Zalo bị yêu cầu thu hồi tên miền: Cần thay đổi cách nhìn về quản lý doanh nghiệp số

Nguyễn Long 20/07/2019 16:01

Zalo bị yêu cầu thu hồi tên miền là zalo.vn và zalo.me do chưa đăng ký hoạt động mạng xã hội, tuy nhiên vấn đề nảy sinh ở đây là sự mâu thuẫn trong khái niệm giữa nhà quản lý và doanh nghiệp.

Zalo luôn khẳng định mà là ứng dụng OTT chứ không phải mạng xã hội nên không xin cấp phép.

Zalo luôn khẳng định mà là ứng dụng OTT chứ không phải mạng xã hội nên không xin cấp phép.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều loại hình hình kinh tế số mới được sản sinh, tạo ra những ngành mới đi kèm với đó là những khó khăn trong công tác quản lý của nhà nước trong việc dung hòa giữa lợi ích kinh tế và luật pháp.

Có một điều nhận thấy được trong thời gian một mô hình mới được sinh ra thì thường bị đa số phản đối, bởi mâu thuẫn với cái cũ, giống như câu chuyện của Grab và taxi truyền thống. Tuy nhiên, với tiêu chí là nhà nước kiến tạo, rõ ràng không thể cấm ngay lập tức mà cần cần có sự nới lỏng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp số có không gian, thời gian định hình, hướng dẫn cho doanh nghiệp đi đúng đường lối chính sách của Đảng và nhà nước. “Thay vì tư duy cấm đoán cơ quan quản lý nên hướng tới tư duy hướng dẫn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó Grab, Zalo là những điển hình” – Luật sư Phạm Hoài Huấn cho biết.

Quay trở lại câu chuyện của Zalo cũng tương tự, sự không rõ ràng trong việc xác định ứng dụng này là mạng xã hội hay ứng dụng OTT (Over-the-top app) đã dẫn đến việc Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM yêu cầu các bên đăng ký và quản lý tên miền thu hồi và ngừng cung cấp hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me thuộc sở hữu của công ty cổ phần VNG.

Được biết, vấn đề phải xin giấy phép hoạt động mạng xã hội đang là một nội dung chưa có sự thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

VNG từ trước đến nay cho rằng Zalo đang hoạt động theo mô hình ứng dụng OTT và hiện nay Việt Nam chưa có quy định quản lý đối với OTT.

Trong nhiều cuộc họp trao đổi với các cơ quan truyền thông khi được hỏi, đại diện Zalo Group (thuộc VNG) luôn khẳng định Zalo đi theo mô hình OTT từ trước đến nay và sẽ theo mô hình này. Tuy nhiên, trong các quy định quản lý ở Việt Nam hiện nay không có quy định về quản lý OTT, mà quản lý theo mô hình hoạt động, chính vì thế cơ quan chức năng mới có quyết định xử phạt Zalo do không xin phép mạng xã hội ở trên.

Lập luận của Zalo có vẻ không hợp lý, nếu như vậy Zalo có phải mạng xã hội hay không?  Hiện nay, theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng:

"Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác".

Như vậy, với những dịch vụ, tính năng Zalo hiện đang cung cấp trên nền tảng của mình cộng với lượng người dùng hơn 46 triệu người, thì việc cơ quan quản lý nhà nước xếp Zalo vào mô hình mạng xã hội và yêu cầu doanh nghiệp quản lý Zalo cần phải xin phép hoạt động như một mạng xã hội là một điều hợp lý.

Còn với lập luận của Zalo mình là một doanh nghiệp OTT thì hiện nay thuật ngữ này mới dùng trong lĩnh vực công nghệ, còn trong luật hiện hành chưa có bất kỳ quy định nào.

Có thể bạn quan tâm

  • Cà Mau ứng dụng Zalo để xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân

    17:21, 12/03/2019

  • Bình Dương ứng dụng Zalo vào cải cách hành chính, xây dựng Thành phố thông minh

    10:22, 19/12/2018

  • TP.HCM: Người dân có thể nắm tình hình giao thông qua Zalo

    23:30, 27/09/2018

Đánh giá về việc thu hồi 2 tên miền của Zalo, Luật sư Phạm Hoài Huấn cho rằng: ”Ngay cả trong trường hợp Zalo sai thì các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước cũng phải hết sức cẩn trọng, bởi dù gì đây cũng là một đơn vị lớn, hoạt động nhiều năm với lượng người dùng lớn, chưa kể Zalo còn được ứng dụng trong nhiều cơ quan hành chính công ở một vài tỉnh thành (Đến tháng 5/2018, đã có hơn 20 tỉnh thành gồm Đà Nẵng, Đồng Nai, Tiền Giang, Thái Bình, Đồng Tháp, Quảng Ngãi... chọn Zalo để giải quyết các thủ tục hành chính và tương tác với người dân) và các đơn vị sự nghiệp sử dụng Zalo làm phương thức liên hệ”.

“Trong trường hợp này, Bộ Thông tin và Truyền thông nên đưa ra hướng dẫn, xử phạt nhưng nên cho nó tồn tại. Bây giờ Zalo chưa có giấy phép về mạng xã hội nên cho họ thời gian làm giấy phép là giải quyết được vấn đề” – Luật sư Huấn đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Zalo bị yêu cầu thu hồi tên miền: Cần thay đổi cách nhìn về quản lý doanh nghiệp số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO