Nghiên cứu - Trao đổi

Hỗ trợ doanh nghiệp sau bão lũ: Chính sách cần áp dụng quy trình rút gọn, linh hoạt

Gia Nguyễn 02/10/2024 04:30

Để các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực do bão số 3 sớm đi vào thực tế, một số ý kiến cho rằng, cần áp dụng quy trình rút gọn, linh hoạt…

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão số 3, mưa lũ và sạt lở tại các địa phương gây thiệt hại ước tính đến nay lên tới hơn 60.000 tỷ đồng và GDP năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng từ 6,8 - 7% đặt ra cả năm. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau bão là vô cùng cần thiết và cấp bách.

ho-tro-doanh-nghiep-sau-bao-lu-24.3.1.1.2.jpg
Sau những ảnh hưởng nặng nề, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau bão là vô cùng cần thiết và cấp bách - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, để có thể nhanh chóng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sớm tái sản xuất, từng bước phục hồi sau bão, Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời các bộ ngành liên quan có những giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đồng thời ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi).

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho các doanh nghiệp chịu tác động, chưa đòi nợ hoặc chưa chuyển nhóm nợ xấu. Bộ tài chính yêu cầu các doanh nghiệp thống kê thiệt hại có xác nhận của chính quyền địa phương, trên cơ sở đó, các đơn vị của Bộ tài chính sẽ có trách nhiệm xác minh để giãn, hoãn nộp thuế…

Tuy nhiên, để các chính sách này sớm được đưa vào thực tế, cần có những văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của chính phủ, từ đó dẫn đến độ trễ của chính sách, trong khi, sau những thiệt hại nặng nề từ bão lũ, việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tái sản xuất đã và đang trở nên vô cùng cấp bách.

ho-tro-doanh-nghiep-sau-bao-lu-24.3.1.1.1.jpg
Vì vậy để các chính sách này sớm đi vào thực tế, một số ý kiến cho rằng, cần áp dụng quy trình rút gọn, linh hoạt - Ảnh minh họa: ITN

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Hoàng Quang Phòng cho rằng, các giải pháp là đồng bộ, rất tốt, giúp giảm những thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân. Ngân hàng Nhà nước đã đến với bà con vùng bão, đặc biệt Nghị quyết 143/NQ-CP đưa ra giải pháp trọng tâm giải quyết khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp chạy nước rút trong những tháng cuối năm.

Do đó, Phó Chủ tịch VCCI mong rằng, chính sách có độ trễ nên cần có quy trình rút gọn, linh hoạt hơn để đối tượng chính sách được thụ hưởng kịp thời. Ngân hàng chủ động chương trình khắc phục bão cần rút gọn hơn nữa, gói chính sách phải vào “ngay và luôn”, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để Nghị quyết 143/NQ-CP của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, thì cần có các quy định, hướng dẫn chỉ rõ các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện giám sát và chứng nhận mức độ thiệt hại.

Trên cơ sở đó, tùy vào mức độ thiệt hại của từng doanh nghiệp, từng địa phương, Chính phủ, Bộ ban ngành xây dựng mức độ và thời gian hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Quá trình triển khai phải giảm bớt các thủ tục hành chính.

“Tinh giảm tối đa các thủ tục hành chính, tránh tối đa tình trạng người dân xếp hàng rất dài, phải có chứng nhận từ tổ dân phố, phường, quận, rất nhiều chữ ký và con dấu, thì lúc đó tính hiệu lực và kịp thời của Nghị quyết sẽ giảm đi rất nhiều”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Đồng thời cũng cho hay, cơ quan chức năng nên xem xét việc công khai các quy định, điều kiện hỗ trợ trên các trang website và để người dân có thể trực tiếp đăng ký nhận hỗ trợ thông qua điện thoại.

Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Nhà nước cần nhanh chóng công bố những chính sách miễn, giảm, hoãn thuế đã thực hiện thành công trước đây, để các hộ kinh doanh, nuôi trồng thủy hải sản hay xuất khẩu đều được hưởng, có thêm nguồn lực tái đầu tư, khôi phục sản xuất. Phía ngân hàng cần sớm đánh giá rủi ro của các khoản vay, khoanh lại các khoản nợ, tạo cơ chế để nhóm đối tượng xác định được thiệt hại được tiếp tục cấp kinh phí hoạt động.

Đặc biệt, cần rà soát đánh giá tổng thể các hệ thống cơ sở hạ tầng, kể cả khu vực nông thôn, khu công nghiệp, kết nối hạ tầng giữa các vùng, để có giải pháp ứng phó, hỗ trợ kịp thời, thông suốt về giao thông vận tải, logistics.

Liên quan đến vấn đề này, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, có 2 chính sách giống thời kỳ dịch COVID-19 có thể triển khai ngay là tiền tệ liên quan đến khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hỗ trợ doanh nghiệp sau bão lũ: Chính sách cần áp dụng quy trình rút gọn, linh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO