Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định “giải trình với người học và xã hội”…
>> Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử: Cân nhắc đảm bảo tính thống nhất
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 3107/BYT-K2ĐT của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe (Dự thảo).
Tại văn bản góp ý, VCCI cho biết, điểm b khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định, cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức học phí đối với học viên các khóa đào tạo để cấp văn bằng chuyên khoa, “có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí”.
Theo VCCI, việc yêu cầu công khai mức học phí là hợp lý, tuy nhiên, phải giải trình về mức thu học phí đề nghị cân nhắc lại. Bởi, cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập được quyền tự chủ trong xây dựng học phí. Xác định mức thu học phí bao nhiêu, tùy thuộc vào tình hình hoạt động cũng như chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục.
Mặt khác, người học hoặc xã hội cũng không có thông tin để xác định mức thu học phí đó là hợp lý hay không? Nếu không hợp lý, cũng không có cách thức nào để can thiệp hoặc tác động. Do đó, giải trình về mức thu học phí này là không cần thiết. Các học viên có quyền lựa chọn các cơ sở giáo dục công lập hoặc ngoài công lập để cho việc học dựa vào các mức học phí cũng như yếu tố khác, vì vậy các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ phải xây dựng mức học phí phù hợp, cũng như các yếu tố về chất lượng giáo dục để thu hút học viên.
Từ các lý do đã nêu, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định “giải trình với người học và xã hội”.
>> Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): “Gỡ khó” cho chuyển đổi số
Bên cạnh nội dung đã nêu, về điều kiện mở ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa (Điều 15), theo VCCI, quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Dự thảo, đối với ngành đào tạo thí điểm sẽ được xem xét mở ngành nếu đáp ứng một trong các điều kiện là “có ý kiến đồng thuận của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực ngành tương ứng”. Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa có quy định về thủ tục để có được sự đồng thuận của cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước là cơ quan nào? Điều này có thể gây khó khăn trên thực tế triển khai.
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo hoặc bỏ quy định này hoặc quy định rõ ràng, cụ thể về thủ tục để cơ sở đào tạo có được sự đồng thuận của cơ quan quản lý Nhà nước.
Cùng với đó, liên quan quy định về kết thúc ngành đào tạo thí điểm, VCCI cho rằng, đối với ngành đào tạo thí điểm, Dự thảo đang chưa có quy định, thời hạn thực hiện thí điểm là bao lâu? Sau khi kết thúc thời hạn thí điểm thì sẽ như thế nào (không tiến hành đào tạo nữa hay trở thành ngành đào tạo chính của cơ sở đào tạo? Căn cứ và/hoặc thủ tục để đánh giá việc đào tạo thí điểm này?).
“Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này tại Dự thảo”, VCCI góp ý.
Cũng tại văn bản góp ý, về thủ tục mở ngành đào tạo cấp văn bằng chuyên khoa (Điều 19), liên quan đến phương thức thực hiện thủ tục, góp ý cho nội dung này, VCCI cho biết, Dự thảo quy định về việc nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo chuyên khoa nhưng chưa quy định rõ về phương thức gửi hồ sơ: trực tiếp hay gián tiếp (qua đường bưu điện), có thực hiện qua phương thức điện tử không?
Trong bối cảnh, Chính phủ đang đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về các phương thức thực hiện thủ tục, trong đó có hình thức thực hiện qua phương thức điện tử.
Về cơ quan giải quyết thủ tục, theo VCCI, khoản 2 Điều 19 Dự thảo quy định “trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Y tế hoặc cơ quan được Bộ Y tế phân cấp, ủy quyền (sau đây gọi là cơ quan có thẩm quyền) kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ”. Quy định này là chưa rõ về cơ quan giải quyết thủ tục. Cơ sở đào tạo sẽ không biết trường hợp nào sẽ gửi cho Bộ Y tế, trường hợp nào sẽ gửi cho cơ quan được Bộ Y tế phân quyền, ủy quyền? Làm thế nào cơ sở đào tạo biết được cơ quan nào được Bộ Y tế phân quyền, ủy quyền?
“Hiện nay, việc phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang được thúc đẩy mạnh mẽ, vì vậy, để đảm bảo tinh thần cải cách, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục mở ngành đào tạo cấp văn bằng chuyên khoa và quy định rõ cơ quan giải quyết thủ tục ngay trong Dự thảo”, VCCI góp ý.
Ngoài những nội dung đã nêu, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc nội dung liên quan đến quy định về chuyển tiếp tại Điều 40 của Dự thảo.
Có thể bạn quan tâm
Khẩn trương hoàn thiện các dự thảo Nghị định liên quan đến đất đai
02:00, 27/06/2024
Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử: Cân nhắc đảm bảo tính thống nhất
03:00, 01/06/2024
Thủ tướng yêu cầu sớm trình Dự thảo Nghị định về mua bán điện trực tiếp
11:02, 20/04/2024
Dự thảo Nghị định thi hành Luật Giá tiềm ẩn nguy cơ gây khó cho doanh nghiệp
03:00, 04/04/2024
Đưa phụ phí của hãng tàu nước ngoài vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật giá
02:00, 05/03/2024