Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, VCCI đề nghị, cân nhắc một số quy định liên quan đến Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành…
>> Tăng giải pháp “hút” khách du lịch quốc tế
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 155/BVHTTDL-DLQGVN của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị tham gia ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL (Dự thảo).
Tại văn bản này, VCCI cho biết, hiện nay, các Bộ đang tiến hành cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh theo hướng không yêu cầu cung cấp các giấy tờ, thông tin mà cơ quan giải quyết thủ tục hành chính có thể tra cứu thông tin trong hệ thống thông tin của Nhà nước.
Và trên tinh thần cải cách này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét lại một số quy định liên quan đến Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Cụ thể, về mẫu Đơn đề nghị cấp lại hoặc thay đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (Mẫu số 05). Theo VCCI, quy định tại Điều 34, Điều 35 Luật Du lịch 2017, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ được: “Cấp lại trong trường hợp Giấy phép bị mất hoặc hư hỏng”.
Đối với trường hợp này, các thông tin của Giấy phép cấp lại sẽ giống với Giấy phép đã bị mất hoặc hư hỏng. Như vậy, việc yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai các thông tin như: thông tin người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; Tên, địa chỉ chi nhánh; Tên, địa chỉ văn phòng đại diện; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Tài khoản ký quỹ là không cần thiết. Bởi, đây là các thông tin cơ quan cấp phép đã có.
Để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính, VCCI đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại Đơn đề nghị cấp lại trong trường hợp Giấy phép mất hoặc hư hỏng gồm các thông tin: tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính; Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; lý do đề nghị…
Cùng với nội dung đã nêu, về việc cấp đổi trong trường hợp thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thay đổi phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành. VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo thiết kế Mẫu đơn theo hướng doanh nghiệp chỉ cần cung cấp các thông tin thay đổi về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; phạm vi kinh doanh, còn những thông tin không thay đổi như Tài khoản ký quỹ; Tên, địa chỉ chi nhánh; Tên, địa chỉ văn phòng đại diện không phải cung cấp lại.
Về đơn đề nghị công nhận Hạng cơ sở lưu trú du lịch (Mẫu số 07), VCCI cho rằng, trong mẫu Đơn đề nghị công nhận Hạng cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp phải cung cấp các thông tin như: Cơ sở vật chất kỹ thuật; Người quản lý và nhân viên phục vụ. Điều này là chưa hợp lý.
Bởi, theo quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật Du lịch, trong Hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có các tài liệu: Danh sách người quản lý và nhân viên; Bản tự đánh giá chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định trong tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Các tài liệu này sẽ thể hiện các nội dung liên quan đến cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân sự của cơ sở lưu trú du lịch.
“Vì vậy, việc đưa các thông tin này vào Đơn đề nghị là không cần thiết. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ nội dung tại mục 2 “cơ sở vật chất kỹ thuật”, 3 “người quản lý và nhân viên phục vụ” tại Đơn đề nghị công nhận Hạng cơ sở lưu trú du lịch”, VCCI góp ý.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam đặt mục tiêu năng lực phát triển du lịch và lữ hành tăng 2 bậc vào năm 2025
02:00, 11/01/2024
Kế toán Anpha: Đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch lữ hành
15:00, 08/11/2023
Doanh nghiệp lữ hành sẵn sàng bùng nổ
04:59, 29/01/2023
Du lịch "ấm lên", doanh nghiệp lữ hành quốc tế mở cửa trở lại
01:00, 02/08/2022
Thách thức của các công ty lữ hành trong năm phục hồi du lịch
11:28, 11/02/2022