Bình luận

Cần thêm “công cụ” để ngăn chặn sở hữu chéo

GIA NGUYỄN thực hiện 21/08/2024 15:00

Trong bối cảnh các quy định pháp luật chưa thể xử lý được triệt để tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, việc đẩy mạnh kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, cùng sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán sẽ công cụ cần thiết để góp phần giảm thiểu rủi ro trước vấn nạn này.

ta anh tuan
Luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW

Đây là chia sẻ của Luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Để ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, thao túng trong hoạt động ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã đưa ra những quy định liên quan theo hướng “siết chặt” hơn so với Luật cũ, ông đánh giá sao về vấn đề này?

Để ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ 01/7/2024, đã điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân đã từ mức 5% xuống mức 3%.

Cổ đông là tổ chức cũng không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của ngân hàng, trong khi trước đây là 15%, trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Còn nhóm cổ đông và “người liên quan” chỉ được sở hữu tối đa là 15%, trong khi đước đây là 20%...

Tuy nhiên, các quy định sửa đổi này chỉ có tác dụng hạn chế, làm chậm quá trình các cổ đông cấu kết, để đủ sức chi phối ngân hàng nào đó, chứ chưa ngăn chặn được sở hữu ẩn, giấu mặt.

scb67 2
Sự cố tại SCB đã ảnh hưởng đến không nhỏ đến ngành ngân hàng và thị trường vốn. Ảnh: Lê Vũ

Bởi, trong mô hình sở hữu ẩn, mục đích trong cấu kết của nhóm cổ đông là tuân theo các chỉ đạo của ông/bà chủ ngân hàng giấu mặt. Bản thân người được thuê đứng tên cổ đông cũng có tâm lý hám lợi, nên sẵn sàng nhận mệnh lệnh từ người thuê. Với sức mạnh chi phối ngân hàng gần như tuyệt đối, ông/bà chủ ngân hàng giấu mặt sẽ khống chế, thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng đó.

Chẳng hạn, trong vụ án xảy tại ngân hàng SCB và Vạn Thịnh Phát, nhờ sở hữu ẩn, giấu mặt thông qua 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ nên bà Trương Mỹ Lan có thể chi phối SCB với tỷ lệ gần như tuyệt đối là 91,5%. Đáng nói, về chính danh là cổ đông, bà Lan chỉ nắm giữ xấp xỉ 5% vốn, nhưng có quyền thao túng toàn bộ hoạt động của SCB trong 10 năm, trước khi bị phát giác.

Vậy, theo ông, bên cạnh các quy định của luật hiện hành, liệu có cần thêm các giải pháp khác?

Chống sở hữu chéo, nhất là sở hữu gián tiếp là bài toán khó với cơ quan quản lý do mối quan hệ giữa ngân hàng và các công ty liên quan đến cổ đông, cá nhân liên quan thường rất phức tạp. Trong đó, có thể thông qua nhiều kênh như cho vay trực tiếp từ ngân hàng, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, phân phối trái phiếu cho khách hàng cá nhân của ngân hàng, hoặc thông qua công ty con của ngân hàng như công ty chứng khoán.

Về mặt pháp lý, tác động của các quy định liên quan đến giảm tỷ lệ sở hữu, kiểm soát các hoạt động góp vốn trên lý thuyết pháp lý sẽ giảm sở hữu chéo tại các ngân hàng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, có cá nhân, doanh nghiệp dù sở hữu vốn tại ngân hàng rất ít nhưng bằng cách nào đó, họ thông qua những người không thân thích, không liên quan về mặt pháp lý đứng tên giúp để thao túng ngân hàng là vấn đề cần có sự kiểm soát trong quá trình hoạt động.

Chẳng hạn, bản thân cá nhân, doanh nghiệp tuân thủ tỷ lệ sở hữu cổ phần, nhưng họ sẽ vẫn có những “người dưng” theo luật mà lại là “người quen” ngoài đời đứng tên, gom cổ phần, chi phối, thao túng.
Chính vì vậy, bên cạnh các quy định của luật hiện hành thì việc có thêm các giải pháp giám sát chặt chẽ từ nội bộ ngân hàng và từ cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các chế tài xử lý vi phạm là hết sức cần thiết, bởi nếu không có thêm các biện pháp hỗ trợ thì sở hữu chéo, thao túng ngân hàng sẽ vẫn âm thầm diễn ra.

Để tăng cường hiệu lực thực thi luật, đặc biệt ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?

Theo tôi, ngoài việc quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần còn cần có sự giám sát chặt chẽ từ nội bộ ngân hàng và từ cơ quan quản lý Nhà nước. Trong thời gian tới, cần xây dựng một hệ thống cảnh báo thật sự khoa học, chuẩn mực, phải thiết kế, tổ chức một mô hình giám sát, kiểm tra đủ mạnh, có thể độc lập, cũng có thể nằm trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước để phòng ngừa được từ xa các rủi ro tiềm ẩn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng các văn bản dưới luật, xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, cần nhanh chóng sửa đổi các quy định liên quan, từ quy định về điều kiện, yêu cầu, trình tự, thủ tục, trách nhiệm, cho đến chế tài xử phạt. Trong đó, cần bổ sung quy định xử phạt hình sự với mức răn đe cao về tội đứng tên hộ cổ đông ngân hàng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần thêm “công cụ” để ngăn chặn sở hữu chéo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO