Cần siết chặt hơn nữa quy trình nhập khẩu phế liệu

Bảo Loan 20/12/2019 11:12

Đến thời điểm hiện tại, theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải có khoảng 10.000 container phế liệu tồn đọng tại cảng biển Việt Nam.

Thực trạng phế liệu tồn đọng tại cảng biển Việt Nam

Theo đó, hiện nay, có 38 doanh nghiệp cảng container - nhóm cảng /45 cảng có lượng hàng phế liệu thông qua. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 10.000 container phế liệu tồn đọng tại cảng biển tập trung lớn nhất tại các khu vực cảng: Hải Phòng có khoảng 1.223 container nhựa phế liệu, 93 container giấy phế  liệu, 2.360 container hàng đã qua sử dụng. Khu vực TP. Hồ Chí Minh có 2.300 container tồn đọng.

 khoảng 10.000 container phế liệu tồn đọng tại cảng biển

Khoảng 10.000 container phế liệu tồn đọng tại cảng biển Việt Nam.

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: với sự gia tăng chóng mặt của hàng hóa xuất nhập khẩu trong những năm qua, các cảng hiện đã đạt gần hết công suất. Do đó, hàng hóa tồn đọng tại cảng đồng nghĩa việc chiếm dụng diện tích của cảng, các hàng xuất nhập khẩu của chủ hàng khi lưu thông qua cảng sẽ bị ảnh hưởng đến tốc độ xếp dỡ, thông quan. Bên cạnh đó, những lô hàng container tồn sẽ khiến hãng tàu container phải lưu vỏ container, ảnh hưởng đến hiệu suất khai thác container. 

Có thể bạn quan tâm

  • 4 phương án giải quyết bất cập trong công tác quản lý phế liệu nhập khẩu

    00:00, 27/09/2019

  • 2022 loại phế liệu khỏi danh mục nhập khẩu

    00:00, 18/08/2019

  • Quy định chặt việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

    18:27, 15/05/2019

Đặc biệt, đối với chủ hàng xuất nhập khẩu, hàng hóa tồn đọng khiến họ không những phải chịu chi phí lưu kho, bãi tương đối lớn mà giá trị hàng hóa nhập về cũng bị ảnh hưởng, quá trình hoạt động sản xuất có thể bị gián đoạn do hàng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất vướng thủ tục chưa thể lấy ra.

Ông

Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam.

Bàn về vấn đề này, ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam cho biết: Trước đây, doanh nghiệp nhập khẩu được Sở Tài nguyên môi trường cấp phép nhập khẩu hoặc nhập khẩu ủy thác hoặc tạm nhập tái xuất. Nhưng nay nhiều doanh nghiệp làm và làm ồ ạt, không kiểm soát chất lượng nên khi bị siết (giấy phép chỉ có hai năm) thì dẫn tới tình trạng hàng tồn ở cảng, nhiều doanh nghiệp buộc phải bỏ hàng bởi hàng tồn ở cảng thì tiền lưu công lớn hơn tiền hàng. Và khi Chính phủ siết bằng Nghị định 40, không cho nhập khẩu dưới hình thức ủy thác hay tạm nhập tái xuất thì những lô hàng đã nhập trước đây đang để ở cảng thì đương nhiên không dám nhận. Điều này đã dẫn tới hàng tồn hàng loạt ở cảng. 

Cho phép nhập phế liệu, không cho nhập rác thải vào Việt Nam

Trả lời cho câu hỏi về hệ luỵ và những khó khăn từ việc tồn đọng phế liệu như hiện nay, ông Nguyễn Thành Lam - Vụ Quản lý chất thải (Bộ Tài nguyên môi trường) cho biết: Bộ Tài nguyên Môi trường cũng như Chính phủ chỉ cho phép nhập phế liệu, không cho nhập rác thải vào Việt Nam.

Cũng theo ông Lam, thời gian vừa qua, nền kinh tế của chúng ta phát triển, đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu kéo theo nhu cầu về nguyên liệu rất lớn. Tuy nhiên, hạt nhựa chỉ là một phần còn các nguyên liệu khác về sắt thép, giấy tăng cao nhưng chúng ta không đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu trong nước. Do đó, Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường mới căn cứ vào nhu cầu và cho phép nhập khẩu phế liệu về để làm nguyên liệu sản xuất.

Việc phế liệu tồn đọng trong thời gian vừa qua có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cụ thể, về nguyên nhân khách quan, cuối năm 2017, một số nước đã hạn chế, thậm chí là ngừng nhập một số mã phế liệu dẫn đến các nước xuất khẩu phế liệu truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tìm đường xuất khẩu vào các nước trong khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam dẫn đến lượng phế liệu nhập vào trong nước tăng cao. 

ông Nguyễn Thành Lam (Vụ Quản lý chất thải, Bộ TNMT) cho biết: Bộ Tài nguyên Môi trường cũng như Chính phủ chỉ cho phép nhập phế liệu, không cho nhập rác thải vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Lam - Vụ Quản lý chất thải (Bộ Tài nguyên môi trường)

Ngoài ra, trước khi có Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý nhập khẩu sử dụng phế liệu, tại Việt Nam chưa có giải pháp phòng ngừa từ xa. Hàng nhập cảng đến, chúng ta mới kiểm tra, làm thủ tục thông quan, giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu… nên đã gây ra ùn ứ.

Bên cạnh đó, một số tổ chức nhập khẩu phế liệu giả mạo giấy tờ, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn dẫn đến bỏ hàng. Một số chủ hàng cũng chậm trễ đến nhận hàng nên gây ra ùn tắc cục bộ. Vì vậy, chúng ta luôn bị động đối phó với những chủ hàng đã vi phạm yêu cầu về môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

Chủ tịch chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam nhận định: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 27 quản lý chặt chẽ hoạt động nnập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuât thì Bộ Tài nguyên môi trường đã tích cực và đã soạn thảo quy chuẩn mới số 32 năm 2018. Sau đó, Bộ Tài nguyên môi trường cũng tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 40. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần làm việc và thay đổi tư duy quản lý của Chính phủ và Bộ Tài nguyên môi trường

Ông Vượng thừa nhận: trước đây chúng ta nhập khẩu ít và chưa chú trọng ngay cả xử lý phế liệu trong nước. Còn hiện nay, Chính phủ đã chú ý và rất quyết liệt. Tuy nhiên, “với các chính sách đã được ban hành thời gian qua, tôi tin không xảy ra tình trạng tồn ở cảng Việt Nam nữa, cũng sẽ không xảy ra tình trạng lợi dụng nhập khẩu phế liệu không đúng quy chuẩn, chất thải thì lại càng không có vì các nước cũng quản lý chặt chẽ, các hãng tàu cũng không dám. Nên nếu có thì chỉ là nhựa phế liệu không đúng quy chuẩn Việt Nam”, ông Hoàng Đức Vượng nhấn mạnh thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần siết chặt hơn nữa quy trình nhập khẩu phế liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO