sẽ chấm dứt nên những chính sách lâu dài để ứng phó là điều cần thiết phải tính đến.
Trong bối cảnh đó, hệ thống pháp luật cũng như quản trị nhà nước phải thay đổi tương ứng. Pháp luật phải thay đổi một mặt theo hướng thị trường, tăng tự do, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị kinh doanh, mặt khác thúc đẩy sáng tạo theo nghĩa dùng công cụ mới.
- Vậy theo ông nhà nước nên đặt ưu tiên gì để khuyến khích doanh nghiệp?
Một rủi ro cho các doanh nghiệp cũng như Chính phủ trong quá trình đàm phán vaccine là các nhà sản xuất vaccine đang nắm lợi thế trong việc đàm phán hợp đồng vì cung không đủ cầu. Đây là bối cảnh đặc biệt, người bán không cho người mua cơ hội đàm phán.
Do đó, Chính phủ cần ban hành quy định miễn trừ trách nhiệm cho các đơn vị nhập khẩu vaccine, nếu vaccine đảm bảo chất lượng nhưng xảy ra phản ứng phụ. Nếu có sự cố, Chính phủ đứng ra bồi thường.
Như vậy, trong quá trình này, Nhà nước sẽ đóng vai trò dẫn dắt, để huy động mọi nguồn lực tham gia mua vaccine. Bộ Y tế kiểm định chất lượng từng lô hàng nhập về, tránh tình trạng vaccine giả, quá hạn sử dụng. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp yên tâm hơn trong quá trình nhập khẩu vaccine.
- Xin cảm ơn ông!
Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ
Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế):
Bộ Y tế có kế hoạch mua bản quyền vaccine, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để làm sao có vaccine sớm nhất và tự chủ vaccine sử dụng trong nước. Theo Bộ Y tế, song song với việc tích cực tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới, Việt Nam đang đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, mở đường có khả năng nghiên cứu, sản xuất vaccine.
Có thể bạn quan tâm
09:24, 25/06/2021
05:00, 25/06/2021
16:00, 24/06/2021
15:03, 24/06/2021
05:00, 24/06/2021
02:00, 24/06/2021
10:41, 23/06/2021