Cần những giải pháp mang tính chiến lược bền vững

Khánh Linh 26/11/2020 15:55

Thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường bão lũ tàn phá dữ dội, ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên nhiều làng xóm bị san phẳng, thiệt mạng do sạt lở đất, ruộng vườn bị vùi lấp.

Ngôi làng bị sạt lở đất vùi lấp ở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam)

Ngôi làng bị sạt lở đất vùi lấp ở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam)

Cơn bão số 9 càn quét mức độ thiệt hại ngày càng khủng khiếp, sạt lở đất trở thành nỗi khiếp sợ của bà con sống dưới chân núi, tai họa có thể ập xuống bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Vụ sạt lở vùi lấp nhiều người tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, huyện Nam Trà My chưa kịp hoàn hồn đã nghe nhiều người bị mất tích do sạt lở núi ở 2 xã Phước Lộc, Phước Thành, huyện Phước Sơn.

Khó nhất vẫn là ứng phó với nạn sạt lở đất

Cùng với nguyên nhân trực tiếp từ thiên tai, những yếu tố bất lợi từ tự nhiên thì cũng cần thấy rằng, tác động của nhân tai đã làm cho tần suất và hậu quả sạt lở núi nghiêm trọng hơn. Do đó, việc bảo đảm an toàn cuộc sống cho người dân miền trung và tây nguyên đang cần những giải pháp mang tính chiến lược, đồng bộ, lâu dài và bền vững từ trung ương đến địa phương

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đối với các khu vực dân cư vừa xảy ra sạt lở đất, Bộ sẽ bố trí cán bộ đến nghiên cứu phục vụ quy hoạch, đề xuất nên bố trí dân cư như thế nào để tránh rủi ro, thảm họa. Hiện nay, khi xây dựng các công trình, nhiều địa phương chưa chú ý đến yếu tố gây ra lũ quét, sạt lở đất, tức là chưa nghiên cứu, điều tra kỹ về địa chất cơ bản, đặc biệt là các hồ thuỷ điện, các hồ chứa, các công trình đường sá. Lũ lên nhanh, rút xuống nhanh hay chậm cũng có nguyên nhân từ việc phát triển nhanh cơ sở hạ tầng mà chưa đánh giá được thích ứng biến đổi khí hậu cùng những tác động liên quan đến dòng chảy hoặc là những yếu tố địa chất.

Lũ lụt ngày càng dữ dội do rừng bị tàn phá tan hoang. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay độ che phủ rừng có tăng lên nhờ rừng trồng nhưng rừng nguyên sinh chỉ còn 0,25%. Nguyên nhân do đốt rừng làm rẫy, sống du canh du cư. Nhiều nơi chuyển đất có rừng sang đất sản xuất các cây kinh doanh, phá rừng để trồng các cây công nghiệp…

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My rất lo ngại khi phong trào trồng keo ngày càng phát triển mạnh. Theo ông Dũng cũng vì nhà nhà trồng keo, người người trồng keo đã làm cho đất rừng tơi xốp, không còn gắn kết như cũ, dễ xảy ra sạt lở núi. Huyện có chủ trương vận động người dân chuyển sang trồng cây dược liệu và rừng gỗ lớn như trồng rừng gỗ lớn như trồng cây quế, trồng dược liệu. Bây giờ, nhiều vùng ở xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, bà con trồng cây sâm mình yên tâm. Bởi lẽ trồng sâm là có lợi ích kép, một là thu nhập được sâm, giữ được rừng. Bởi vì cây sâm dược liệu phát triển dưới tán rừng, nó cũng hạn chế được sạt lở".

Cùng quan điểm này, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khẳng định, không phải diện tích nào cũng trồng keo, trồng rừng sản xuất mà phải tính tới việc tăng thêm diện tích rừng phòng hộ: “Kinh nghiệm chúng tôi thấy rằng, ở vùng nào chúng ta giữ được rừng tự nhiên tốt thì vùng đó việc sạt lở ít xảy ra. Còn vùng nào mà hiện nay đang trồng rừng sản xuất, nhất là rừng nguyên liệu trồng keo thì nguy cơ sạt lở rất nhiều. Quan điểm của tôi là làm sao để tăng diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để giữ được ổn định cho sản xuất, cho đời sống người dân các huyện miền núi, trung du”.

Quy hoạch phát triển ổn định

Sau các đợt bão lũ, sạt lở đất tàn phá các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã về các vùng bị thiệt hại nặng, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo quyết liệt công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam. Tại đây, trong cuộc làm việc với lãnh đạo các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương tập trung quy hoạch phát triển ổn định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân trong tương lai là vấn đề lớn đang đặt ra đối với các bộ ngành Trung ương và các địa phương; Cần phải có định hướng lâu dài để tham mưu Chính phủ chứ không phải “cứ nóng đâu phủi đó”: “Tôi đã lưu ý với các địa phương từ lâu rồi. Chúng ta sớm di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng mà không phải đơn giản. Bởi đi đâu, sống bằng cách nào vì có những làng người ta đã sống ở đó hàng trăm năm rồi. Đặc biệt là biến đổi bất thường của thời tiết như thế này, và nhiều khi không phải là ngay chỗ đó gây ra mà chỗ khác mang đến, không thể biết được. Nhưng dù sao đi nữa, chọn những bãi bằng, xa núi là cách làm phù hợp.”

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trước tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra rất phức tạp, có những giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó trọng tâm nhất vẫn là sắp xếp dân cư. Trong thời gian sắp tới chúng tôi phải tập trung sơ tán và đưa dân đến những vị trí an toàn hơn, gắn với điều kiện về sản xuất, sinh hoạt, đảm bảo cho người dân ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, tất cả các công trình có khả năng tác động gây nguy hại đến sự phát triển của miền núi đều phải được khảo sát, đánh giá lại, kể cả việc dừng, việc thay đổi thiết kế, hoặc chuyển đổi công năng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần những giải pháp mang tính chiến lược bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO