Theo báo cáo kiểm toán, số dư tích lũy tài chính công đoàn (TCCĐ) đến cuối năm 2019 gần 29.000 tỷ đồng, nhưng chưa được sử dụng đúng quy định và chưa có hiệu quả.
Tổng thu tài chính công đoàn trong 7 năm (từ năm 2013 đến năm 2019) là 100.353 tỷ đồng, trong đó đoàn phí công đoàn là 25.250 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng số thu; kinh phí công đoàn là 62.825 tỷ đồng, chiếm 62,6% tổng số thu; ngân sách nhà nước hỗ trợ 332 tỷ đồng và các khoản thu khác là 11.946 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng số thu.
Trong khi tổng số chi tại các cấp công đoàn là 76.955 tỷ đồng. Trong đó, số chi tập trung nhiều nhất tại cấp công đoàn cơ sở với 56.336 tỷ đồng, chiếm 73,2% tổng chi; số chi tại cấp quận, huyện và đơn vị sự nghiệp là 11.649 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng chi; số chi tại cấp tỉnh, ngành là 8.395 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng chi; số chi tại cấp Tổng liên đoàn là 575 tỷ đồng, chiếm 0,8%...
Theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước, số chưa thu được qua các năm còn lớn, chiếm 22% tổng thu kinh phí và đoàn phí. Có thể nói, việc này không chỉ ảnh hưởng tới nguồn TCCĐ để phục vụ các hoạt động phong trào, chăm lo cho người lao động, mà còn ảnh hưởng đến tính hiệu lực của Điều 26, Luật Công đoàn.
Điều bất cập được chỉ ra tại báo cáo kiểm toán là tỷ lệ tổng chi/tổng kinh phí để lại tại cấp công đoàn cơ sở là 99,1% (chưa vượt 100% do phải tuân thủ tỷ lệ chi dự toán đề ra), công đoàn cấp trên cơ sở là 68,1%, cấp Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố, công đoàn ngành là 45,4% và tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là 8,3%.
Số liệu trên cho thấy, nhu cầu chi ở cấp cơ sở cao, nhưng kinh phí chưa đủ đáp ứng, trong khi tại các cơ quan công đoàn cấp trên, nhu cầu sử dụng thấp, dẫn đến thừa nguồn TCCĐ, tăng tích lũy cuối kỳ.
Bên cạnh đó, theo cơ quan kiểm toán, tỷ lệ thu khác/tổng chi tại công đoàn cơ sở là 11,1%, tại công đoàn cấp trên cơ sở là 15,1%, tại Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố, công đoàn ngành là 37,4%, trong khi tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là 220,8%.
Tình trạng trên dẫn tới cấp công đoàn cơ sở không đảm bảo kinh phí hoạt động, không có tích lũy và không có thu khác từ lãi TCCĐ tích lũy. Do đó, cấp công đoàn cơ sở hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động.
Như vậy, tại các công đoàn cơ sở, tình trạng thiếu kinh phí hoạt động diễn ra phổ biến, thậm chí một số công đoàn cơ sở mất cân đối thu - chi. Thế nhưng, các công đoàn cấp trên cơ sở, như Liên đoàn lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lại sử dụng kinh phí tích lũy chỉ để gửi ngân hàng có kỳ hạn nhằm tăng thu khác, đầu tư, cho vay. Đây là một thực trạng đáng báo động, cần có giải pháp khắc phục ngay.
Bổ sung thêm chế tài quản lý, giám sát
Trong khi doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu vốn hoạt động, nhất là trong cơn đại dịch COVID-19, thì số dư tích lũy TCCĐ đến ngày 31/12/2019 gần 29.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại cấp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố. Thế nhưng, tỷ lệ chi trực tiếp chăm lo cho người lao động từ TCCĐ chưa tới 50%.
Điều đáng nói là, theo Kiểm toán Nhà nước, việc sử dụng quỹ tích lũy TCCĐ chưa đúng quy định và chưa có hiệu quả. Trong đó, các cấp công đoàn sử dụng chi từ nguồn tích lũy TCCĐ, nhưng không lập dự toán, không được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt dự toán. Đặc biệt, một số cấp công đoàn sử dụng nguồn tích lũy TCCĐ chưa hiệu quả do chưa cân đối giữa nguồn thu và chi, nên chỉ gửi các khoản tiền ngắn hạn hoặc không kỳ hạn ở các ngân hàng. Đáng chú ý, theo hướng dẫn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, công đoàn các cấp phải lựa chọn chi nhánh Vietinbank tại địa phương để mở tài khoản nhằm thu, nộp kinh phí công đoàn của khu vực sản xuất kinh doanh. Điều này không phù hợp với Luật cạnh tranh.
Chưa dừng lại ở đó, các hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, liên doanh - liên kết, cho vay từ nguồn tích lũy TCTĐ chưa có cơ chế rõ ràng, chưa có quy định về thời hạn trả nợ, trách nhiệm trả nợ, cũng như không có giám sát việc sử dụng vốn vay. Do đó, nhiều khoản đầu tư, cho vay có nguy cơ khó thu hồi vốn.
Những bất cập trong sử dụng nguồn tích lũy TCCĐ còn thể hiện qua công tác giám sát chưa chặt chẽ, chưa thu hồi dứt điểm các khoản vay kéo dài qua nhiều năm...
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính, cho rằng đã đến lúc cần bổ sung thêm chế tài siết chặt quản lý các hoạt động thu chi, điều phối TCCĐ giữa các cấp, cũng như các hoạt động đầu tư liên doanh liên kết, cho vay không đúng mục đích từ nguồn TCCĐ, tránh lãng phí tiền của doanh nghiệp. Nếu không, nguồn quỹ TCCĐ có nguy cơ bị thất thoát, khiến việc chi trực tiếp đảm bảo chăm lo cho người lao động không được đảm bảo.
Có thể bạn quan tâm