Gần 90% hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hàng vận chuyển bằng container, vẫn được bán cho khách hàng nước ngoài theo điều kiện FOB.
Đầu tháng 5/2018 vừa qua, doanh nghiệp M ở Hà Nội xuất khẩu một lô hàng dệt may theo điều kiện FOB sang thị trường Bắc Á bị phía đối tác “lừa”. Sau khi phía người bán Việt Nam vạch trần các thủ đoạn móc nối giữa người mua ở nước ngoài và đại lý giao nhận tại cảng bốc hàng ở Việt Nam và bắn tiếng nếu không khẩn trương thanh toán thì phía Việt Nam sẽ áp dụng chế tài pháp lý. Sau một tháng chây ì cuối cùng họ cũng đã buộc phải thanh toán tiền mua lô hàng trên.
Hiểu pháp lý
Điều kiện FOB nghĩa là mọi công đoạn về giao nhận vận chuyển và mua bảo hiểm cho các lô hàng đó hoàn toàn do phía người mua nước ngoài đảm nhận. Thông thường, để bảo đảm chắc chắn việc thu tiền hàng, phía Việt Nam thường yêu cầu phương thức thanh toán bằng L/C. Ngoài ra, còn quy định bộ vận đơn phải là vận đơn theo lệnh, nghĩa là người mua chỉ có thể nhận hàng ở cảng đích sau khi đã trả tiền hàng và xuất trình bộ vận đơn gốc trong đó ngân hàng mở L/C đã ra lệnh giao hàng cho họ.
Có thể bạn quan tâm
12:23, 25/01/2018
03:08, 23/07/2018
15:30, 21/07/2018
Việc vận chuyển các lô hàng đóng trong container thường phải tuân thủ các nghiệp vụ vận tải đa phương thức. Theo thông lệ phổ biến trong thương mại và hàng hải quốc tế, sau khi nhận yêu cầu lưu cước vận chuyển của người mua FOB, các đại lý giao nhận vận tải ở cảng bốc hàng Việt Nam sẽ tiến hành 2 công đoạn khác nhau: đầu tiên họ hành động với tư cách là người gửi hàng hình thức và lưu cước với hãng tàu vận chuyển hàng tới cảng đích. Theo đó, người đại lý giao nhận sẽ nhận được bộ vận đơn thứ nhất do hãng tàu cấp gọi là Vận đơn chủ. Tiếp theo: dựa trên cơ sở Vận đơn chủ, đại lý giao nhận cấp bộ vận đơn thứ hai gọi là bộ Vận đơn thứ cấp theo dạng vận đơn vận tải đa phương thức cho người bán FOB phía Việt Nam phù hợp với quy định của hợp đồng và L/C.
Để giải quyết thực tế
Theo Bộ Luật Hàng hải Việt Nam và thông lệ quốc tế các đại lý giao nhận là người vận chuyển theo hợp đồng còn hãng tàu là người vận chuyển thực tế. Ngoài chi tiết về thông tin “người vận chuyển” khác nhau như trên, thông thường các chi tiết chủ yếu khác của 2 bộ vận đơn là như nhau.
Tuy nhiên, gần đây một số thương nhân nước ngoài mua hàng của Việt Nam theo điều kiện FOB đã thông đồng và móc ngoặc với đại lý giao nhận ở cảng Việt Nam để cấp cho họ bộ vận đơn thứ nhất dưới dạng vận đơn đích danh không có bản gốc trong đó ghi rõ người nhận hàng ở cảng đích là họ hoặc đại lý do họ chỉ định. Còn bộ vận đơn cấp cho người bán phía Việt Nam thì đúng như L/C và hợp đồng mua bán, tức là vận đơn theo lệnh. Theo thông lệ hàng hải thương mại phổ biến, với vận đơn như trên, khi hàng đến cảng đích phía người mua nước ngoài dễ dàng lấy được hàng mà không cần xuất trình vận đơn gốc, trong khi đó bộ vận đơn theo lệnh vẫn nằm trong ngăn kéo ngân hàng mở L/C. Kết cục thường là người mua chây ì thanh toán hoặc viện cớ thị trường đi xuống đòi giảm giá và không ít trường hợp họ biến mất.
Từ tình hình trên, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng theo điều kiện FOB cần lưu ý quy định rõ ngoài bộ vận đơn thỏa thuận trong hợp đồng và L/C nếu có những bộ vận đơn khác thì người mua cam kết nội dung và hình thức. Ngoài ra, khi gặp trường hợp tương tự, phía người bán Việt Nam cần nhanh chóng khống chế lô hàng bằng cách ra lệnh cho hãng tàu và đại lý giao nhận giữ hàng lại cho đến khi họ đã thanh toàn đầy đủ tiền hàng.